> Sản xuất xanh siêu tiết kiệm điện
> Nơi góp phần tiết kiệm 5,51 tỷ kwh điện
Gió biển thổi ra tiền
Cuối tháng 9, khi mùa mưa đang lúc cao điểm, chúng tôi có mặt tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) để chiêm ngưỡng “Cánh đồng điện gió” duy nhất ở miền Tây Nam bộ. Từ xa xa đã thấy thấp thoáng những cây trụ trắng, trên đó là những cánh quạt miệt mài quay trong gió, tựa những cây chong chóng trò chơi của con trẻ. Khi đến tận nơi mới ngỡ ngàng bởi đấy không phải là trò chơi con trẻ mà là những trụ tua-bin điện gió sừng sững, thân mấy vòng tay ôm, cao 80 mét và chiều dài cánh quạt lên đến 42 mét, tất cả làm bằng thép không gỉ, trắng toát.
Chủ nhân của những “cây chóng chóng” khổng lồ ấy là ông Tô Hoài Dân, một Việt kiều Mỹ và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty TNHH XD - TM- DL Công Lý. Ông Tô Hoài Dân cho biết, Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu được mọi người gọi với cái tên thân thiện và đáng yêu là “Cánh đồng điện gió”, được xây dựng trên vùng ngập nước ven biển rộng 500 ha. Dự án có công suất thiết kế 99 MW, mỗi năm cung cấp 310 triệu kWh điện với tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng.
Được khởi công tháng 9/2010, sau gần 3 năm xây dựng, giữa 2013, Nhà máy điện gió Bạc Liêu (giai đoạn 1) với 10 tua- bin gió đã chính thức phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia 3 triệu kWh. Ông Dân không giấu được niềm vui khi thông báo: “Kể từ tháng 9/2013, mỗi tháng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu thu về 9 tỷ đồng tiền bán điện”. Không những thế, ông Dân còn vui vì “Cánh đồng điện gió” của mình khi hoạt động hiệu quả đã gạt bỏ được sự hoài nghi của không ít người và cả nỗi lo lắng của ông về một dự án “một mất, một còn”.
Kỹ sư, công nhân Phân xưởng sản xuất - vận hành Nhà máy điện gió Bạc Liêu đang vận hành thiết bị. |
Trên biển hoang vắng xưa kia, giờ đã trở thành “cánh đồng điện gió” với những tua bin sừng sững và các hạng mục đồng bộ là nhà máy phát điện, nhà điều hành, trạm biến áp 22/110 kV và hệ thống đường dây 110kV, 22kV nối vào lưới điện quốc gia. Kỹ sư Nguyễn Trung Kiên- Quản đốc Phân xưởng sản xuất- vận hành Nhà máy cho biết, việc vận hành được chia thành 4 ca, do các chuyên gia Hoa Kỳ và Việt Nam cùng phối hợp, đồng thời từng bước chuyển giao công nghệ”.
Ông Dân chia sẻ, khó khăn lớn nhất là thi công trong điều kiện địa chất yếu. Công trình thi công trên vùng đất bãi bồi, sình lầy, cách bờ 200m - 1.000 m, việc thi công phần chân đế phụ thuộc rất nhiều thời tiết, thủy triều và mỗi ngày chỉ có thể thi công được 4-5 giờ khi thủy triều lui. Do vậy khi có cơ hội là phải làm cật lực để chạy đua với thời gian. Để có thể lắp đặt thành công những tua - bin gió nặng hàng chục tấn và cao ngật ngưỡng, các đơn vị tham gia thi công đã phải huy động trên 1.000 công nhân và nhiều máy móc thiết bị làm việc suốt ngày đêm. “Chúng tôi đã vượt qua thử thách gian nan trong việc xây dựng dự án trên vùng đất sình lầy với những thiết bị siêu trọng, siêu trường ở giai đoạn 1. Đó là bài học quí giá, là động lực để chúng tôi tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng dự án trong giai đoạn 2 và giai đoạn tiếp theo”- ông Dân nói, đồng thời cho biết giai đoạn 2 của dự án có quy mô 52 trụ tua- bin, sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng công trình này vào cuối tháng 12/2014.
