> Xuống hầm cũng vui
> Một thời đạn bom một thời hòa bình (P1): Ký ức 'Em bé Hà Nội'
Những câu chuyện tuyệt vời, con người tuyệt vời
Sau bốn chục năm, nhân chứng đến giao lưu có những sĩ quan tên lửa, không quân khét tiếng một thời và cả công dân bình thường.
Cao tuổi nhất là ông Nguyễn Xuân Mậu, đã chẵn 90. Bốn mươi năm trước giữ chức Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ). Nhà báo Đỗ Phượng (nguyên Tổng giám đốc TTXVN) hơn 80 vẫn tốt giọng.
Lính của ông, phóng viên kỳ cựu Chu Chí Thành- ký ức tươi rói như mới hôm qua…Họ đã kể thêm những chi tiết liên quan đến cuốn sách ra đúng tháng 12 và liên quan đến những tháng ngày lịch sử nói chung.
Chẳng hạn về người anh hùng Vũ Xuân Thiều đồng đội của họ. Theo các sĩ quan, Vũ Xuân Thiều với chiến công hiển hách và sự hy sinh thầm lặng, xứng đáng được xưng tụng. Vũ Xuân Thiều trước đây chưa được nhắc nhiều vì anh ở trong đội bay cảm tử- chuyện nhạy cảm một thời?
Phi công lái MIG-21 Nguyễn Công Huy, đội trưởng đội bay đêm, Trung đoàn không quân 921 cho biết: “Trước Vũ Xuân Thiều đã có nhiều chuyến bay cảm tử của Hoàng Biểu, Bùi Doãn Độ, Đặng Vân Đỉnh… Tất cả chuyến các anh cất cánh ban đêm đều là bay cảm tử. Vũ Xuân Thiều đang học Bách Khoa thì vào quân đội, sau đó được cử đi học Liên Xô.Thời gian đầu Thiều không quen, cứ bay là nôn mửa”.
Một bức ảnh khá kỳ lạ: Viên phi công Mỹ bị bắt ở Quảng Bình, đang được chăm sóc (Ảnh tư liệu của ông La Văn Sàng - Bộ tham mưu Quân chủng PKKQ). |
Mọi người đều biết chuyện hai hoàng tử nước Anh William và Harry không bao giờ đi cùng máy bay, phòng tai nạn chết cả hai. Những gia đình danh gia vọng tộc trên thế giới đều như vậy. Ở đất lửa Vĩnh Linh có câu chuyện “ngủ đổi” như sau:
“Dân Vĩnh Linh rất dày dạn bom đạn. Cứ đêm đến bà con gánh gạo chuyển ra tiền tuyến. Khó khăn thiếu thốn nhưng không có chuyện lấy gạo mang về nhà. Nhiều đêm bị trúng bom, có người chết, bị thương nhưng giải quyết hậu quả xong, ai nấy về nhà ngủ rồi đêm sau lại gọi nhau đi gánh gạo.
Một buổi sáng, tôi gặp em bé từ cánh đồng về. Tôi hỏi Cháu đi đâu? Em trả lời rất thản nhiên: Cháu đi ngủ đổi. Hỏi ra mới biết những gia đình nhiều con trai đều chia ra, luân phiên đổi chỗ ngủ cho nhau để nếu trúng bom đạn thì không chết hết”. (Lời kể của ông Lê Hải, Trưởng ban Trinh sát- Quân báo, Binh chủng Rađa trong Đối mặt với B52).
Có nơi, có gia đình muốn ngủ đổi cũng không được! Con trai duy nhất của Phó thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ- ông Hoàng Anh, là Hoàng Tam Hùng sinh viên Bách Khoa trước khi vào không quân. Người con trai quý hiếm đó đã chiến đấu như thế nào?
“Cá nhân tôi thấy trận đánh của Hoàng Tam Hùng oanh liệt nhất, đánh không quân của Hải quân Mỹ, chủ yếu là máy bay A6 và A7. Tụi Hải quân kỹ thuật giỏi lắm, vì không giỏi thì không hạ cánh ở tàu sân bay được”- Anh hùng quân đội Trần Hanh- hồi đó là Phó tư lệnh Binh chủng Không quân, nhận định tổng quát về chiến công của binh chủng mình mà Hoàng Tam Hùng là ngôi sao.
