Mua sắm tài sản công tập trung: Bảo bối chống lãng phí

Mua sắm tài sản công tập trung: Bảo bối chống lãng phí
TP - Mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được cả nghìn tỷ đồng từ việc mua sắm của các địa phương, bộ ngành; đây sẽ được xem như bảo bối chống lãng phí hiệu quả. Đề án về “cơ chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung” nhằm chống thất thoát, lãng phí do Bộ Tài chính xây dựng đang được kỳ vọng sớm ban hành.
Xe công đi lễ chùa. ảnh: hồng vĩnh
Xe công đi lễ chùa. ảnh: hồng vĩnh.

“Gậy” chống lãng phí

Cục Quản lý Công sản (QLCS), Bộ Tài chính cho biết, dù mới được thí điểm trong vòng 5 năm tại 23 bộ, ngành, địa phương, phương thức mua sắm tài sản nhà nước (TSNN) tập trung đã tiết kiệm cho ngân sách 467 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng năm 2008, số tiền tiết kiệm từ chênh lệch giữa dự toán và thực tế trong mua sắm tài sản công ở 23 bộ ngành, địa phương là 66,6 tỷ đồng. Đến 2009, con số này là 109,3 tỷ đồng; 2010 giảm 21,2 tỷ đồng; năm 2011 tiết kiệm tới 266,5 tỷ đồng.

Theo thống kê tiết kiệm ngân sách trong 5 năm thực hiện mua sắm tập trung tại 23 bộ, ngành, địa phương: 467 tỷ đồng. Năm 2008, số tiền tiết kiệm 66,6 tỷ đồng; 2009 tiết kiệm 109,3 tỷ đồng; 2010 tiết kiệm 21,2 tỷ đồng; 2011 tiết kiệm 266,5 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2012 tiết kiệm 5,3 tỷ đồng...

Đại diện đơn vị xây dựng đề án cho rằng, việc mua sắm này đang phát huy và là một bảo bối chống lãng phí hiệu quả. Đặc biệt, hình thức này sẽ buộc các bộ, ngành, địa phương thực hiện mua sắm theo đúng quy định, không còn tình trạng trang bị tài sản vượt quy định, tiêu chuẩn, định mức. Đồng thời, tránh được tình trạng mua sắm tràn lan và giúp tiết kiệm được nhân lực ở các bộ ngành, địa phương.

Nếu được nhân rộng tới tất cả các cơ quan, đơn vị trên tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc, đồng thời mở rộng đối tượng hàng hóa, dịch vụ buộc phải mua sắm tập trung; số tiền tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Việc tiết kiệm ngân sách trong mua sắm tài sản công được nhắc đến nhiều ở Việt Nam trong thời gian qua. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố hồi tháng 7/2013 cho thấy, tình trạng chi sai chế độ, sai tiêu chuẩn, định mức tại các bộ, ngành, địa phương có chiều hướng gia tăng. Vẫn còn nhiều địa phương mua xe vượt định mức quy định, mua thiết bị không đúng danh mục được phê duyệt (hoặc mua sắm tài sản chưa sử dụng để lưu kho, nhiều thiết bị bảo quản chưa tốt dẫn đến hư hỏng). Như năm 2011 có 21/28 địa phương sử dụng sai 1.840 tỷ đồng. Trong đó, Cà Mau 532 tỷ đồng, Quảng Ninh 457 tỷ đồng, Trà Vinh 77 tỷ đồng, Quảng Nam 53 tỷ đồng… Kiểm toán cũng kiến nghị thu hồi 9,7 tỷ đồng Ngân sách Nhà nước tại 14 bộ, ngành được kiểm toán.

Còn trong báo cáo tình hình sử dụng, quản lý tài sản nhà nước năm 2012 của Chính phủ trình Quốc hội, tình hình mua sắm xe công có xu hướng tăng mạnh. Năm 2012, số xe công tăng 2.391 chiếc với tổng giá trị 2.756 tỷ đồng. Trong đó, T.Ư tăng 973 chiếc với tổng giá trị 956 tỷ đồng, địa phương tăng 1.418 chiếc với tổng giá trị 1.799 tỷ đồng.

Tại hội thảo góp ý kiến cho dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước mới đây, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, “khó xử” với các trường hợp mua sắm tài sản công vượt định mức và không biết phải xử phạt
ra sao.

Hiệu quả nên ngại áp dụng?

Trao đổi với PV Tiền Phong, Cục phó QLCS Nguyễn Tân Thịnh cho rằng, dù là công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng-lãng phí, nhưng các cấp, ngành, địa phương vẫn còn e ngại. Nhiều đơn vị có số lượng tài sản mua sắm lớn, nhưng không tham gia vào quá trình thí điểm.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, bên cạnh những ưu điểm, việc mua sắm tập trung cũng có những hạn chế như: Quá trình mua sắm có thể bị kéo dài, không đáp ứng kịp thời nhu cầu về tài sản của đơn vị sử dụng… Cùng đó, sự đa dạng về chủng loại thiết bị phải mua sắm đấu thầu đòi hỏi các thành viên hội đồng (đấu thầu) phải là các chuyên gia, có bằng cấp, am hiểu về chuyên môn. Nguồn vốn mua sắm và giao dự toán mua sắm cũng là một trở ngại lớn. Bởi vì, hiện nay, các đơn vị sử dụng ngân sách hầu hết đã thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí.

“Việc tập trung mua sắm vào một số ít đầu mối cũng là tiền đề để giảm chi phí và nguồn nhân lực tổ chức mua sắm, thuận lợi cho việc kiểm soát hành vi tham nhũng”, ông Thịnh nói.

Một chuyên gia khác lưu ý: Việc mua sắm tập trung tài sản nhà nước là hình thức được áp dụng tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, một số nước hình thành ủy ban hoặc một trung tâm tập hợp các chuyên gia về thẩm định giá tài sản công. “Điều lo ngại nhất, nếu không có quy định rõ ràng, hoàn toàn có thể xảy ra cơ chế “xin - cho”, vị này nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG