Một người Việt làm phim ở Mỹ

Tùng Anh và Yijun Pan nhận giải thưởng phim Red Thread
Tùng Anh và Yijun Pan nhận giải thưởng phim Red Thread
TP - Mới tháng Tư trong năm tôi còn hỏi Võ Tùng Anh cách gây dựng một hồ sơ xin việc ấn tượng để trụ lại Mỹ. Gần đây đã liên tiếp nghe anh và đoàn làm phim ngắn Red Thread thắng giải Thực nghiệm xuất sắc nhất tại LHP Premiere lần thứ 14, giải Sáng tạo nghệ thuật và Dàn diễn viễn viên xuất sắc nhất ở LHP Milwaukee. Phim E.R.A.M do Will Schneider đạo diễn, Võ Tùng Anh đạo diễn hình ảnh cũng thắng 3 giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Dàn diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Premiere...

Mùa đông Wisconsin: Vừa khóc vừa gọi điện “Con ổn, mẹ đừng lo”

Ba giờ sáng một ngày cuối thu 2011, Tùng Anh chợt thức, thấy mình ở trong gia đình Joe’l và Karen Schlais tại tiểu bang Wisconsin miền Trung Tây nước Mỹ. Bụng đói meo, rùng mình vì lạnh, phòng không internet. Cậu bé 17 tuổi ngồi xếp đồ mang từ Hà Nội sang và khóc.

Mùa đông Wisconsin lạnh từ -20 đến -40 độ C. Tùng Anh khi ấy vừa xong lớp 11 tại Hà Nội. Trước đó cậu trượt Ams, nhưng thi IELTS và TOEFLS đủ điểm. Đã tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, thời thiếu niên từng dự trại hè quốc tế CISV 2006 tại Nhật và 2007 tại Hà Lan, sức khỏe đủ để một gia đình Mỹ đồng ý cho vào nhà ở một năm dự chương trình Giao lưu văn hóa Mỹ do CI Green Heart tài trợ.

Trong gia đình mới, phải học từ rửa bát, dọn dẹp, ăn mặc. Tùng Anh nhớ “Joe’l và Karen coi tôi như con. Họ chia sẻ cách tồn tại trong mùa đông, nên đi tất chất liệu gì, đế giày thế nào, mặc áo thermal sẽ ấm hơn. Ở đâu theo đó. Tôi phải học cách tái chế đồ, phân loại rác. Bên này tiết kiệm nước nên chỉ được tắm ba ngày một lần.” Thỉnh thoảng Tùng Anh mới nhắn “con ổn” để bố mẹ đỡ lo lắng. Bây giờ nghĩ lại “Mỹ hay về khía cạnh được mở rộng suy nghĩ và tiếp cận tư duy mới. Còn về chất lượng cuộc sống, chưa chắc đã thích như ở mình. Ẩm thực là điều không thay thế được rồi. Nếu được trở lại tuổi 17, tôi sẽ tự khuyên bản thân học nấu ăn sớm hơn. Ít nhất tự nuôi bản thân đã, rồi mới chăm được người mình quan tâm”.

Một người Việt làm phim ở Mỹ ảnh 1 Ảnh Hà Nội giáp Tết qua ống kính của Tùng Anh

Từ Wisconsin đến Chicago: Màn ảnh hiện tên anh

Đến khi vào đại học, Tùng Anh vẫn chưa biết gì về làm phim “Lúc ấy tôi còn không rõ mình muốn gì. Cứ nộp đơn và được nhận vào Caroll University, chuyên ngành truyền thông/thiết kế đồ họa. Sau này, được rủ theo một dự án làm phim năm nhất đại học và giúp kiểm soát kịch bản, cầm máy quay, tôi nhận ra kể chuyện bằng hình ảnh chính là điều mình muốn”.

Năm 2016 Tùng Anh nộp đơn xin việc ở Wisconsin, được Discover và The Onions mời đến phỏng vấn, nhận việc. Bắt đầu tham gia sản xuất các chương trình truyền hình của đài FOX: Discover Wisconsin (khuyến khích du lịch vùng), Into the Outdoors do trẻ em dẫn dắt người xem khám phá thế giới và Boondock Nations xoay quanh bốn nhân vật chinh phục chướng ngại vật ở các vùng núi tuyết. Công việc ở Wisconsin khá ổn định, Tùng Anh vẫn quyết chuyển về Chicago để thực hiện tiếp ước mơ kể chuyện theo ngôn ngữ điện ảnh.

Trong 2019, hai phim ngắn Red Thread (đồng đạo diễn, đạo diễn hình ảnh và dựng phim) và E.R.A.M (đạo diễn hình ảnh, biên tập) đưa Tùng Anh liên tiếp đặt chân lên thảm đỏ các LHP tại Mỹ. Hai phim này đang dự khoảng 20 LHP nữa “Trong đó có nhiều LHP lớn, đây là vinh dự và cơ hội hợp tác, phát triển những dự án tương lai. Hồi hộp, hạnh phúc khi thấy phim và tên mình hiện trên màn ảnh lớn.” Tùng Anh đang có mentor- cố vấn nghề là Alireza Khatami- đạo diễn Iran nổi tiếng ở LHP Venice.