“Chia lửa” với ngành điện
Với ông Tô Hoài Dân, điện gió và việc đầu tư điện gió tại Bạc Liêu như là một cơ duyên. Ông kể: “Tình cờ, trên chuyến bay sang Mỹ, tôi quen Peter Cowling, Trưởng bộ phận tái tạo GE Energy. Đến nước Mỹ, Peter đưa tôi về thăm gia đình, cho xem 11 dự án điện gió, trong đó có một dự án điện gió trên biển. Tôi nghĩ ngay đến nguồn gió biển quê mình”.
Không có cái gì dễ, cũng không có cái gì khó. Điều quan trọng là phải dấn thân, vượt khó, dám làm. Chúng tôi đã vượt qua thử thách gian nan trong việc xây dựng dự án trên vùng đất sình lầy. Thành công này đã gạt bỏ được sự hoài nghi của không ít người và cả nỗi lo lắng của tôi về một dự án đầu tư được xem là một mất, một còn. Ông Tô Hoài Dân nói về sự tâm huyết và những quyết tâm vượt khó để đầu tư thành công dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu. |
Rồi sau chuyến đi Mỹ, ông Dân mời Peter sang Việt Nam, mang theo bản đồ năng lượng gió ghi nhận từ năm 1961. Hai người bạn đã đến Khai Long, Đất Mũi, Hòn Khoai (Ngọc Hiển, Cà Mau) nhưng Peter cho rằng quá xa xôi, sẽ khó kết nối. Rồi ca-nô chạy dọc ven biển từ Cà Mau lên Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) và điểm đặt chân cuối cùng là ở biển TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).
Tại đây, Peter cho ông Dân máy đo gió và lắp đặt để quan trắc suốt 6 tháng ròng rã, cho ra kết quả tốc độ gió đạt 6m/s. Giữa năm 2010, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (US Eximbank) đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác theo hình thức đồng tài trợ cho các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên như: phát triển năng lượng, bảo vệ môi trường, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án phục vụ an sinh xã hội… Đến tháng 11/2011, hai bên tiếp tục ký thư cam kết với hạn mức 1 tỷ USD tài trợ cho phát triển điện gió ở ở ĐBSCL, trong đó có Dự án điện gió Bạc Liêu.
Tháng 2/2012, đoàn công tác của Ngân hàng US Eximbank do Chủ tịch Fred Hochberg dẫn đầu sang Việt Nam đã có buổi làm việc với VDB nhằm mở rộng quan hệ hợp tác và phát triển các sản phẩm tài chính. Tại buổi làm việc này, US Eximbank ghi nhớ về việc tăng thêm 500 triệu USD, nâng tổng hạn mức lên 1,5 tỷ USD để tương ứng với quy mô đầu tư xây dựng “Cánh đồng điện gió” Bạc Liêu trở thành một Trung tâm Điện gió với 300 cột, mỗi cột công suất 1,6MW tại vùng ĐBSCL theo đề nghị của VDB. Ông Dân chia sẻ kế hoạch trong tương lai gần sẽ phát triển dự án “Cánh đồng điện gió” từ 10 trụ tua- bin hiện tại lên 62, rồi 300 tua- bin, tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ và tươi mới ven biển Tây Nam bộ.
“Cánh đồng điện gió” Bạc Liêu đã trở thành bước đột phá trong việc khai thác tiềm năng ở vùng ven biển Tây Nam bộ. Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, ông Võ Văn Dũng bày tỏ: “Tỉnh đánh giá cao tầm quan trọng và luôn quan tâm hỗ trợ dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Đây là công trình động lực, góp phần to lớn vào tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng không chỉ đối với Bạc Liêu mà còn đối với toàn vùng ĐBSCL”. Tuy mới chỉ là thành công bước đầu, song “Cánh đồng điện gió” Bạc Liêu đã thật sự “chia lửa” với ngành điện và góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long từng bước thoát khỏi tình trạng thiếu điện trầm trọng.
Ông Trát Phùng Vĩnh - Giám đốc Công ty Điện lực Bạc Liêu cho biết khi “Cánh đồng điện gió” hoà lưới điện quốc gia đã giúp ổn định điện áp công suất nguồn. Trung bình, công suất phát điện hiện nay của 10 tua-bin khoảng 200.000 kWh, chiếm khoảng 10% trên lưới điện 110 kV”. Theo ông Trát Phùng Vĩnh, việc đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng trung tâm điện gió tại Bạc Liêu của Công ty Công Lý đồng nghĩa với việc giúp ngành điện giảm đáng kể gánh nặng đầu tư phát triển nguồn điện và giúp tiết kiệm một lượng lớn sản lượng điện sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên không tái tạo.