Mục kích lính không quân bay huấn luyện

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời tiết Đà Nẵng giữa tháng 3 rất thuận lợi để tổ chức bay huấn luyện; những ban bay của Trung đoàn 929 (Sư đoàn Không quân 372) nối tiếp nhau cất cánh.

Rèn luyện liên tục

Có mặt tại sân bay, nơi Trung đoàn 929 tổ chức ban bay huấn luyện khi trời chưa sáng tỏ, được chứng kiến một ngày làm việc miệt mài của cán bộ, phi công và đội ngũ nhân viên kỹ thuật, chúng tôi mới hiểu hơn về hoạt động đặc thù của lính không quân.

Sau chuyến bay trinh sát khí tượng, hội nghị giao nhiệm vụ chính thức cho các thành phần được tiến hành ngắn gọn, cụ thể. Phi công tiếp nhận máy bay từ đội ngũ kỹ thuật, sau đó điều khiển lăn bánh ra đường băng. Đúng 6 giờ 5 phút, cùng với tiếng động cơ phản lực gầm rú, chiếc tiêm kích bom Su-22 lướt nhanh trên đường băng, lao vút vào không trung. Những “con chim sắt” khi bay đơn, khi bay biên đội thực hiện các động tác kỹ thuật nhào lộn điêu luyện trên không.

Khéo léo đưa chiếc Su-22 lướt nhẹ trên đường băng, bung dù giảm tốc và lăn bánh về bãi đỗ, Thượng úy - phi công cấp 3 Vũ Anh Tú (Biên đội trưởng thuộc Phi đội 2) từ buồng lái bước xuống, lưng áo đẫm mồ hôi. Anh nở nụ cười thật tươi khi đồng đội đến chúc mừng. Thượng úy Tú chia sẻ, lần này anh thực hiện bay đơn bài ném bom ban ngày. Lần đầu tiên được giao nhiệm vụ huấn luyện bắn, ném bom mặt đất, anh rất phấn khởi, nhưng cũng thấy trách nhiệm nặng nề hơn.

Mục kích lính không quân bay huấn luyện ảnh 1

Lực lượng kỹ thuật giúp phi công làm công tác chuẩn bị trước khi bay ẢNH: HỮU LỆ

“Để đảm bảo thực hành có kết quả tốt, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ về lý thuyết các bài bay, tổ chức luyện tập hiệp đồng chặt chẽ trên sa bàn, bay buồng tập. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên sử dụng các loại vũ khí như bom, rốc két nên tôi luôn chú trọng luyện tập sử dụng các loại công tắc, núm nút; hiệp đồng giữa buồng trước, buồng sau và hiệp đồng trên không, mặt đất; cách xử lý các tình huống bất trắc…”, Thượng úy Tú nói.

Thượng tá - phi công cấp 2 Đoàn Thế Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 929, cho biết, đơn vị đang tổ chức huấn luyện bay ứng dụng chiến đấu ban ngày. Nội dung này thường áp dụng cho những phi công dày dạn kinh nghiệm, bay giỏi các bài bay khí tượng từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi bài bay, sau khi huấn luyện xong, chỉ có tác dụng một thời gian nhất định. Nếu phi công không được bay bài bay đã được học trong thời gian quá dài, phải tổ chức huấn luyện lại từ đầu.

“Chính vì vậy, Trung đoàn phải tổ chức huấn luyện bay thường xuyên để nâng cao trình độ cho phi công, chống giãn cách và hạn chế việc phải bay hồi phục, hay huấn luyện lại bài bay cũ. Thời gian tới, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ diễn tập bắn, ném bom, đạn thật nên chú trọng huấn luyện các bài bay trong điều kiện ban đêm, trong điều kiện khí tượng phức tạp, ứng dụng chiến đấu, ưu tiên phi công mũi nhọn, phi công trẻ”, Thượng tá Sơn nói.

Thầm lặng đảm bảo an toàn

13 giờ 20 phút, ban bay của Trung đoàn 929 kết thúc, 15 lượt chuyến bay huấn luyện ứng dụng chiến đấu đảm bảo an toàn tuyệt đối. Những ban bay ngày, bay đêm vẫn được Trung đoàn liên tục tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Đây là cơ sở để Trung đoàn nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời được giao. Góp phần vào những chuyến bay thành công đó có sự góp sức rất lớn của những người lính thầm lặng.

Để một chiến đấu cơ cất cánh thực hiện nhiệm vụ, các khâu chuẩn bị phải đầy đủ, khoa học và hết sức thận trọng, chính xác, từ hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ, chỉ huy, thông tin, dẫn đường đến bảo đảm kỹ thuật hàng không, bảo đảm kỹ thuật, hậu cần sân bay.

Thường là lực lượng bận rộn nhất, đội ngũ cán bộ, nhân viên đảm bảo kỹ thuật hàng không sau khi nhận nhiệm vụ, từng tổ sẽ ra tiếp thu máy bay, kiểm tra chặt chẽ theo từng chuyên ngành (máy bay động cơ, vô tuyến điện tử, vũ khí hàng không…).

Theo Trung tá Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn 929, khi kiểm tra đã đảm bảo các yếu tố về mặt kỹ thuật, tất cả được niêm phong trước khi rời khu kỹ thuật. Tới 3 giờ sáng hôm sau, cán bộ, nhân viên lại tiếp tục có mặt tại khu kỹ thuật để kiểm lại tình trạng kỹ thuật của máy bay theo quy trình. Sau khi đảm bảo theo yêu cầu, sẽ tiếp tục phục vụ cho ngành bảo đảm kỹ thuật, hậu cần sân bay tiếp nhiên liệu, ôxy, khí nén…, đến lúc bàn giao máy bay cho phi công mới xong công tác đảm bảo kỹ thuật trước khi bay. Ngoài ra, đội ngũ bảo đảm kỹ thuật còn phải làm công tác đảm bảo trong, giữa các chuyến bay và sau khi bay.

“Thực hiện đúng quy trình trong 4 giai đoạn bay, chấp hành nghiêm điều lệ công tác kỹ thuật và quyết định của chỉ huy bay luôn được đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên quán triệt, thực hiện. Chúng tôi có mặt từ lúc tiếp nhận, huấn luyện và đưa máy bay về nơi bảo quản. Có ban bay, lực lượng kỹ thuật ra sân bay lúc mặt trời chưa lên, khi ra về thì đã hoàng hôn”, Trung tá Long chia sẻ.

Có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng trời, vùng biển miền Trung và Tây Nguyên, năm 2021, Trung đoàn 929 huấn luyện bay vượt chỉ tiêu đề ra; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu tiêm kích phòng không ban ngày; tham gia diễn tập MT-21 đạt mục đích yêu cầu đề ra; tham gia Hội thao dẫn đường cấp Quân chủng đạt giải Nhì toàn năng; tham gia bắn, ném bom đạn thật đạt giỏi. Năm 2021, Trung đoàn đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, được Bộ Quốc phòng tặng cờ Đơn vị huấn luyện giỏi.

MỚI - NÓNG