Tôi than với Tùng Anh phim Mỹ, kể cả Oscar dạo này có vẻ kiệt chất liệu hay rồi. Tùng Anh gật đầu “Thời hoàng kim của Hollywood qua lâu rồi. Nay họ làm phim chỉ để bán cho thị trường Trung Quốc và làm đồ chơi siêu anh hùng. Phim bom tấn thiếu mạnh dạn đầu tư kịch bản mới. Nhưng thị trường phim độc lập lại rất đa dạng. Nhiều studio độc lập lớn mạnh, đạt thành công cả về nghệ thuật lẫn thương mại như A24 và Blumhouse Productions. Thị trường Mỹ chịu ảnh hưởng xu thế chính trị, phim về chủ đề nữ quyền, da màu, châu Á, đồng tính... được tạo điều kiện phủ sóng nhiều hơn. Điều này tạm thời tạo xu hướng tích cực khi những phim Moonlight, Mudbound thắng nhiều giải quan trọng. Phim Crazy Rich Asians hay The Farewell đạt doanh thu lớn, phù hợp dàn diễn viên châu Á. Nhưng về lâu dài, chưa an tâm được”.

 Vì thế, Tùng Anh làm phim ngắn để lao vào thử thách riêng: Rẻ hơn phim 90 phút nhưng không dễ kể một câu chuyện chỉ trong 8 phút. Cơ hội thực hiện góc máy và cú máy sáng tạo hơn phim truyền thống. Xu thế chia sẻ nhanh cùng thiết bị, cách thức phân phối giúp phim ngắn trở nên đơn giản hơn phương án truyền thống. Từ đây hình thành nhóm làm phim độc lập và đa sắc tộc, Tùng Anh là một thành viên chủ chốt.

Trên cầu treo Houtanjing: Khấn thần linh tứ phương

Một người Việt làm phim ở Mỹ ảnh 2 Tùng Anh và đạo diễn Will Schnieder mang phim E.R.A.M đi dự LHP

Nhóm làm phim gần đây được chính quyền Đài Loan tài trợ khoảng 50.000 USD làm phim Field Trip. Thành viên chính gồm phụ máy Yijun Pan gốc Trung Quốc (cùng Tùng Anh đạo diễn phim Red Thread), đạo diễn gốc Đài Loan Yu-Wei Chang, đạo diễn hình ảnh Tùng Anh, nhà sản xuất Joyce Chou (LHP Busan Hàn Quốc), thiết kế mỹ thuật Hsin-Ho-Yang (Đài Loan), kỹ thuật viên ánh sáng Ba Lan Vincent Prohochoff...

Một sáng tháng Bảy 2019 trên cầu treo Houtanjing Sky, ngoại trừ Vincent Prohochoff lớ ngớ không biết cúng bái thế nào, Yu-Wei cùng các thành viên gốc Á thuần thục thực hiện nghi lễ thắp hương cầu thuận lợi trong ngày quay đầu tiên. Dĩ nhiên, Tùng Anh cũng mong một ngày được gọi về Việt Nam làm phim như thế. Hiện nay, thu nhập chính của anh là sản xuất quảng cáo, làm nội dung cho hãng thể thao Gatorade. Trong khuôn hình Tùng Anh quay thường xuất hiện gương mặt nổi tiếng Serena Williams, Paul George, Kevin Durant, Jack Hughes... Từ đây đam mê làm phim tiếp tục được nuôi dưỡng “Dự án phim là một phần cuộc sống của tôi rồi. Như một cuộc hôn nhân đúng hơn, có cười có khóc có cãi vã và những đứa con tinh thần chào đời”.

Red Thread (tạm dịch Chỉ đỏ) thuộc thể loại trừu tượng, nhấn mạnh chuyển biến văn hóa châu Á gần đây. Hình ảnh tôn vẻ đẹp phụ nữ châu Á ma mị qua cách đánh sáng và âm nhạc hiện đại xen lẫn cổ điển.
E.R.A.M (Buổi sáng trong phòng cấp cứu) duy nhất một góc máy cho 6 diễn viên. Nội dung về các vấn đề nhức nhối trong chăm sóc sức khỏe tại Mỹ. Ngược với phim Hollywood máy quay di chuyển chóng mặt, E.R.A.M muốn khán giả chậm lại, cùng đợi cấp cứu với bệnh nhân, mỗi gương mặt một vẻ sắc tộc. Camera không di chuyển, đánh sáng kiểu sân khấu. Bắt mắt người xem chú ý hơn tiểu tiết trong khung hình. Camera không cắt nên biên tập hậu kỳ không cứu vãn được gì nếu sơ xuất. Đạo diễn, cốt truyện cùng diễn viên phải chắc tay. Sự thật cũng trần trụi như vậy. 

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.