Mưa lũ kinh hoàng khiến 11 người chết, mất tích ở Thanh Hóa

Ngập lụt một số nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Lam
Ngập lụt một số nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Lam
TPO - Đợt mưa từ ngày 9 đến 11/10 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã gây ngập lụt ở nhiều nơi, chia cắt, cô lập nhiều thôn, xã.

Tại huyện Thạch Thành, mực nước sông Bưởi tại Kim Tân hồi 15h hôm nay là 12,05m, trên mức báo động III 0,05m; dự báo trong 12 giờ tới, mực nước sông Bưởi tại đây sẽ dâng cao lên 12,3 m do nước nguồn vẫn đang cuồn cuộn đổ về. Nước ngập trên địa bàn hầu khắp các xã, thị trấn trên địa bàn. 67 hồ đập trên địa bàn huyện đã tràn, những hồ còn lại cũng đến ngưỡng tràn.

Mưa lũ kinh hoàng khiến 11 người chết, mất tích ở Thanh Hóa ảnh 1
Mưa lũ kinh hoàng khiến 11 người chết, mất tích ở Thanh Hóa ảnh 2

Đến chiều tối nay, huyện đã triển khai di dời 2.865 hộ dân sinh sống ở các vùng trũng thấp, ngoại đê đến nơi an toàn. Riêng xã Thạch Định, lực lượng dân quân, công an và các đoàn thể của xã, huyện đã triển khai sơ tán 862 hộ dân với 3.600 nhân khẩu. Tại đây từ 13h ngày 11/10, nước sông Bưởi đã dâng lên tận nền nhà, sắp ngập đến tận giường nằm. Nhiều hộ dân đã phải di dời khẩn cấp, nhưng một số gia cầm đã bị chết do chìm trong dòng nước.

Đến khoảng 15h cùng ngày, tại các xã Thành Hưng và Thành Long, mực nước tại nhiều khu đồng đã tràn qua Quốc lộ 45, gây khó khăn cho người các phương tiện lưu thông qua. Đến tối cùng ngày, mực nước trên sông Bưởi vẫn tiếp tục dâng cao.

Cũng trong sáng 11/10, mực nước sông Thị Long dâng cao, toàn bộ thôn An Cư, xã Anh Sơn, huyện Tĩnh Gia đã bị cô lập. Ngoài ra, nhiều huyện miền núi Thanh Hóa như Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân bị ngập lụt, chia cắt nhiều nơi

Theo số liệu tổng hợp, tính đến 17h ngày 11/10 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 11 người chết và mất tích do mưa lũ, trong đó có 7 người chết và 4 người mất tích. Ngoài ra, mưa bão đã làm 39 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 6.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Diện tích lúa và hoa màu cũng chịu nhiều thiệt hại sau hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, theo đó có hơn 400 ha lúa bị ngập, 2,5 tấn lúa đã thu hoạch bị cuốn trôi. Diện tích hoa màu thiệt hại hơn 20.000 ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập hơn 4,7 nghìn ha. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi hơn 1.000 con gia súc, gia cầm..

Mưa lũ kinh hoàng khiến 11 người chết, mất tích ở Thanh Hóa ảnh 3
Áp thấp nhiệt đới đã làm tuyến đê bao Tế Nông (đê bao bảo vệ 40 ha cói) xã Tế Nông, huyện Nông Cống bị vỡ dài 3 m. Tuyến đê tả sông Chu, xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân bị sạt lở mái đê dài 87 m. Mưa lũ cũng làm sạt lở mái đê tả Cầu Chày, xã Yên Phú, huyện Yên Định dài 70m.

Mưa lớn khiến nước từ thượng nguồn đổ về đã chia cắt nhiều xã ở các huyện miền núi Thanh Hóa như: Giao An, Giao Thiện, Tam Văn, Lâm Phú và bản Trải (thị trấn Lang Chánh) của huyện miền núi Lang Chánh; xã Cẩm Châu (huyện Cẩm Thủy)...

Hiện ngành chức năng Thanh Hóa đang cùng nhân dân đối phó, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong 12 giờ tới, lũ trên các sông ở Thanh Hóa tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Nghệ An tiếp tục lên, các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục xuống.

Mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Bưởi tại Kim Tân ở mức 13,0m, trên BĐ3 1,0m; Sông Mã tại Lý Nhân ở mức 12,5m, trên BĐ3 0,5m, tại Giàng ở mức 7,3m, trên BĐ3 0,8m; Sông Chu tại Xuân Khánh ở mức 12,5m, trên BĐ3 0,5m; Sông Cả tại Nam Đàn ở mức 6,3m, dưới BĐ2 0,6m; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ ở mức 11,0m, trên BĐ1 0,5m, Hòa Duyệt ở mức 8,0m, trên BĐ1 0,5m; Sông La tại Linh Cảm ở mức 4,0m, dưới BĐ1 0,5m.

Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên các sông ở Thanh Hóa tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Nghệ An tiếp tục lên. Mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Mã tại Giàng lên mức 7,5m, trên BĐ3 1,0m (tương đương lũ lịch sử năm 1980); Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 6,7m, dưới BĐ2 0,2m.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.