> Thêm một giờ cho mùa đông
> Bữa ăn yêu thương cho trẻ em nghèo
Khăn len xua tan lạnh giá
Đêm 5/12, hơn 30 sinh viên tình nguyện thuộc Đội Công tác xã hội Nhân văn (ĐH KHXH&NV Hà Nội) xuất phát đến xã Đồng Tiến (Bắc Quang, Hà Giang) triển khai các hoạt động tình nguyện tại đây. Đây là năm thứ hai chương trình được nhóm tổ chức, nhằm giúp đỡ người dân, trẻ em vùng cao phần nào xua đi giá lạnh của mùa đông.
Hành trang đoàn mang theo là hơn 80 bao tải quần áo từ đồ quyên góp đã được chọn lọc, đồ dùng học tập, bánh kẹo… Để có được những món quà này, nhóm mất gần 3 tháng chuẩn bị.
Kinh phí hoạt động của nhóm không có nhiều, mua khăn ở ngoài rất đắt, nên chúng mình tự đi mua len về đan. Rẻ và tiết kiệm được nhiều, hơn nữa, lại có mẫu mã rất riêng Trần Linh Chi, sinh viên K58 khoa Công tác xã hội |
Từ lên kế hoạch, đi tiền trạm đến xây dựng kế hoạch tiếp nhận đồ quyên góp, bán một số mặt hàng gây quỹ… “Chúng mình đã nghiên cứu nhiều địa điểm ở Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn… tuy nhiên, quyết định chọn xã Đồng Tiến (Bắc Quang, Hà Giang). Nhóm cũng cử người đi tiền trạm tìm hiểu về địa phương cũng như những thứ mà địa phương cần. Ở đây còn nghèo khó, học sinh còn chịu đói thiếu sách vở”, Thùy Dung, sinh viên K55 khoa Công tác xã hội, đội trưởng nhóm tình nguyện nói. Thời gian gấp rút, nên nhiều khi, cả nhóm phải tranh thủ những ngày nghỉ học đi bán hàng, thậm chí thức đêm để phân loại quần áo.
Theo kế hoạch, nhóm Dung sẽ vượt hơn 300 cây số từ Hà Nội đến với Đồng Tiến, làm tình nguyện tại điểm trường Phổ thông dân tộc nội trú Đồng Tiến và hai điểm trường lẻ.
Tại đây, ngoài việc tặng quần áo, nhóm cũng sẽ tặng các phần quà là đồ dùng học tập cho học sinh gồm sách, vở, bút, thước… Riêng ở trường Phổ thông dân tộc nội trú Đồng Tiến, nhóm sẽ phối hợp sửa chữa, tôn tạo bếp, tặng bát, đĩa và nấu ăn chung với học sinh. “Đồ ăn chúng mình mang từ Hà Nội lên gồm bí ngô, trứng và chả. Chúng mình sẽ nấu cho các em và ăn cùng tại trường luôn”, Dung nói.
Điểm đặc biệt năm nay, ngoài những món quà chung là quần áo, đồ dùng học tập còn có thêm quà riêng là những chiếc khăn bằng len do chính các bạn trong nhóm tự tay đan cũng sẽ được dành tặng cho một số học sinh, giáo viên tại Đồng Tiến.
“Kinh phí hoạt động của nhóm không có nhiều, mua khăn ở ngoài rất đắt, nên chúng mình tự đi mua len về đan. Rẻ và tiết kiệm được nhiều, hơn nữa, lại có mẫu mã rất riêng”, Trần Linh Chi, sinh viên K58 khoa Công tác xã hội chia sẻ. Phải mất 5 ngày, Chi mới đan được 4 chiếc khăn len. Tổng cộng, nhóm mang theo gần 30 chiếc khăn tự đan lên tặng học sinh, giáo viên.
Thu ve chai, nuôi heo đất
Mùa đông năm nay là lần thứ tư chương trình Đông ấm xứ Thanh được tổ chức. Đây là hoạt động thường niên của Hội sinh viên đồng hương Thanh Hóa trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Qua ba năm thực hiện, chương trình hỗ trợ hàng chục nghìn bộ quần áo ấm, hàng nghìn gói quà Tết cho các hộ dân nghèo, hàng trăm cặp phao cho các em học sinh phải qua sông đến trường cùng nhiều phần quà gồm sách vở và đồ dùng học tập cho học sinh các cấp… Từ nửa cuối tháng 11, chương trình Đông ấm xứ Thanh 2013 được phát động và theo kế hoạch, sẽ triển khai tặng quà vào dịp giáp Tết Nguyên đán.
Các món quà vẫn gồm áo ấm, đồ dùng học tập, một số loại thuốc phòng chữa bệnh cơ bản và các suất quà Tết cho những gia đình còn nghèo khó, người già neo đơn… “Chương trình được triển khai đồng thời ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, sau đó sẽ tập kết và đi làm tình nguyện. Tất cả đều do sinh viên đồng hương Thanh Hóa kêu gọi và tự làm”, Hoàng Thị Thảo, sinh viên K55 khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội, phụ trách truyền thông cho chương trình chia sẻ.
Để có tiền hoạt động tình nguyện, ngoài tổ chức chương trình ca nhạc từ thiện với sự góp mặt của một số người nổi tiếng, bán đồ “handmade”, kêu gọi quyên góp ở các trường, các thành viên của Hội đồng hương sinh viên Thanh Hóa cũng có nhiều ý tưởng độc đáo.
Thảo cho biết, tại Đà Nẵng, một nhóm sinh viên đang triển khai chương trình thu gom ve chai, đồ sắt vụn từ các hộ gia đình, khu dân cư. Theo đó, các sinh viên tình nguyện sẽ đến từng khu dân cư, hộ gia đình để liên hệ. Nếu được đồng ý, sẽ nhờ chính các gia đình thu gom ve chai lại, sau đó sinh viên đến xin và gom đi bán, lấy tiền làm tình nguyện.
Trong khi đó ở Hà Nội, nhóm sinh viên đồng hương Thanh Hóa đang tổ chức chương trình nuôi heo đất tiết kiệm. “Chúng mình để các cá nhân đăng ký theo số lượng rồi chia nhóm. Mỗi ngày, mỗi tình nguyện viên sẽ đóng góp từ 1 đến 5 nghìn đồng. Cuối tháng, cả nhóm sẽ mổ lợn và góp vào với nhau”.
Không chỉ có các nhóm, các CLB sinh viên làm tình nguyện, nhiều tổ chức, cá nhân, công ty cũng có những chương trình tình nguyện hướng về vùng cao. Trong 3 tháng cuối năm, công ty du lịch Vietravel tổ chức các chuyến du lịch kết hợp tặng quà từ thiện đến các xã còn khó khăn tại Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La. Trong khi đó, từ cuối tháng 11, hãng thời trang Canifa tổ chức chương trình quyên góp, đổi áo cũ lấy áo mới cho chương trình từ thiện vùng cao. Dự kiến, chương trình thu gom được 20.000 bộ quần áo tặng cho người dân và trẻ em vùng núi. |