Cô đơn giữa nhà chồng
Tôi chia tay mối tình từ thời cấp 3 của mình chỉ sau khi tốt nghiệp đại học 6 tháng. Đơn giản vì khi đó tương lai của H. vô cùng mù mịt, không công ăn việc làm, không quan hệ, không tiền giữa thành phố lớn.
Khi đó chồng hiện tại của tôi lại “tấn công” mạnh mẽ trên mọi mặt trận. Nhà anh làm kinh doanh nên rất khá giả, anh tặng bao nhiêu quà đắt tiền, dẫn tôi đi chơi những nơi xa xỉ, lãng mạn. Thậm chí anh còn nhờ ông chú xin cho tôi một công việc văn phòng nhàn nhã, ổn định.
Một cô tân cử nhân tỉnh lẻ như tìm thấy được bến đỗ cuộc đời mình. Tôi quyết định chia tay H. để tiến tới cuộc hôn nhân với chồng hiện tại không lâu sau đó. H. quá đau khổ, hận tôi và bỏ vào nam. Tôi bặt tin anh từ đó.
Thế nhưng chẳng ai lường trước được tương lai, cuộc sống vợ chồng của chúng tôi nhanh chóng rơi vào bế tắc. Chỉ vài tháng sau khi cưới, cha mẹ chồng yêu cầu chồng tiếp quản xưởng may của bố mẹ. Chồng tôi buộc phải lao vào thương trường, tự hoạch toán kinh doanh. Anh bắt đầu quay cuồng với công việc quên mất cả mình đã có vợ.
Chúng tôi chẳng có cả thời gian để sinh con. Đặc thù quản lý xưởng là theo ca kíp, hàng may xuất khẩu lại yêu cầu cao nên anh không dám lơ là. Anh xuống xưởng tối ngày, thậm chí không có cả tết. Tôi thực sự cô đơn trong gia đình chồng nhưng không thể yêu cầu anh bớt việc để ở nhà với vợ.
Do mãi không có con nên mẹ chồng cũng chì chiết, khó chịu khi nhìn mặt tôi trong nhà. Chồng tôi lại là con trai độc đinh nên chúng tôi không được ở riêng. Mẹ chồng thậm chí còn gây sức ép bảo nếu tôi không đẻ được thì sẽ lấy vợ bé cho chồng tôi. Bà nặng nề: “Nhà này bao nhiêu của nả, không thể tuyệt tự được. Nhà này chỉ cần cháu trai, không đẻ được thì nhờ thiên hạ đẻ hộ”.
Hai vợ chồng cũng dành thời gian đi khám nhưng các bác sĩ đều khẳng định cả hai bình thường. Mãi 6 năm sau ngày cưới, chúng tôi mới có con. Tiếc là tôi chỉ sinh được con gái. Và đời tôi lại tiếc tục vật vã với công cuộc không đẻ được con trai. Mỗi lần có giỗ chạp, cả họ “xâu xé” chồng tôi cũng vì mãi không có con trai nối dõi. Bao nhiêu người chọc ghẹo, nói nặng, nói nhẹ khiến anh phát khùng.
Anh khùng tới mức quay ra lạnh nhạt với cả mẹ con tôi. Anh chỉ biết đưa cho tôi một khoản tiền mỗi tháng rồi không quan tâm nữa. Số bữa cơm anh ăn cùng mẹ con tôi có thể đếm trên đầu ngón tay. Anh “lao đầu” vào xưởng may để chạy theo các hợp đồng may xuất khẩu của đối tác nước ngoài.
10 năm lấy nhau nhưng chỉ có 2 cái tết anh đón giao thừa ở nhà. Tôi đã rơi nước mắt không biết bao đêm giao thừa vì có chồng cũng như không. Và tôi cũng có bao cuộc cách mạng trong nước mắt mong có một năm về ăn tết nhà ngoại.
Quê tôi ở cách xa chỉ khoảng 200 km nhưng chưa năm nào anh chịu về tết bố mẹ vợ cũng với lí do đơn giản là bận công việc. Chồng tôi chỉ gọi điện thăm hỏi rồi nói tôi gửi tiền về biếu bố mẹ. Với chồng tôi, tiền có thể giải quyết và bù đắp được tất cả từ vật chất tới tinh thần thì phải?
Tết năm nay, tôi quyết định làm “đại cách mạng”. 28 tết, sau khi mua sắm, chuẩn bị hết các thứ cần thiết tết nhà chồng, tôi nói với anh về nhà tết ông bà ngoại rồi 30 quay lại. Anh có vẻ miễn cưỡng nhưng rồi bảo tùy tôi. Thế là hai mẹ con tôi xách vali về ngoại.
