Quà của biển
Mới 5 giờ sáng, ngoài trời còn phủ sương trăng trắng. Tiết trời của những ngày tháng giêng vẫn chưa giảm cái lạnh. Buổi sớm mai ở xứ biển La Gàn lại càng lạnh hơn nhiều. Gió từ ngoài khơi cứ từng cơn mang cái lạnh quất vào da thịt... Vậy mà ông Võ Lượm, 57 tuổi, đã có mặt và chuẩn bị xong tất cả những vật dụng cần thiết để chờ tôi cùng xuất phát.
Mũi La Gàn nằm ở xã Bình Thạnh. Người dân hồn hậu chẳng ai cấm cản phận nghèo như lão Lượm từ xã Chí Công đến bắt diêu.
Nếu đồ nghề câu cá phong phú, lỉnh kỉnh cần, máy quay, phao, chì, lưỡi câu, mồi… thì đồ nghề săn cua diêu đơn giản đến bất ngờ. Chỉ cần chiếc kính lặn, cái bị cước đựng cua thế là lên đường. Lão Lượm kể: “Mùa diêu năm nay trúng vào những ngày trước và sau Tết.
Người ta đi chơi tết đây đó, còn tôi cứ lặn hụp ngoài biển. Thấy ham lắm, bắt chừng vài ba kg, có gần nửa triệu bỏ túi ngon ơ. Tui mê đến nỗi mùng 3 Tết mà vẫn “chui” xuống biển, vợ con bực mình cằn nhằn miết”.
Là một trong những người đầu tiên khai sinh cái nghề săn diêu biển, rồi “sống” với nghề hơn chục năm nay, lão Lượm rành rọt đến từng centimét đời sống của con diêu. Lão bảo loài này thích sống ở những vùng có rặng san hô, chúng ăn các loài thực vật biển.
Không như các loài cua khác thường ngụy trang để tránh kẻ thù, con diêu cứ sống “thẳng đuột” chẳng sợ ai. Mỗi con diêu trung bình chỉ lớn gần bằng nắm tay, và có màu sắc rất ấn tượng, mai và các chi màu nâu tím bóng bẩy, phần bụng dưới ngả màu vàng ươm.
Diêu đang thành đặc sản. |
Diêu rất khoẻ, chạy nhanh, và thường chỉ ẩn nấp trong các hốc đá san hô. Vào tháng chạp đến tháng 3 hằng năm, chúng kéo nhau vào rặng san hô gần bờ, sâu chừng gần một sải nước (hơn 1m) để sinh sản duy trì nòi giống.
Thế nhưng, bắt được chúng cũng không phải dễ dàng gì. Phải canh con nước lớn, nước ròng, phải dầm mình trong nước biển lạnh tê thân. Với những người sống bằng nghề săn diêu, mùa diêu về là mùa hy vọng, chờ đợi món quà phóng khoáng và nghĩa tình của biển dành cho người nghèo.
Nơi săn diêu, mặt biển rộng mênh mông, nhưng không sâu quá đầu người. Chẳng cần bộ đồ lặn hay bình hơi ống thở oxy, lão Lượm vận độc cái áo thun và chiếc quần đùi, xỏ đôi giày rọ, đeo cặp kính lặn vô tư xuống biển. Sóng nện từng cú chan chát vào người, nghe trên lưỡi, trên môi vị mặn râm ran. Tôi mơ hồ sợ hãi.
Nhìn lão Lượm bình thản lách người vượt từng ngọn sóng, tôi mới an tâm tự cho phép mình thưởng thức cái cảm giác được đánh đu cùng sóng nước. Ra đến vị trí có diêu cách bờ chừng 100m, tôi chưa kịp định thần, thì lão Lượm đã lặn mất tăm.
5 phút…7 phút…lão Lượm bất ngờ phóng lên mặt biển lẹ làng như chú cá vui đùa nhảy lên làm xiếc. Hai tay túm gọn những con diêu biển đỏ chói, với bộ càng to đùng ngoeo nguẩy vừa bắt được cho vào bị.
Hỏi kinh nghiệm săn diêu, lão Lượm cười bảo chẳng kinh nghiệm gì, “tụi này” chạy lẹ lắm, nhanh tay thì túm được thôi. Thường cái nghề lặn chỉ dành cho thanh niên trai tráng có sức khỏe tốt, ấy vậy mà đối với lão Lượm cũng chẳng hề chi.
Mặc cho sóng đập, gió giật, lão vẫn cứ tung hoành dưới đáy đại dương như con rái cá, quần đảo truy kích đám diêu ẩn mình trong hang hốc.
