Một tý cái tình

TP - Duy tình từ lâu được xem như một đặc tính nổi trội của người Việt. Có nhà thơ cho rằng vì duy tình nên trong thưởng thức thi ca độc giả Việt thường yêu thích những “bài thơ chứa chan tình cảm hơn là những thi phẩm triết luận, ngẫm suy”. Một số nhạc sỹ cũng tổng kết: Những tác phẩm dạt dào cảm xúc, nghiêng về xu hướng u buồn rất dễ lấy lòng khán giả.

Đặc tính lấy tình làm trọng mấy năm gần đây còn tác động đến thái độ ứng xử của khán giả với nghệ sỹ. Một người mẫu, một diễn viên trẻ tuổi bất ngờ lâm trọng bệnh, liền trở thành “ngôi sao”, diễn biến bệnh tật của anh được cập nhật từng ngày. Hay sự ra đi giữa tuổi đời sung sức của một ngôi sao nhạc rock do bạo bệnh khiến anh được tôn vinh như “người con đất Việt đáng tự hào nhất”; “một chiến binh kiên cường đã nằm xuống mãi mãi với đất Mẹ” .v.v..

Chính sự xót thương với người đã khuất dẫn đến một vấn đề đang dần thành “thông lệ” những năm gần đây: Đề nghị truy tặng danh hiệu cho những nghệ sỹ nổi tiếng vừa nằm xuống. Năm 2013, đông đảo nghệ sỹ (khoảng 150 nghệ sỹ) đồng lòng ký tên vào lá đơn gửi lãnh đạo Nhà nước truy tặng danh hiệu NSƯT cho diễn viên Văn Hiệp, tại tang lễ của ông. Mới nhất, bạn bè đồng nghiệp đề nghị thúc đẩy nhanh quá trình xét tặng danh hiệu NSND cho NSƯT Bùi Cường, để kịp truy tặng tại tang lễ của ông. Cũng như hồi “Hiền cá sấu” Phương Thanh nằm xuống, cũng có lá đơn đề nghị truy tặng danh hiệu NSND cho bà để kịp lễ truy điệu… Khi những thông tin này bung ra, bỗng nhiên gây hiệu ứng xã hội lớn. Hầu hết khán giả đều cảm thấy cần truy tặng danh hiệu ngay và luôn cho người đã khuất. Họ quên mất rằng, truy tặng một danh hiệu cao quí, cũng cần đúng qui trình. Cứ thử nghĩ, nếu cứ nhanh chóng “ban” danh hiệu cho một nghệ sỹ nào đó vì lí do tuổi cao, bệnh nặng hoặc… để kịp lễ truy điệu thì mọi chuyện sẽ rối tung ra sao?

Nguy hiểm hơn cả, là dùng chữ tình để đánh giá chất lượng nghệ thuật của một tác phẩm. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng đánh động vấn đề này trong vở kịch “Nguồn sáng trong đời” (1984). Nhân vật chính Lê Chí, sinh viên cũ của trường mỹ thuật, trở về từ chiến trường với đôi mắt bị mù. Anh nặn tượng, được khán giả khen ngợi, không phải vì tượng đẹp mà vì đó là sản phẩm của thương binh mù. Chỉ đến khi nguồn sáng trở lại, tận mắt thấy những “đứa con tinh thần” của mình, Lê Chí mới nhận ra: Chặng đường phía trước của mình gian truân ra sao.

Ngó sang mảnh đất văn chương, những năm gần đây chất lượng giải thưởng tầm quốc gia vướng khá nhiều ồn ào. Năm 2013, một nữ nhà văn từ chối bằng khen của Hội nhà văn VN 2012, được hỏi vì sao “không có quà” trong cuộc đua giải thưởng, chị trả lời báo chí không cần giữ ý: “Những người “không có quà” là những người “không giỏi quan hệ”. Bởi “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Người Việt Nam mình duy tình. Các nhà văn Việt Nam lại còn duy tình hơn thế”.

MỚI - NÓNG