Mức phải trả cho một cuộc sống trọn vẹn

Mức phải trả cho một cuộc sống trọn vẹn
Những sai lầm là một phần của chi phí mà một người phải trả cho một cuộc sống trọn vẹn...

Một kỹ thuật viên tư vấn về máy tính đã phải nói chuyện và giải thích qua điện thoại cho một người sử dụng suốt hàng giờ đồng hồ, nhưng cuối cùng vẫn không giải quyết được vấn đề nên bỏ cuộc. Anh ấy phải viết một bản báo cáo về trường hợp này. Ở câu hỏi miêu tả tình huống, anh kỹ thuật viên đã viết: "Vấn đề nằm ở giữa cái bàn phím và cái ghế".

Tôi hiểu ngay. Giữa cái bàn phím và cái ghế cũng là nơi gây ra hầu hết các vấn đề về máy tính của tôi, và có thể hầu hết các vấn đề khác nữa. Mặc dù tôi cũng rất muốn đổ lỗi về những rắc rối trong cuộc đời mình cho những người khác hoặc những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát ("Tôi không còn cách nào khác…", "Đó không phải là lỗi của tôi…"), thì tôi vẫn biết rằng thường thì đó là kết quả từ sai lầm của chính mình. Và tôi cũng mắc hàng đống sai lầm.

Giống như một tình huống "ngượng chưa kìa" đã xảy ra từ vài năm trước. Hôm đó, tôi đang lái xe từ vùng ngoại ô về nhà thì nhìn thấy một cô gái vẫy tay xin đi nhờ. Đúng, tôi tin rằng cô ấy xin đi nhờ. Tôi không phải là một kẻ ngây thơ, nhưng trông cô gái này rất thật thà và hiền lành. Nên, vì lòng tốt, tôi đi chậm lại rồi dừng xe.

Lúc đó đang vào giờ tan tầm nên đường rất đông. Tức là tất cả những chiếc xe đằng sau trên con đường chật ních đó đều phải dừng lại khi tôi mở cửa xe cho cô gái vào. Nhưng tôi gạt sự ái ngại đó đi bằng ý nghĩ: "Họ có thể đợi một phút cũng được chứ sao. Mình chỉ giúp người khác thôi mà".

Khi tôi khởi động lại xe để đi tiếp, tôi hỏi: "Cô muốn đi đâu?".
Đó là khi cô ấy nhìn tôi và nói: "Anh có muốn hẹn hò không?".
Thật tình là tôi không nghĩ đến tình huống đó. Cố nghĩ xem chuyện gì đang xảy ra, tôi đáp: "Hả?".
"Anh có muốn hẹn hò không?" - Cô ấy hỏi lại - "Anh có muốn vui vẻ không?".
Đến lúc này, một chút ánh sáng le lói trong đầu tôi. Cuối cùng, tôi bắt đầu hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Tôi cảm thấy mình hơi ngớ ngẩn khi nghĩ cô ấy muốn đi nhờ xe. Và khi tôi bảo không thì cô ấy nói: "Vậy thì anh nên cho tôi xuống xe chứ".

Chúng tôi mới đi được hai khối nhà và tôi đã đi chậm để dừng lại lần thứ hai. Chính những cái ô tô lúc nãy phải chờ tôi, bây giờ lại chờ lần nữa, và tôi nhận ra rằng có lẽ tôi là người cuối cùng trên con phố hôm đó hiểu được chuyện gì đang diễn ra.

Vị thị trưởng cũ của thành phố New York là Filorello LaGuardia từng nói: "Tôi không mắc nhiều sai lầm lắm, nhưng khi có, thì đó là một điều tốt đẹp". Ngược lại, tôi mắc rất nhiều sai lầm, và tất nhiên, một con số lớn là những điều tốt đẹp. Thực tế, "tai nạn" với "cô gái đi nhờ xe" không được coi là một sai lầm gì quá ngớ ngẩn.

Trừ phi gây ra những tổn thương hay tai hại nặng nề, dài hạn; còn nếu không, tôi không ngại những việc vụng về, những sai lầm, bước chệch hướng, lỡ miệng… hay những thứ tương tự như thế. Thực ra, tôi nghĩ những sai lầm đã luôn bị đánh giá quá thấp, bởi chúng thực sự là những cơ hội để học hỏi. Như diễn viên Sophia Loren nói: "Những sai lầm là một phần của chi phí mà một người phải trả cho một cuộc sống trọn vẹn". Và tôi cho rằng, bạn càng muốn sống trọn vẹn, thì bạn càng phải trả nhiều chi phí hơn.

Cho nên, tôi vẫn chấp nhận những rủi ro, vẫn thử những điều mới mẻ và vẫn mắc nhiều sai lầm nữa nếu như thế có nghĩa là có cuộc sống trọn vẹn và phong phú hơn. Vì, nói cho cùng, sai lầm to lớn hơn cả chính là không bao giờ dám thử bất kỳ chút gì hết.

Theo Sinh viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG