> Các ông bầu và ‘hội nghị Diên Hồng’ phát triển bóng đá Việt
> Bầu Đức: Bình Dương hay T&T không thể nhiều tiền hơn tôi được
Tiên phong trong phong trào doanh nghiệp hóa bóng đá phải kể đến “bầu” Đức của HA.GL hay “bầu” Thắng của ĐT.LA. Buổi đầu làm bóng đá, các ông chủ của “Gỗ”, “Gạch” (tên quen gọi của HA.GL và ĐT.LA) đều chi không ít tiền: xây dựng trung tâm đào tạo, mua sắm cầu thủ…
Thương vụ đình đám nhất của HA.GL thời điểm bấy giờ là đưa tiền đạo Thái Lan Kiatisuk về phố Núi năm 2002, khi còn chơi ở giải hạng Nhất. Khoản tiền lương cao ngất ngưởng tính bằng “đô”, kèm theo những chế độ đãi ngộ hấp dẫn khác HA.GL dành cho Kiatisuk đã khiến dư luận “sốc”.
Cũng cần phải kể thêm là “bầu” Đức đã tốn khá nhiều công phu mới chiêu mộ được tiền đạo trên bởi Kiatisuk khi đó là linh hồn của ĐTQG Thái Lan. Bản thân Kiatisuk cũng như CLB chủ quản cũng không tin vào khả năng tài chính của HA.GL. “Bầu” Đức sau này kể rằng người đại diện của Kiatisuk đã hỏi ông tiền đâu để trả lương.
Có khá nhiều ý kiến nghi ngờ khả năng thành công của thương vụ trên. Tuy nhiên, những thành công của HA.GL sau đó đã chứng minh quyết định của “bầu” Đức là chính xác. Sau khi thăng hạng, HA.GL tiếp tục thể hiện sức mạnh tuyệt đối với phần còn lại của V.League bằng hai chiếc cúp vô địch liên tiếp trong hai năm 2003, 2004. HA.GL hiện nay nổi tiếng với việc hợp tác cùng đại gia của giải Ngoại hạng Anh Arsenal, mở học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG.
Tiếp nối HA.GL, ĐT.LA cũng được coi như biểu tượng thành công của bóng đá doanh nghiệp. Đỉnh cao của “Gạch” là hai danh hiệu vô địch V.League trong các năm 2005, 2006, ngay sau hai năm huy hoàng của HA.GL. Trong thế đối chọi nhau, các trận đấu của ĐT.LA và HA.GL luôn tạo được sức hút đối với các CĐV. Thành công của ĐT.LA gắn liền với tên tuổi của cựu HLV trưởng ĐTVN H.Calisto, người vừa chuyển sang dẫn dắt CLB Muangthong United (Thái Lan).
Đi liền với thắng lợi trên sân cỏ, công việc kinh doanh của các doanh nghiệp cũng lên vù vù. Từ chỗ chỉ là một nhà máy chế biến gỗ ở Gia Lai, HA.GL hiện nay đã phát triển thành tập đoàn lớn với nguồn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, mở rộng ra cả khu vực ĐNA. Tổng tài sản của HA.GL theo ước tính khoảng 23.000 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, “bầu” Đức hai năm liên tiếp dẫn đầu (2008, 2009) và một năm giữ vị trí thứ nhì (2010). Mới đây, Wall Street Journal cũng bầu ông Đức là một trong những doanh nhân hàng đầu của ASEAN.
Sau HA.GL và ĐT.LA, một loạt các doanh nghiệp khác nhảy vào bóng đá: Becamex (Bình Dương), Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Xi Măng Hải Phòng, T&T… Ông “bầu” mới nhảy vào bóng đá là Nguyễn Đức Thụy (CLB Sài Gòn Xuân Thành). Bóng đá được coi là một “kênh” đánh bóng thương hiệu hiệu quả, chưa kể đem lại không ít mối lợi cho các ông chủ với những ưu đãi trong hoạt động kinh doanh (cơ chế, đất đai…). Điều kiện các doanh nghiệp đưa ra mỗi khi đồng ý tài trợ cho CLB luôn gắn liền với hoạt động kinh doanh tại địa phương.
Dĩ nhiên, bên cạnh thành công, cũng có không ít doanh nghiệp thất bại khi đầu tư vào bóng đá. Xi măng Công Thanh của Thanh Hóa là một điển hình, bởi nguồn lực tài chính có hạn cũng như cách điều hành, quản lý không thức thời.
Khó có thể phủ nhận quá trình doanh nghiệp hóa đã giúp cho đời sống bóng đá VN trở nên sôi động, có điều kiện để phát triển. Nhưng bên cạnh đấy là cũng có không ít hệ lụy. Việc các ông chủ vung tiền vào thị trường chuyển nhượng đã khiến giá cầu thủ leo thang đến mức chóng mặt.
Hà Nội T&T được coi là người “kích nổ” cuộc chạy đua với thương vụ mua tiền đạo Công Vinh (SLNA) với giá 7 tỷ đồng năm 2008. V.League thời điểm hiện tại đã quen với các bản hợp đồng tiền tỷ: tiền đạo Quang Hải (K.Khánh Hòa) về Navibank Sài Gòn (9 tỷ đồng), hay trung vệ Phước Tứ (Thanh Hóa) đầu quân cho Sài Gòn Xuân Thành (12 tỷ đồng)…là những ví dụ.
Đầu tư lực lượng chưa đủ, để chạy đua thành tích, nhiều đội bóng còn sử dụng nhiều biện pháp khác: “tạo mối quan hệ tốt” với các trọng tài, treo thưởng tiền cho mỗi trận thắng…Hà Nội T&T hay Xi Măng Hải Phòng (V.Hải Phòng hiện nay), SHB.Đà Nẵng…nổi tiếng với khoản tiển thưởng có thể lên đến trên dưới 1 tỷ đồng.
Hậu trường làng bóng cũng có không ít lời xầm xì về việc một số đội bóng luôn nhận được sự ưu ái của các trọng tài, với sự cố gần đây nhất đã dẫn đến việc các ông chủ Hòa Phát HN quyết định chia tay bóng đá sau tám năm gắn bó.
V.League cũng nổi tiếng với việc nhiều CLB bị thay tên đổi chủ, hay việc bán suất được thực hiện với thủ tục khá đơn giản. Bóng đá VN, như nhận xét của nhiều người, đang bị “biến dạng”.
Tại hội nghị tổng kết mùa giải 2011, chủ tịch đội bóng vừa rớt hạng HN.ACB Nguyễn Đức Kiên đã làm VFF và dư luận “nổ tung” với bài phát biểu chỉ ra một loạt tiêu cực của bóng đá VN: rải tiền đổi thành tích, tiêu cực của trọng tài, yếu kém của BTC giải…
Ngày 15-9 vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra cuộc tọa đàm giữa các ông “bầu” lớn với mục tiêu tìm lối ra cho bóng đá VN. Giải pháp được đưa ra là VFF cần thay đổi tận gốc, từ bộ máy lãnh đạo cấp cao trở xuống. VFF đang đứng trước một cuộc đại hội bất thường của 28 CLB chuyên nghiệp và hạng Nhất.