Ông Trần Hanh (sau này làm đến Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) kể lại một cách chi tiết: “Ngày 28-12, Mỹ tung quân đánh Hà Nội từ phía nam Hải Phòng. Chúng tôi giao Hùng đánh chặn ở Ninh Bình. Sau khi bắn rơi tại chỗ một chiếc RA-5C, Hùng quần nhau với một liên đội F-4 (khoảng 4 chục chiếc). Anh bắn rơi tiếp một chiếc F-4 và hy sinh ở Ninh Bình”.
Vài giờ sau khi Hoàng Tam Hùng- với 2 quả tên lửa chỉ trong 6 phút đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ rồi hy sinh, đêm 28-12 Vũ Xuân Thiều lái MIG-21, bắn rơi một B-52 rồi không trở về! Không ai, không điều gì đáng bị quên lãng, nhất là những Vũ Xuân Thiều, Hoàng Tam Hùng!
Có một cuộc họp báo quốc tế thời điểm này. Ông Nguyễn Văn Ninh, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam có mặt trong buổi giao lưu, hồi ức: “Tôi lúc ấy đang ở trong hầm tác chiến, nhưng bạn tôi, ông Thọ (giờ đã mất rồi) là một trong những người tổ chức cuộc họp báo ngày 19-12 ở CLB Quốc tế, đưa 6 giặc lái B52 ra trước các nhà báo quốc tế.
Bạn tôi kể chưa thấy cuộc họp báo nào kinh khủng thế, chật kín người. Khi đưa phi công ra, tất cả ống kính hướng đến, phi công Mỹ run lên. Trước đó trong Quảng Bình, Vĩnh Linh, ta đánh nhưng chưa rơi tại chỗ. Bây giờ nó đánh ra Hà Nội, ta bắn rơi tại chỗ và bắt được cả giặc lái".
Nhìn lại, một trong những điều nuối tiếc của phóng viên Chu Chí Thành đó là: Mình có những bức ảnh tố cáo tội ác rất tốt nhưng không tung ra thông tin đại chúng, vì vậy báo chí thế giới không biết đến nó.
Nếu đưa được những tấm ảnh giá trị của phóng viên VN sống dưới bom đạn để tham gia những cuộc thi ảnh quốc tế mà ảnh được đánh giá cao thì tiếng vang và tác động rất lớn. Trường hợp Huỳnh Công Út chụp được bức Em bé Napal là ví dụ.
Một hồi ức cũng thú vị của sĩ quan Nguyễn Văn Giáp, Phòng Quân báo, Quân chủng PKKQ: Khi hỏi cung, thiếu tá Lê Mai, Cục 2 tức quá tát thằng phi công hai cái. Đến lượt tôi vào hỏi, thằng Mỹ nước mắt giàn giụa. Cán bộ Cục Địch vận hỏi tôi Anh làm gì để nó khóc? Tôi bảo tôi đến đã thấy nó khóc rồi. Hỏi tay phi công thì nó bảo ông kia đánh.
Lập tức Cục Địch vận ra lệnh: Các anh không được hỏi cung nữa. Làm như vậy là vi phạm qui định. Cấm xúc phạm vào người nó. Nó về khai các anh đánh nó, vấn đề chính sách sẽ rất phức tạp. Các anh không được làm nữa, tôi sẽ báo cáo Bộ.
Về sau Lê Mai nói: Tôi xin lỗi nhưng tôi tức quá. Thấy cảnh nhân dân ta chết chóc, tôi giận quá tát bốp bốp, thằng kia nước mắt nước mũi giàn giụa. Đang bị còng số 8, không lau được.
Nhiều câu chuyện cảm động khác nữa, về những con người tuyệt vời khác nữa- đều có thể tìm thấy trong Đối mặt với B52, cuốn sách kèm ảnh trình bày khá hiện đại. Sách do NXB Trẻ và Cty truyền thông Ngày Mới ấn hành với các tên tuổi ngành lịch sử và quân đội thẩm định nội dung.
Và câu chuyện hòa bình
Sau năm 1972, trường Ngô Sĩ Liên của tôi trong chương trình tham quan và học ngoại khóa, ngoài Bảo tàng Lịch sử thì hay đến một nơi là Bảo tàng Quân đội phố Cột Cờ.
Thỉnh thoảng thăm thương bệnh binh Quân y Viện 108, kể chuyện và hát cho các cô chú nghe.
