Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận thức sai về biên giới biển

Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận thức sai về biên giới biển
TP - Ngày 20-8, học giả Lý Lệnh Hoa, Nghiên cứu viên Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc, người viết nhiều bài phê phán những quan điểm sai trái của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, đăng trên mạng xã hội Weibo và diễn đàn mạng Sina.com bài viết phê phán một số người trong giới quân sự có nhận thức mơ hồ và sai trái về biên giới biển.

> Trung Quốc đang sử dụng cách làm cũ rích

Ông viết: “Lúc 21h tối 18-8, chương trình Vấn đề quan tâm hôm nay của kênh CCTV-4 Đài truyền hình trung ương Trung Quốc mời Trương Triệu Trung (Thiếu tướng hải quân, giáo sư) ở Đại học Quốc phòng Trung Quốc đăng đàn nói về lập trường và quan điểm của Trung Quốc về đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku).

Về vấn đề phân định biên giới biển Hoa Đông, ông Trương nói không giống ai: phía tây Okinawa là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc.

Mọi người đều biết, bờ biển Trung Quốc cách Okinawa hơn 200 hải lý, mà Điều 57 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 quy định rõ: “Vùng đặc quyền kinh tế được tính từ đường cơ bản lãnh hải trở ra, không được vượt quá 200 hải lý”.

Huống hồ, việc phân định biên giới biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản còn chưa được tiến hành; nên việc Trương Triệu Trung nói đại phần phía tây Okinawa là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc là không thận trọng”.

Ngày 15-8, một giảng viên Đại học Quốc phòng, tác giả cuốn Vòng vây hình chữ C (Đại tá Đới Húc) phát biểu trên trang bình luận quốc tế Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc: Chủ trương Đường 9 đoạn là biên giới biển của Trung Quốc ở Nam Hải (biển Đông), hải quân Trung Quốc đảm nhận; những phần phía bên ngoài Đường 9 đoạn thì do hải quân Mỹ phụ trách.

Học giả Lý Lệnh Hoa đánh giá: “Đến nay trong nước vẫn còn những phát ngôn vô trách nhiệm và không lý trí như thế, rất có hại cho việc giải quyết rốt ráo vấn đề Nam Hải. Những phát ngôn kiểu đó không phải là yêu nước mà là hại nước. Đường 9 đoạn chỉ là một cái đường ảo, muốn được quốc tế công nhận là đường biên giới biển thì phải là một đường thực (có kinh độ, vĩ độ cụ thể)”.

Ông Lý cho rằng: “Mấy năm gần đây, một số học giả trong ngoài ngành nọ (quân đội) ở Trung Quốc đưa ra các kiểu kiến giải về vấn đề Đông Hải và Nam Hải. Những chủ trương đó có đủ loại, năm cha ba mẹ, phần lớn đều phi thực tế.

Các chuyên gia hữu quan cho rằng, với sự phát triển của tình hình phân định biên giới biển quốc tế, việc phân định biên giới biển của Trung Quốc là việc cần thiết phải làm, cần bình tĩnh, lý trí phân tích và xử lý tốt vấn đề này để tiến hành thuận lợi công tác phân định biên giới biển với các nước láng giềng; điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc giữ gìn hòa bình, ổn định của Đông Á và hợp tác khai thác tài nguyên biển.

Căn cứ vào hình dạng cấu tạo và độ dài của bờ biển quốc gia để vẽ đường biên giới biển đơn nhất, hoạch định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, là xu thế lớn của việc phân định biên giới biển quốc tế hiện nay.

Một đường biên giới như thế có lợi cho việc quản lý hành chính của quốc gia, hoạt động khai thác biển và thao tác kỹ thuật phân định biên giới.

Hiện nay một số người trong nước tuỳ tiện đưa ra các chủ trương, giống như ôm gai đi cứu hoả, chỉ làm cho công tác phân định biên giới biển của nước ta càng phức tạp và khó khăn thêm.

Những Trương Triệu Trung, Đới Húc… trong khi thuyết giảng, khi giải thích về việc xác định điểm cơ bản và đường cơ bản, nguyên tắc phân định biên giới biển, hay khi nói về địa vị pháp lý của Đường 9 đoạn đều có những chỗ không thoả đáng, phát ngôn mà không chịu học hỏi nghiêm túc”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG