Mức án nào cho thượng tá lừa gần 25 tỷ đồng?

Bị cáo Y Tuyến Ksơr tại phiên xét xử sơ thẩm hôm qua 29/8.
Bị cáo Y Tuyến Ksơr tại phiên xét xử sơ thẩm hôm qua 29/8.
TP - Những người dự tòa đồng loạt “ồ” lên, khi nghe bị cáo Y Tuyến Ksơr (nguyên thượng tá, nguyên Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội-PC 64 Công an tỉnh Ðắk Lắk) khai trước hội đồng xét xử là ông đã lừa tới 62 bị hại, chiếm đoạt hơn 24,3 tỷ đồng để tiêu xài và làm quà biếu “sếp”.

Tiền mất, tiếng mang

Ngày 29/8, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ  “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Y Tuyến Ksơr.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2012 đến tháng 4/2014, Y Tuyến Ksơr giữ chức  Phó trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (PA71); từ tháng 5/2014 đến tháng 8/2016 là thượng tá, Phó trưởng phòng PC64 Công an tỉnh Đắk Lắk. Bằng thủ đoạn tung tin quen biết lãnh đạo Bộ Công an, nên có khả năng xin việc, xin cho người khác vào học các trường trong ngành, hoặc xin chuyển công tác từ đơn vị này qua đơn vị khác, Y Tuyến đã lừa được 62 nạn nhân với tổng số tiền hơn 24,3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này bị cáo dùng để trả nợ và sử dụng vào mục đích cá nhân. Tại thời điểm điều tra, Y Tuyến đã kịp thời tiêu hủy các hồ sơ liên quan đến xin việc, xin đi học.

 Trong các nạn nhân, riêng ông Lê Tài Dũng (trú tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã 3 lần đưa tiền cho Y Tuyến, tổng cộng 424 triệu đồng. Giữ 3 cái giấy biên nhận do Y Tuyến viết, ông Dũng kể với phóng viên trong giờ giải lao giữa phiên xử: Đây là số tiền gia đình tôi lỡ dại vay ngân hàng đưa ông Y Tuyến, để nhờ ông ấy xin việc, xin học cho 2 con trai. Giờ việc chả có, trường không được vào, mà tiền mất hết, chả biết làm sao đòi lại được ?!

Đến dự tòa còn có nhiều nạn nhân hoặc thân nhân những người từng bị Y Tuyến lừa đảo. Trong đó ông Vũ Văn Khâm (trú tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) mất hơn 1,3 tỷ đồng; ông Hoàng Văn Kính (trú tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) mất 300 triệu đồng; ông Huỳnh Phi Hải (trú tại TP Buôn Ma Thuột) mất 670 triệu đồng; anh Nguyễn Thanh Hòe (trú tại TP Buôn Ma Thuột) mất hơn 1,2 tỷ đồng…

Nhiều lời khai bị xác định là “không có cơ sở để xử lý”

Trước HĐXX, bị cáo Y Tuyến Ksơr cho rằng toàn bộ số tiền lừa đảo, bị cáo đều sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân và để làm quà biếu tặng cho nhiều lãnh đạo trong và ngoài ngành Công an tỉnh Đắk Lắk. Có những vị lãnh đạo Công an được Y Tuyến “tặng” hàng trăm triệu đồng. HĐXX bác bỏ lời khai trên của bị cáo vì cho rằng bị cáo khai như vậy nhưng lại không có giấy biên nhận, hay bất cứ bằng chứng nào để chứng minh.

Ngoài ra, Y Tuyến cũng cho biết, tất cả những người “môi giới” cho bị cáo đều được trích chi trả phần trăm hoa hồng. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra mời một số nhân chứng, được cho là “cò việc” để đối chất, thì lời khai giữa bị cáo với những người này đều mâu thuẫn, lại không có bằng chứng gì, nên cơ quan tố tụng cũng không có cơ sở để xử lý.

Nhiều lần HĐXX hỏi bị cáo Y Tuyến nhận số tiền của từng bị hại là bao nhiêu, vị nguyên Phó trưởng phòng PC64 phần lớn không nhớ. Nhiều bị hại trong vụ án đề nghị bị cáo phải trả lại số tiền đã lừa đảo. Một bị hại của vụ án khẳng định Y Tuyến có tài sản lớn tại TP Nha Trang và TPHCM. Y Tuyến phủ nhận, cho rằng mình chỉ còn 2 chiếc xe máy do lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các bị hại mà có. Bị cáo Y Tuyến còn khẳng định xin thành công cho con trai của một Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vào học trường Văn hóa 3 của Bộ công an.

 Theo cơ quan công tố, với tổng số tiền lừa đảo tới hơn 24,3 tỷ đồng của 62 bị hại, theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, bị cáo Y Tuyến phải đối mặt với khung hình phạt có mức án cao nhất là chung thân. Dự kiến ngày 30/8 tòa sẽ tuyên án.          

Một bị hại của vụ án khẳng định Y Tuyến có tài sản lớn tại TP Nha Trang và TPHCM. Y Tuyến phủ nhận, cho rằng mình chỉ còn 2 chiếc xe máy do lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các bị hại mà có. Bị cáo Y Tuyến còn khẳng định xin thành công cho con trai của một Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vào học trường Văn hóa 3 của Bộ công an.
MỚI - NÓNG