Mùa Xuân nói chuyện văn hóa phồn thực

Trong quan niệm xa xưa vẫn còn trường tồn ở nhiều dân tộc, quốc gia, ngay cả Việt Nam, vào dịp mùa xuân khởi đầu năm mới, người ta lại đi xem, hay nói về các biểu tượng phồn thực để cầu mong sinh sôi nảy nở.

Thiên nhiên vốn cũng là một sinh thể hay cơ thể kỳ diệu, dường như trong nó cũng chan hòa sắc tình như con người. Bởi vậy, tâm thức phồn thực trở thành những ngụ ý biểu trưng khi quan sát cảnh quan và sự vật trong thế giới tự nhiên.

Tất cả điều này đã được Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương diễn tả bằng một ngôn ngữ liên tưởng sống động, khiến ngay cả ngày nay khi chúng ta đứng trước những thắng cảnh thiên nhiên, vẫn thấy vang vọng trong mình những vần thơ mà nữ sĩ này khi ngao du sơn thủy đã họa những cảnh như động Hương Tích, hang Thánh Hóa, hang Cắc Cớ, đèo Ba Dội, Đá Ông Chồng Bà Chồng, Kẽm Trống…

Mùa Xuân nói chuyện văn hóa phồn thực ảnh 1 Lingaparvata hay núi Đá Bia trên đèo Cả, tỉnh Phú Yên, với câu ca dao được truyền tụng: “Chiều chiều mây phủ Đá Bia/Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng”

Từ những kỳ quan phồn thực

Nằm phía Bắc đèo Cả (tỉnh Phú Yên), một vùng nổi tiếng với nền văn hóa đá linh thiêng, có quả núi thiêng Lingaparvata. Tương truyền vua Lê Thánh Tông trong cuộc công phá Chiêm Thành, đã cho khắc bài bia vào hòn đá linga “mọc” tự nhiên chót vót trên ngọn núi này để phân định ranh giới Chiêm - Việt (từ 1471 - 1653), đặt tên là Thạch Bi Sơn (hòn Đá Bia).

Rất có thể hành vi lập bia và đổi tên ngọn núi thiêng này của vua Đại Việt mang ý nghĩa “trấn yểm” một yếu điểm huyết mạch về địa lý, chính trị và tâm linh của một nền văn minh Ấn giáo, và từ đó sẽ đi vào suy tàn.

Về địa thế chiến lược, Lingaparvata là cái mũi nhô ra nhất ở bờ biển phía Đông cho các chiến thuyền và ngư thuyền Champa nhắm hướng. “Linga” là dương vật cương cứng, biểu tượng cho sức mạnh sáng tạo của vũ trụ tự nhiên, của thần Shiva.

Còn “parvata”, hay Uma là một nữ thần hiền từ của Ấn giáo và là con gái của thần núi Himalaya. Lingaparvata hàm nghĩa Linga sáng tạo ra đời sống trên Mẹ Đất cưu mang và nuôi dưỡng tất cả, và con người như những con ong hút mật từ thân thể Mẹ Đất.

Mùa Xuân nói chuyện văn hóa phồn thực ảnh 2

Hòn Đực ở khu Đan Hạ Sơn, Quảng Đông

Một kỳ quan tâm linh phồn thực khác đề cao sự sáng tạo và sinh tồn dành cho những lữ khách chiêm bái, chỉ cách thành phố Hội An hơn 10 cây số, ở huyện Điện Bàn, là ngọn tháp Bằng An mọc sừng sững trên một vùng đồng bằng ruộng lúa xanh rì, khác với những tháp thường thấy trên các ngọn đồi cao.

Tháp này được vua Champa dựng từ thế kỷ thứ 9 để thờ thần Shiva, rất độc đáo và là tháp duy nhất có mặt bằng hình trụ bát giác, tên là Linga Paramesvara, tức Linga Thần Siêu việt - tên hiệu của Shiva. Biểu tượng là một tháp hình trụ Linga khổng lồ, cao hơn 20 m, hiếm thấy ngay cả trong toàn bộ nền văn minh Ấn giáo.

Trong những cuộc du lịch chiêm ngưỡng những kỳ quan thiên nhiên ở những quốc gia trong vùng, như khi đến thăm Angkor, du khách không nên bỏ qua chuyến thăm dãy núi Kulen, nơi từng là thánh địa đầu tiên của đế chế Khmer vào thế kỷ thứ 9.

