Một nhiệm kỳ chính phủ thành công, ấn tượng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp Ảnh: QH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp Ảnh: QH
TP - Bên cạnh việc đánh giá cao kết quả làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị báo cáo bổ sung làm rõ thêm về kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực; về tình trạng nhiều dự án lớn chậm triển khai...

Thượng tôn pháp luật

Tiếp tục phiên họp thứ 53, sáng 23/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ. Khẳng định đây là nhiệm kỳ “rất thành công”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, toàn diện, rõ ràng. Về dấu ấn nhiệm kỳ, theo bà Ngân, thấy rõ nhất là một Chính phủ rất năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động trong công tác quản lý, điều hành. Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ.

“Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng rất tôn trọng Quốc hội, ý kiến đại biểu Quốc hội, kể cả những đại biểu không giữ chức vụ, vị trí cao nhưng khi nêu ý kiến tại diễn đàn, các thành viên Chính phủ đều lắng nghe và rất nghiêm túc trong giải đáp, báo cáo, giải trình”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói. Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ ấn tượng với Thủ tướng Chính phủ, còn với các Bộ trưởng, khi lên giải trình trước Quốc hội rất tự tin, bản lĩnh và nắm rất chắc vấn đề. “ Tất nhiên, ở mặt này, mặt kia, cử tri, đại biểu Quốc hội mong muốn tốt hơn. Đó là chuyện bình thường, nhưng nhìn chung là rất tốt”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, theo bà Ngân, đây cũng là nhiệm kỳ rất ấn tượng, đặc biệt là Năm Chủ tịch ASEAN, vai trò Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong nước, khi đất nước đứng trước hiểm họa, thiên tai, đại dịch Covid-19, Chính phủ rất thành công trong xử lý nhanh, kiểm soát tình hình và có những giải pháp rất hiệu quả, được nhân dân trong nước đồng tình, bạn bè quốc tế ca ngợi.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội rất chia sẻ với Chính phủ, và Chính phủ rất tôn trọng Quốc hội. Cho nên, việc thực thi pháp luật, chấp hành pháp luật ngày càng tốt, sâu, hiệu quả hơn. “Có lẽ chưa có khóa nào, cơ quan Đảng, Quốc hội chia sẻ nhiều cho Chính phủ như khóa này. Nhưng cũng chưa thấy khóa nào, Chính phủ lại tôn trọng một cách rất trung thực, nghiêm túc với Đảng, Quốc hội như khóa này”, ông Việt nhận định.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, sự phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ và Quốc hội vừa qua được thực hiện rất tốt. Chính phủ có nhiều chuyển động, biến các kết luận của Thường vụ Quốc hội vào thực tiễn để triển khai thực hiện. Chính phủ luôn thực hiện theo tư tưởng thượng tôn, chấp hành pháp luật rất tốt, hạn chế được tình trạng “tiền trảm hậu tấu”, không để lại hậu quả cho khóa sau phải xử lý

Tránh cơ chế trung gian

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, trong nhiệm kỳ Chính phủ này, có những vấn đề tồn tại cũ chậm xử lý và thúc đẩy những yếu tố mới chưa nhanh. Điển hình như dự án đường cao tốc Bắc - Nam, gần cuối nhiệm kỳ “vắt chân lên cổ chạy”, Quốc hội phải ủng hộ cho chuyển một số dự án thành phần. Hay việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh chưa kịp thời, thậm chí còn chậm. “Tôi nghe nhiều lắm! Cái này là hậu quả của tâm lý một bộ phận cán bộ, công chức e ngại, lo lắng khi quá nhiều sai phạm qua kết quả thanh tra, kiểm tra phải xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Có những vướng mắc chỗ này đẩy lên, chỗ kia đẩy xuống, hỏi Trung ương, Trung ương trả lời được rồi, địa phương vẫn không giải quyết, nhất là hai thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM”, bà Ngân nêu.

“Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng rất tôn trọng Quốc hội, ý kiến đại biểu Quốc hội, kể cả những đại biểu không giữ chức vụ, vị trí cao nhưng khi nêu ý kiến tại diễn đàn, các thành viên Chính phủ đều lắng nghe và rất nghiêm túc trong giải đáp, báo cáo, giải trình”.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân 

Đề cập đến Tổ công tác do Chính phủ thành lập, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá lại, tránh sinh thêm cơ chế trung gian. “Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Những việc chậm trễ, không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng phải được đem ra báo cáo thường kỳ, hàng tháng tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Tôi thấy nếu làm như thế sẽ trách nhiệm hơn, đỡ thêm tầng nấc, hoạt động công vụ cho Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ”, bà Ngân phát biểu.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Trước đó, trình bày báo cáo nhiệm kỳ Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đổi mới tư duy xây dựng chính sách, pháp luật từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển. Với quyết tâm kiên quyết gỡ bỏ những quy định pháp luật chồng chéo, Chính phủ đã tập trung rà soát, xác định các “điểm nghẽn” thể chế, tập trung tháo gỡ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn…

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với những kết quả tích cực đã đạt được như báo cáo nêu. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị báo cáo bổ sung đánh giá, làm rõ thêm về kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Theo ông Tùng, việc tăng thứ bậc xếp hạng toàn cầu như Chính phủ nêu là hết sức tích cực, nhưng so sánh với các nước ASEAN thì vẫn xếp thứ 5 hoặc 6, và việc này cần làm rõ.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần đánh giá thêm tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết đã được chỉ ra trong nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để trong nhiệm kỳ này.     

MỚI - NÓNG