Hơn 3 giờ đồng hồ trôi qua, lão Lượm cứ ngoi lên, lặn xuống không biết bao nhiêu lần, đến khi hai cái bị mang theo bên người lão đầy ứ diêu, còn tôi môi tím tái, chân tay cóng lạnh thì lão mới chịu vào bờ.
Hỏi lão Lượm, lớn tuổi rồi sao không chọn cái nghề nào nhẹ nhàng hơn mà phải mưu sinh bằng cái nghề cơ cực và hiểm nguy này, lão bảo nhà nghèo, không ghe, chẳng lưới thì làm được gì.
Thời trai trẻ, như con cá kình vùng vẫy khắp biển khơi, đến khi có tuổi, đành quay vào lộng làm mò diêu kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con. Mùa diêu, cả gia đình mừng lắm. Tuy vất vả nhưng thu nhập từ diêu cũng giúp gia đình đỡ phần cơ cực.
Diêu biển lên ngôi
Săn bắt diêu là nghề đặc biệt ở biển Tuy Phong. |
Trước đây, diêu biển được coi là món của nhà nghèo. Nay, không hẳn vậy. Dân lắm tiền nhiều của lùng sục tìm mua vì biết được giá trị của nó. Lão Lượm bảo, thịt con diêu biển ngon chẳng khác gì cua Huỳnh Đế, ăn một lần là nhớ mãi không quên.
Du khách ở TPHCM, Đà Lạt đến khu du lịch Chùa Cổ Thạch “ghiền” lắm, bao nhiêu diêu cũng mua hết. Thứ này thuộc hàng “hiếm” nên chẳng có nhiều để đưa vào nhà hàng quán nhậu.
Những con diêu biển tươi xinh, giá trị dinh dưỡng cao, chẳng biết giá cả của chúng “đỏng đảnh” thế nào, nhưng theo lời của lão Lượm thì: “Từ 10 -15 con nặng 1 kg, giá bán 70.000 đồng. Riêng càng diêu 150.000 đồng/kg”.
Tôi quơ vội cành dương khô, đốt lên đống lửa, bắt con “tám cẳng hai càng” đưa vào nướng xèo xèo. Độc chiêu nhất khi thưởng thức con diêu, là giở ngược cái mai, túm mấy cái chân xé toạc một đường. Con diêu mới nướng còn hơi nóng phả hương thơm kỳ lạ, xông lên mũi chút the the, cay cay mùi biển.
Bỏ miếng thịt diêu vào miệng, vị ngọt lịm lan nhanh đến mát lòng. “Thứ này đạm cao. “Sung” lắm đấy chú em ạ”- lão Lượm cười hà hà, quảy bị diêu thoăn thoắt tiến đến khu du lịch chùa Cổ Thạch, để tôi lại với câu nói ỡm ờ.
Dân biển cũng nói con diêu là một vị thuốc. Hỏi thuốc trị bệnh gì thì…không ai rõ, nhưng chỉ biết ăn vào vừa ngon vừa lạ miệng, tinh thần thấy sảng khoái, cộng thêm cái hiu hiu của gió biển hoà cùng cảnh vật trời mây sóng nước, khiến cho cái thi vị trong từng miếng thịt diêu xứ biển càng tăng lên bội phần.
Ông Võ Lượm. |
Mùa diêu năm nay trúng vào những ngày trước và sau Tết. Người ta đi chơi Tết đây đó, còn tôi cứ lặn hụp ngoài biển. Thấy ham lắm, bắt chừng vài ba kg, có gần nửa triệu bỏ túi ngon ơ. Tui mê đến nỗi mùng 3 Tết mà vẫn “chui” xuống biển, vợ con bực mình cằn nhằn miết” - Ông Võ Lượm
Tuy Phong có 50 km bờ biển, nhiều vũng vịnh đẹp. Mũi La Gàn thuộc xã Bình Thạnh có rất nhiều diêu biển. Tại đây, có dãy núi đá nhô cao hướng ra biển, tựa dáng một con ó khổng lồ đang vươn cánh, cổng trên lưng những tháp đá nhiều tầng, hình thù kỳ dị nặng hàng nghìn khối. Địa hình khá phức tạp nên trở thành nơi trú ngụ ưa thích của các loài cua và các loại cá... Nơi đây là điểm rất lý tưởng cho những người thích câu cá và lặn biển săn bắt hải sản. Hàng năm, khi mùa diêu biển về, rất nhiều người dân đến đây săn bắt diêu. |