Ở đây có con sông thiêng Kbal Spean, là nơi có nhiều thác nước với hàng chục ngàn linga và tượng thần tạc dưới lòng sông - đầu nguồn của dòng Siem Reap - không ngừng tuôn chảy mạch nước tinh khôi.

Mùa Xuân nói chuyện văn hóa phồn thực ảnh 3

Tháp Linga Paramesvara hay Tháp Bằng An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Ở vùng Lĩnh Nam, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có một thắng tích độc đáo thu hút du khách là khu Đan Hạ Sơn, gần thành phố Thiệu Quan nằm phía Bắc Quảng Đông.

Nơi đây có một công viên kỳ dị do địa chất hàng chục triệu năm cấu thành một rừng đá lô xô những đỉnh thạch bích và nham thạch, những kết khối từ sa thạch màu đỏ son.

Đặc biệt có hai tảng đá mà thiên hạ đều đến để chiêm ngưỡng là Hòn Đực (Dương nguyên thạch) và Hòn Cái (Âm nguyên thạch) mang hình thù rõ rệt hai bộ sinh thực khí dương vật và âm vật khổng lồ.

Đến đây du lịch hay cầu nguyện sinh sôi, ai biết Hồ Xuân Hương sẽ nhớ ngay mấy câu: “Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm/ Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom”, trích bài Động Hương Tích; hay: “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/Hòn đá xanh rì lún phún rêu”, trích bài Đèo Ba Dội.

Mùa Xuân nói chuyện văn hóa phồn thực ảnh 4 Hòn Cái ở khu Đan Hạ Sơn, Quảng Đông

Đến bảo tàng sắc tình

Những du khách ngày nay, chắc không bỏ qua những viện bảo tàng tính dục, chúng bắt đầu mọc lên khắp châu Âu vào cuối thập niên 1960 và những năm 1970 trong thời cách mạng tính dục.

Những bảo tàng này ngày nay được gọi là bảo tàng nghệ thuật sắc tình (erotic art museum) thay cho tên gọi trước là “bảo tàng tính dục” (sex museum), chúng trưng bày đa dạng về nghệ thuật luyến ái, những sản phẩm hỗ trợ tính dục qua suốt lịch sử, và những tài liệu văn chương, sách báo, phim ảnh sắc tình.

Ở châu Á, ngay từ những năm 1960 và 1970 Nhật Bản đã có nhiều bảo tàng tính dục gọi là Hihokan (Bí bảo quán) mọc khắp nơi trên quốc gia này. Tại Trung Quốc, bảo tàng tính dục đầu tiên mở cửa năm 1999 ở Thượng Hải, được gọi là Bảo tàng Văn hóa tính dục Trung Quốc cổ đại.

Ở Ấn Độ, bảo tàng tương tự mở cửa năm 2002 ở Bombay. Ở Australia, Bảo tàng Quốc gia về sắc tình khai trương năm 2001, nhưng đóng cửa năm 2003. Ở Hàn Quốc là Bảo tàng Ái tình châu Á mở năm 2003 ở Seoul…

Mùa Xuân nói chuyện văn hóa phồn thực ảnh 5

Bảo tàng Tính dục cổ đại (Tô Châu, Trung Quốc)

Và đặc biệt gần đây, nếu một cặp vợ chồng Hàn Quốc mới cưới và muốn hưởng một tuần trăng mật lý tưởng, đã có cho họ một điểm đến nổi tiếng là đảo Jeju Love Land. “Khu vườn tình ái” mở cửa năm 2004 này với khí hậu ấm áp đã trở thành một trung tâm giáo dục giới tính cũng như giải trí.

Đó là một công viên lớn với chủ đề tính dục, với phim ảnh giáo dục giới tính, cho đến quần thể gồm 140 pho tượng nghệ thuật mô tả đủ mọi tư thế con người làm tình, hoặc những tượng dương vật, âm hộ và vú có kích thước khổng lồ…; chúng cũng không thiếu tính hài hước trong cái “nghề chơi cũng lắm công phu” này.

Ngay tại Việt Nam cũng vậy, rạng sáng 12 tháng Giêng hàng năm tại Tứ Xã (Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) vẫn còn diễn ra đêm Đụ Đị ở miếu Trò, dân gian gọi thanh lịch là hội Trò Trám, hay hội Nõ Nường.

Đây không phải là hội phồn thực duy nhất của người Kinh, bởi nhiều nơi vẫn còn giữ mỹ tục, tập tục này, ví dụ ở Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), dù không rầm rộ.

Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng

Theo Theo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
MỚI - NÓNG