Mỗi khi đến Bảo tàng Quân đội thì say sưa ngắm nghía những chiếc MIG-21, xe tăng, chiếc lược do bộ đội làm từ xác máy bay Mỹ…, rồi kháo nhau rằng máy bay của mình hiền lành đáng yêu từ cái tên cho đến hình dáng, còn “bọn nó” thì nghe tên đã ghét, nào Thần Sấm, Con Ma…
Tưởng có lúc lãng đi, bao năm rồi, thế mà ký ức lại trở lại vào tháng tư năm nay ở Festival Huế, trong câu chuyện với những người Huế.
Phạm Tuân và một phi công tù binh Mỹ gặp nhau sau 12 ngày đêm năm 1972. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quân chủng PKKQ). |
Ông Nguyễn Chí Tuệ, giám đốc KS Sông Hương nơi chúng tôi tá túc, kể lại kỷ niệm thời 1972 nhân bàn về tính cách Huế: Người Huế hồi đó căm giận Mỹ vô cùng song tính cách thâm trầm nên ngay cả làm thơ trách mắng Mỹ ném bom Hà Nội thì giọng điệu của họ cũng nhẹ nhàng “sâu lắng lạ”: “Mỗi trái bom rụng sầu hoa ớt mọi/Ném chi nhiều cho dân tộc tôi cay”. (Ớt mọi: một loại ớt nhỏ rất cay, phổ biến ở miền Trung).
Theo nhà văn Tô Nhuận Vỹ, người Huế không phải lúc nào cũng âm thầm. Khi miền Bắc bị lũ lụt đầu những năm 70, anh em phong trào đi quyên góp khắp thành phố dù không biết quyên rồi làm sao gửi ra! B52 rải bom Hà Nội, Huế dậy lên những đêm không ngủ hướng về Hà Nội thân yêu, tự vệ hoạt động sục sôi trả thù cho Hà Nội.
“Hà Nội mùa Giáng sinh 1972 là kỷ niệm bi hùng đặc biệt trong đời tôi. Cứ mỗi độ thu về đông đến trong tôi lại hiện lên những hình ảnh đau thương anh hùng ngày ấy”. Dấu ấn bi hùng này thấm đẫm trong tiểu thuyết Vùng sâu của Tô Nhuận Vỹ ra mắt bạn đọc đầu năm nay.
Tô Nhuận Vỹ vốn hoạt động ở mặt trận Huế, bị thương bởi rốc két Mỹ nên được ra Hà Nội chữa trị. 12 ngày đêm 1972 ông làm phóng viên tăng cường cho báo Hà Nội Mới và đã viết những bài nóng bỏng về sự kiện này.
Thế ra, không chỉ người Hà Nội mới “tha thứ nhưng không thể quên”. Còn những người miền Nam đã sống nơi đây và viết những ca khúc bất hủ về nó?
Tháng 10-1994 có một đại nhạc hội tên là Cả nước hát về Hà Nội, nhân 40 năm giải phóng Thủ đô. Tác giả những bài hát nổi tiếng về Hà Nội được mời về dự, giao lưu với khán giả.
Tôi đến KS Việt Mỹ ở phố Lê Duẩn để gặp Hoàng Hiệp, Phan Nhân, Trịnh Công Sơn…, biết rằng không bao giờ còn có dịp tụ hội hoành tráng như thế nữa tài danh ba miền.
Xoay quanh chủ đề âm nhạc cách mạng, Trịnh Công Sơn bảo ca khúc nhạc đỏ khiến ông tâm phục nhất là Chào em cô gái Lam Hồng của Ánh Dương. Phú Quang bảo bài hát về Hà Nội hay nhất là Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi.
Mỗi người mỗi ý song ai cũng thừa nhận Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp giản dị từ giai điệu đến ca từ nhưng nghe ám ảnh: Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội- Hà Nội của ta Thủ đô yêu dấu một thời đạn bom một thời hòa bình...
Hoàng Hiệp dạo đó vui lắm dù nom ông không khỏe. Tôi nói với ông: Cứ nghe Hồng Nhung hát Ôi nhớ chiều ba mươi tết - Xen giữa đào hoa tươi thắm vào cuối năm là dễ ký ức cả một thời bao cấp lại ập về, nhất là nồi bánh chưng! Nhạc sĩ viết gì cũng hay này rưng rưng nói, quãng đời đẹp nhất gian khó nhất của một nhạc sĩ miền Nam tập kết như ông chính là một thời đạn bom một thời hòa bình Hà Nội.
Phan Nhân (Hà Nội niềm tin và hy vọng) giọng Nam Bộ đặc sánh, người “nghe tiếng cười không quên niềm thương đau” ngồi cạnh Hoàng Hiệp bảo, ông cũng thế!