Tôi có nhiều bạn ở giữa vùng vải Lục Ngạn, Bắc Giang. Thời sinh viên, vào những năm 2000, cứ thi cuối năm xong, chúng tôi lại về Lục Ngạn thu hoạch vải cho gia đình bạn. Vải bạt ngàn, trĩu cành, tạo thành một khoảng trời đỏ ối, rực rỡ. Dọc quốc lộ 31 chạy qua Lục Ngạn, vải, người và xe ken đặc. Cảnh thì đẹp nhưng vải chỉ độ 2.000 – 3.000 đồng/kg, gia đình bạn, hàng xóm và chúng tôi cũng không vui nổi sau những ngày trằn trong nắng bẻ, bó, khiêng, vác. Giá vải rẻ, nhiều gia đình bạn tôi bỏ, không chăm sóc, thậm chí chuyển đổi sang trồng bưởi, cam, hồng.
Năm nay, vải ở Hà Nội hiếm, không còn cảnh bán đổ đống ở vỉa hè như mọi năm. Tôi gọi cho bạn nhờ mua, bạn than: “Tiếc quá bạn ơi, cứ tưởng năm nay COVID vải ế, tôi không chăm, vải xấu nhưng tôi sẽ chọn mua cho bạn vải xuất Nhật Bản. Bà con thì lãi lớn, rất mừng, cảm ơn chính quyền vào cuộc đẩy mạnh quảng bá cho quả vải”.
Lời cảm ơn như thế có lẽ sẽ làm cho những lãnh đạo, cán bộ của tỉnh Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, các nhà khoa học, doanh nghiệp… xúc động. Trong dịch COVID-19, phải giãn cách xã hội đầy khó khăn nhưng hàng loạt các giải pháp sáng tạo đã được đưa ra như hội nghị khách hàng trực tuyến, cán bộ tỉnh Bắc Giang lên tận cửa khẩu, ngày đêm đón các thương nhân Trung Quốc về Lục Ngạn để cách ly rồi mua vải. Hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tận vườn vải, cắt băng cho các chuyến xe công ten nơ chở vải đầu tiên của các doanh nghiệp làm nức lòng dư luận… Nói như ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, vụ vải năm nay thành công là màn trình diễn thuyết phục của mối liên kết 4 nhà (gồm nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Ông Thái còn cẩn thận ca ngợi thêm phần đóng góp của nhà báo).
Thuyết phục ở chỗ, những giải pháp vốn nói đi nói lại, nói tái nói hồi nhưng nay đã được hiện thực hóa một cách sinh động, sáng tạo, hiệu quả. Nông dân không còn chông chênh giữa được mùa mất giá, được giá mất mùa. Giải pháp không mới, vậy cái làm cho các giải pháp đó hiệu quả, sinh sắc không gì khác là trách nhiệm là sự quyết liệt vì dân. Vì thế, vụ vải năm nay không chỉ có vị ngọt của quả vải mà còn có vị ngọt của tình thương, trách nhiệm.
Lâu nay, người ta vẫn lý giải, chữ “thiều” trong vải thiều được hiểu là “cao đẹp”. Có lẽ, từ nay, quả vải sẽ là một thứ quả cao đẹp cả về trị giá và của cả tình yêu thương, trách nhiệm.