30 tết, tôi lấy can đảm nhắn anh rằng sẽ ăn tết ở nhà ngoại. Anh gọi điện ầm ĩ, mắng chửi tôi không ra gì nhưng tôi kệ. Tôi cũng “mặc kệ” bố mẹ đẻ hết lời khuyên nhủ tôi nên về. Nhưng rồi tôi thuyết phục ông bà: “10 năm rồi, bố mẹ cho con đi lấy chồng mà chẳng khác mất con. Giờ là lúc con về với bố mẹ, đừng đuổi con”.
Tôi quệt nước mắt, mẹ tôi quệt nước mắt, bố im lặng ngồi đốt nửa bao thuốc. 30 tết rất buồn. 10 năm lấy chồng, tôi quá quen với tết buồn, cô đơn nhưng năm nay được ăn tết với bố mẹ đẻ là hạnh phúc nhiều rồi.
Cuộc gặp định mệnh sau 10 năm
Đúng Mùng 2 tết, cô bạn thân thông báo kế hoạch họp lớp ở nhà lớp trưởng cấp 3. Tôi phấn chấn vì quá lâu không được gặp bạn cũ. Chọn một bộ váy trẻ trung, trang điểm nhẹ nhàng, thở dài một cái để lại hết mệt mỏi phía sau, tôi tới họp lớp trong tâm trạng háo hức gặp lại những người hơn chục năm không thấy nhau.
Thật bất ngờ, tôi suýt đánh rơi túi xách khi đụng ngay H. ở cửa. H. thay đổi nhiều, mập hơn một chút nhưng phong độ, toát lên dáng vẻ thành đạt nhưng tôi không thể nhầm lẫn người đàn ông mình từng yêu sống chết 5 năm.
Cứ như có một lực hút, chúng tôi không rời mắt khỏi nhau. Ánh mắt của H. nhìn tôi vẫn khao khát nhưng len vào đó sự trách móc. H. tới mời tôi rượu liên tục. Cả buổi họp lớp hôm đó, trong mắt cả hai chỉ có nhau. Nhìn H., tôi nhớ lại những kỉ niệm ngọt ngào ngày yêu nhau mà lòng nuối tiếc. Nhìn H. mà lòng tôi tê tái, có lẽ tôi đã sai lầm khi phụ H. đi theo người đàn ông khác.
Tan tiệc, H. mời tôi đi uống cà phê. Tôi gật đầu ngay lập tức như chỉ chờ đợi lời đề nghị này thốt ra. Chúng tôi ngồi với nhau 3 tiếng đồng hồ, hàn huyên đủ kỉ niệm vui buồn, thù hận xưa. H. bảo suốt 10 năm qua, anh vẫn hận tôi lắm nhưng giờ gặp lại, chẳng hiểu sao chỉ muốn ôm tôi vào lòng, quên hết chuyện cũ.
10 năm qua, H. cũng lao đầu vào làm việc, để có tất cả, để có ngày gặp tôi sẽ ngẩng cao đầu. Những năm bươn chải ở Sài Gòn vất vả, cơ cực, anh làm đủ nghề tay chân tới trí óc, rất may cơ hội mỉm cười với anh. Hiện anh đang làm tổng giám đốc một loạt nhà hàng hạng sang ở cả chục thành phố lớn.
Suốt 10 năm, không có người đàn bà nào lọt được vào tim anh, chỉ là vài mối tình chẳng đầu chẳng cuối. Dân trong nghề đồn anh chỉ yêu mỗi tiền, nhưng sự thực không phải vậy.
Sau buổi gặp gỡ hôm ấy, tôi và anh còn hẹn hò vài lần trước khi tôi trở về nhà chồng. Biết tôi sống không hạnh phúc với chồng, H. nói tôi hãy bỏ chồng và sống với anh. Anh sẽ lo cho mẹ con tôi không thiếu thứ gì, sẽ yêu thương mẹ con tôi. Nhìn ánh mắt anh, tôi tin anh thật lòng.
Những ngày tết nhiều xáo trộn kết thúc, tôi trở về với ngổn ngang suy nghĩ, với trái tim bỗng như nóng lại. Những ngày này, phải đối mặt với những câu nói phũ phàng của chồng, những lời lẽ cay nghiệp của mẹ chồng, tôi càng thấy mình không thuộc về gia đình này.
Tôi có nên bước tới ngã rẽ cuộc đời, nơi có người đàn ông đã để dành trái tim cho tôi suốt 10 năm qua?