Một thoáng Hà Nội tại Paris

Các họa sĩ cùng những người làm văn hóa ở Pháp và Việt kiều tại phòng triển lãm
Các họa sĩ cùng những người làm văn hóa ở Pháp và Việt kiều tại phòng triển lãm
TP - Ngỡ ngàng tưởng sẽ thấy “Một thoáng Hà Nội” với những Tháp Rùa Hồ Gươm và hàng cây nghiêng bóng lung linh cùng những tà áo dài bay bay trong phố cổ mùa xuân vốn quen thuộc trong tranh các họa sĩ lớp đầu tiên như Mai Trung Thứ, Lê Phổ… trong triển lãm tổ chức tháng 10 vừa qua tại Paris của sáu nghệ sĩ Thành Chương, Đào Châu Hải, Phạm An Hải, Vương Thạo, Lê Anh Quân và Bùi Phan Trung Dũng.

Tất cả những hình ảnh xưa dường như đã tan biến. Những người từng sống thời Pháp thuộc, từng yêu Hà Nội xưa sẽ cảm nhận sự đột biến này. Một Hà Nội đổi thay sau 45 năm không khói súng.

Trong số hai mươi bức tranh, tượng của sáu họa sĩ chỉ thấy có thoáng một nhà thờ, và cầu Long Biên xưa, trước mang tên Doumer – tên nhà toàn quyền Đông Dương xưa đã có công cho xây cầu. Lớp trẻ như Vương Thạo, Lê Anh Quân, Phạm An Hải một thế hệ như cầu nối xưa và nay vẫn yêu một Hà Nội thanh lịch nổi tiếng ngày nào với những kiến trúc hoành tráng uy nghiêm của phương Tây và 36 phố phường cổ kính.

Tất cả đã mất rồi thật ư? Mọi cái đẹp đã thành hóa thạch sống trong các tác phẩm của Vương Thạo. Như được đào từ ký ức. Tác giả trân trọng đặt nó vào trong một khối lung linh, hy vọng để thế hệ sau còn tìm được dấu vết.

Nhưng nuối tiếc ư? Hoàn toàn không. Bùi Phan Trung Dũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội một thời hòa bình dang dở, sơ tán chiến tranh chỉ còn biết mộng du đi tìm hình ảnh xưa. Mộng du giữa ban ngày, rụt rè lật hé nhẹ ra như sợ chỉ một cơn gió mạnh là tỉnh giấc mộng. Họa sĩ cứ phiêu với những mảng màu mờ mờ ảo ảo. Một Hà Nội thanh lịch chỉ còn trên trang sách thủa xa xưa.

Thành Chương dường như không muốn nhắc đến Hà Nội. Với anh, Hà Nội chỉ là hình ảnh đứa trẻ nằm trong vòng tay ấm áp của mẹ, tuổi thơ với vầng trăng sáng ngẩn ngơ cùng chú bé chăn trâu ven đô. Màu sắc sáng, hình khối tưởng ngây ngô nhưng đấy chính là khát vọng thầm kín của tác giả về một mái ấm xưa ngập tràn tình mẹ. Gam màu tươi, hài hòa làm tan đi những nỗi buồn mát mát về một thời đã mất. Chân dung thiếu nữ sơn cước là tình cảm của Thành Chương không phải muốn Hà Nội thành rừng núi xưa mà chính là hoài vọng mong  những người Hà Nội yêu thương nhau chân thật như người sơn nữ, trong sáng hồn nhiên như trẻ thơ, một Hà Nội mãi mãi đáng yêu thủa nào.

Hà Nội liêu xiêu với bốn mùa trừu tượng của Phạm An Hải. Hà Nội không hoa, không trái, vắng bóng những thiếu nữ thiết tha. Họa sĩ lang thang giữa bốn mùa dửng dưng xa lạ, chẳng thấy ai, chẳng thấy cả chính mình, chơi vơi giữa màu sắc hoang vu, và đường nét man dại.

Lê Anh Quân với tượng hai mặt cũng đau đớn đi tìm khi chẳng thấy mặt đâu, chỉ thấy lớp trong và lớp đục từ từ hòa quyện thành khối. Hà Nội trong xanh thanh lịch nổi tiếng nhưng đang đục, gạn ra không được. Trong như nước mắt nhưng thoáng có màu máu. Tưởng trong hóa đục tưởng đục hóa trong… Họa sĩ bất lực để gạn đục khơi trong đi tìm dĩ vãng, nhưng luôn cố gắng để cái trong lấn át cái đục.

Đào Châu Hải đưa ra bốn chân dung bí ẩn, huyền bí. Ô nhiễm, xô bồ, những công trường nham nhở, những con người mệt mỏi rạn khô vì nắng quái thời gian. Chiến tranh đã qua, Người Hà Nội mệt mỏi vì sự đột biến. Con người ngất ngơ như thằng điên cười nói một mình với Iphone giữa đường dường như không còn biết ai bên cạnh. Cuộc đời cô đơn không đối thoại. Những khuôn mặt trở nên kỳ cục, ngớ ngẩn.

Hà Nội trong mắt sáu họa sĩ đa dạng và đầy ảo giác. Mỗi người một cách nghĩ, một biểu hiện riêng, tưởng thoáng qua, nhưng rất sâu đậm. Phải yêu Hà Nội rất nhiều mới thổn thức đến thế. Họa sĩ như người thất tình đi tìm một bóng thời gian đã mất.

Chỉ những tâm hồn nhạy cảm lớn mới cảm nhận được sự rung lắc của trái đất vĩ đại từng tích tắc. Với những màu sắc và vật liệu đơn giản, sáu họa sĩ tài năng với sáu phong cách riêng biệt đã diễn tả sự run rẩy, sợ hãi của lòng mình khi khi thấy một Hà Nội lung linh xưa đang biến mất. 

Dường như sáu nghệ sĩ đều đi tìm dĩ vãng. Run rẩy, liêu xiêu, hóa thạch, lạnh lùng, trong các tác phẩm của Phạm An Hải, Lê Anh Quân, Vương Thạo, Đào Châu Hải, nhưng vẫn phảng phất tình người, vẫn rạng rỡ như lòng mẹ của Thành Chương, vẫn mộng du đi tìm cùng Bùi Phan Trung Dũng. Hai mươi bức tranh tượng “Một thoáng Hà Nội” diễn tả tuyệt vời về sự đột biến trong tương lai Hà Nội thời @ đồng thời diễn tả tình yêu vĩnh cửu và khát vọng về Hà Nội thanh lịch.

Khai mạc triển lãm kết hợp biểu diễn văn nghệ diễn ra trong bầu không khí vui vẻ với sự có mặt của nhiều bạn bè quốc tế nhân dịp kỷ niệm 45 năm hợp tác Pháp - Việt. Hình ảnh Việt Nam đổi mới không chỉ qua tranh của sáu họa sĩ còn qua những trang sách ấn bản tại Việt Nam bằng tiếng thứ tiếng Pháp, Anh, Việt do Hội Aurore tại Paris kết hợp với Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam tại Paris và Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam để giới thiệu về cuộc sống đang đổi thay ở Việt Nam ngày nay.

MỚI - NÓNG