Hai cây số có một bến xe
Trong văn bản mới đây gửi UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, do chưa thể triển khai xây dựng các bến xe đúng theo quy hoạch dài hạn (vì xa trung tâm) nên đã đề nghị xây dựng thêm 2 bến xe khách trung hạn mới.
Bến xe khách thứ nhất có quy mô 1 ha được cắt ra từ bến xe tải Thanh Trì (thuộc quận Hoàng Mai, nằm cạnh vành đai 3, đoạn đường dẫn cầu Thanh Trì, cách Bến xe Nước Ngầm khoảng 2 km). Cũng nằm trên tuyến đường này, cách Bến xe tải Thanh Trì khoảng 2 km, Sở GTVT đề nghị cắt 1 ha từ Bến xe tải Khuyến Lương để làm bến xe khách. Cùng với đó, Bến xe Nước Ngầm cũng sẽ được mở rộng từ hơn 1 ha lên 1,7 ha.
Như vậy, nếu được quy hoạch tính cả Bến xe Giáp Bát, trên địa bàn quận Hoàng Mai sẽ có đến 4 bến xe khách. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội lo ngại rằng, phương án này sẽ làm cho quy hoạch bến xe Hà Nội trở nên tủn mủn, tạo sự cạnh tranh không đáng có giữa các bến xe và doanh nghiệp vận tải. Một chuyên gia khác cho rằng, với các bến xe khách mới gần nhau, nằm trên cùng tuyến vành đai 3, khó tránh khỏi hiện tượng đón khách dọc đường, biến đoạn đường này thành một bến xe “dù” cỡ lớn.
TS Trần Hữu Minh (Đại học GTVT Hà Nội) chuyên gia về giao thông đô thị cho rằng, việc xây dựng các bến ngoại vi thành phố là cần thiết, nhưng với mật độ dày như vậy là lãng phí đầu tư. Một cán bộ (giấu tên) thuộc ban quản lý Bến xe tải Thanh Trì cũng cho rằng nên chuyển các bến xe tải trong nội thành (như Bến xe Đuôi Cá nằm gần đường Giải Phóng chật chội, ảnh hưởng đến giao thông) ra bến này hơn là làm bến xe khách. Chưa kể, sự “chung chạ” giữa bến khách và bến xe tải phát sinh nhiều nguy cơ mất an toàn.
Quy hoạch vội vàng?
Bến xe tải Thanh Trì - nơi được đề nghị lập bến xe khách mới. |
Tổng công suất thiết kế các bến xe khách liên tỉnh của Hà Nội hiện nay được xác định là trên 5.000 lượt xe/ngày. Tổng lượng xe khách đăng ký khai thác khoảng trên 3.600 xe/ngày, thừa hơn 1.000 lượt. Vào giữa tháng 7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo: Tổ chức sắp xếp khoa học, hợp lý đúng theo hướng tuyến xe khách tiếp cận Thủ đô (phương án Bắc - Bắc, Nam - Nam). Nếu các bến xe không đủ điều kiện thì mới đầu tư mới hoặc làm bến tạm.
Ngày 1/10 tới đây, thông tư mới của Bộ GTVT về kinh doanh vận tải sẽ có hiệu lực. Trong đó, điều kiện và thời gian điều chuyển xe khách ngặt nghèo hơn (phải có thời gian chuẩn bị 24 tháng). Tuy nhiên, đến nay, Sở GTVT Hà Nội chỉ mới chuyển được vài chục xe từ Mỹ Đình đi.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, 10 bến xe không thể hiện được sự rộng lớn của Hà Nội mà lại cho thấy sự manh mún trong quy hoạch bến xe. “Các thành phố lớn, đông đúc hơn Hà Nội chỉ cần vài bến xe. Hà Nội lại quy hoạch quá vội vàng”, ông Thanh nói.
Nhắc lại đề xuất và xúc tiến xây dựng bến xe tạm Pháp Vân (sau đó UBND TP Hà Nội quyết định dừng lại), ông Thanh cho rằng, những quyết sách của ngành giao thông mới đây là vội vàng. Hà Nội cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia có chuyên môn về lĩnh vực này. TS Trần Hữu Minh cũng cho rằng sẵn sàng góp ý khách quan vì sự phát triển của Thủ đô, nhưng lại ít có diễn đàn!
Hiện, nội thành Hà Nội có 6 bến xe hoạt động (Gia Lâm, Lương Yên, Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa), cộng thêm bến khách tại thị xã Sơn Tây, toàn thành phố Hà Nội có đến 7 bến xe. Mới đây, Hà Nội đã chuyển trạm xe buýt Thăng Long thành một bến xe tạm. Với 2 bến vừa được Sở GTVT đề nghị, Thủ đô sẽ có đến 10 bến xe. |