Mùa cúm nhưng Việt Nam đang thiếu thuốc điều trị?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Trước tình hình số người nhiễm cúm gia tăng cao khiến nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu thuốc Tamiflu điều trị cúm, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược khẳng định qua đánh giá sơ bộ từ số lượng nhập khẩu, hiện khả năng cung ứng thuốc Tamiflu là đủ để cung ứng cho nhu cầu sử dụng.

Theo ông Đông, để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân, Cục Quản lý dược đã chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp dược phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để kịp thời dự báo nhu cầu sử dụng thuốc, làm cơ sở cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động kế hoạch cung ứng thuốc.

Tuy nhiên, ông Đông cũng chỉ rõ, các đơn vị sử dụng cần chủ động dự trù, đặt hàng dự trữ tồn kho với các cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu để có kế hoạch cung ứng thuốc kịp thời, tránh trường hợp khi không có dịch không dự trữ, đến khi có dịch không kịp nhập khẩu.

Cũng theo thông tin của ông Đông, thuốc Tamiflu chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Theo quy định hiện hành, thuốc được nhập khẩu mà không phải thực hiện việc cấp phép nhập khẩu nên không bị giới hạn về số lượng thuốc nhập khẩu và được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường.

Cục Quản lý dược khuyến cáo, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Do đó, khi có triệu chứng nghi là bệnh cúm hoặc nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm, người dân nên đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.

Hơn nữa, thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir không thay thế cho việc tiêm vaccine phòng cúm. Do đó, hằng năm người dân nên đến cơ sở tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng cúm mùa.

Liên quan đến dịch bệnh cúm hiện nay, theo cảnh báo của Bộ Y tế hiện dịch cúm trên thế giới diễn biến phức tạp. Ở nước ta, tình hình bệnh cúm tại nhiều địa phương cũng gia tăng, số phải nhập viện tăng cao ở một số bệnh viện tuyến cuối.

Để chủ động ứng phó với dịch cúm, không để dịch lan rộng kéo dài, gây quá tải, cũng như tình trạng lây chéo trong bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương khẩn trương đẩy mạnh việc tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cúm; phát hiện sớm, cách ly, điều trị tại nhà, đến cơ sở y tế khi có diễn biến nặng. Các bệnh viện tổ chức tốt công tác phân luồng khám bệnh, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng để điều trị cho người bệnh cúm, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm.

MỚI - NÓNG