Một khoảng lặng tiếc nuối...

0:00 / 0:00
0:00
Thăm hỏi, cùng gói bánh chưng Tết với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Huế
Thăm hỏi, cùng gói bánh chưng Tết với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Huế
TP - Những ngày qua, việc một Chủ tịch tỉnh sắp miễn nhiệm như ông Phan Ngọc Thọ tạo sự quan tâm, chú ý của rất nhiều người. Người ta gọi đó là “hiện tượng” Phan Ngọc Thọ.

Khát khao “Giấc mơ Huế”

Ông Phan Ngọc Thọ đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế từ tháng 6/2018. Trong gần 3 năm đó, người ta luôn thấy ông rất bận rộn, tất bật với rất nhiều loại công việc và là vị lãnh đạo thường xuyên có những ý tưởng lạ gây ngạc nhiên, "gây sốc", tạo sự tương tác lan tỏa trong xã hội, thổi nên luồng sinh khí mới cho vùng đất Cố đô vốn trầm mặc.

Nhớ dịp 20/11/2019, ông Thọ chủ động gặp mặt hơn 400 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trên địa bàn, khiến rất nhiều giáo viên hết sức bất ngờ. Cuộc ấy, bao tâm tư của những cô nuôi dạy trẻ vốn tự cho mình là “thấp cổ bé họng” dồn nén lâu nay được bày trải, bộc bạch. Có những giáo viên không cầm được nước mắt. Nhớ nhất là cô giáo Trần Thị Lanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Phong Sơn (huyện Phong Điền) mạnh dạn “kêu” cho học trò và giáo viên trường mình về việc các cháu nhỏ phải học dưới gầm cầu thang vì trường chật, lớp gộp. Những phản ánh đó được ông Thọ đặc biệt lưu ý, yêu cầu địa phương kịp thời khắc phục ngay.

Một khoảng lặng tiếc nuối... ảnh 1

Gặp mặt các trưởng họ tộc, già làng trên địa bàn Thừa Thiên-Huế

Rồi chuyện ông Thọ trọng việc học. Hôm đó, một ngày đầu tháng 10/2019. Trong vai người học với giấy bút ghi chép trên tay, ông Thọ lặng lẽ “vi hành”, bước vào một lớp học thuộc Trường THCS Trần Cao Vân, TP Huế để nghe giáo viên dạy về bài học giáo dục công dân có tên “Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. Vị Chủ tịch tỉnh nói thẳng, ông đến lớp để nghe giảng chứ không phải tới kiểm tra, dự giờ. Tiết học hôm đó giáo viên, học sinh cùng vị chủ tịch tỉnh cởi mở, sôi nổi trao đổi những vấn đề về giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông mình.

Một dịp khai trường đầu năm học mới, ông Thọ gửi thư cho thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, kêu gọi cùng xây dựng “Giấc mơ Huế”: “Hãy cùng các em dựng xây, vun đắp vườn ươm Giấc mơ Huế để nâng cánh ước mơ với tình yêu và khát vọng mãnh liệt vì một Huế yên bình, hạnh phúc và phát triển”. Trước đó hay sau này, trong những lần tuyên dương, trao thưởng học sinh trong tỉnh đỗ đạt hoặc gặt hái thành tích học tập cao, ông đều có mặt. Ông cũng là người đầu tiên ban hành và trực tiếp tận tay trao thưởng danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường” cho 367 học sinh tại Thừa Thiên-Huế, giờ đây đã trở thành thông lệ hàng năm.

Dấu ấn

Nhớ năm 2019, tại Huế bất ngờ diễn ra cuộc gặp mặt của vị Chủ tịch tỉnh với các nữ công nhân, nhân viên vệ sinh môi trường . Một chị nhân viên công ty môi trường đã bật khóc: “Hơn 20 năm làm công việc vệ sinh môi trường, đây là lần đầu tiên tôi được gặp gỡ và trao đổi thẳng thắn với Chủ tịch tỉnh nên rất xúc động. Trong công việc thu phí, tôi và đồng nghiệp không ít lần bị chủ nhà chửi mắng, xúc phạm, xua chó cắn”. Bữa ấy, ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu đơn vị liên quan tăng cường phương tiện, thiết bị và bảo đảm chế độ chính sách cho nữ lao động, đồng thời thông qua hình ảnh, dữ liệu giám sát, điều hành đô thị thông minh Huế để hỗ trợ nữ công nhân làm việc thuận tiện, an toàn và đạt hiệu quả hơn.

Đầu năm 2021, ông Phan Ngọc Thọ tổ chức gặp mặt các trưởng họ tộc, già làng trên địa bàn, một hoạt động “xưa nay hiếm”. Không biết do vô tình hay hữu ý, tại buổi gặp mặt đó tất cả “khách” lẫn “chủ” đều chỉn chu, trang trọng trong trang phục áo dài truyền thống. Trong khi, Huế lại đang trên đà xây dựng là “Kinh đô áo dài của Việt Nam”, mà ông Thọ là người rất tâm huyết. Tâm huyết đến mức, lần tiếp xã giao bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Thọ không vận com-lê như mọi khi, mà lại trang trọng trong trang phục áo dài truyền thống. Đây là lần đầu tiên tại Huế, một vị Chủ tịch vận áo dài truyền thống tiếp khách nước ngoài tại công sở. Cũng nhân việc này, ông cho biết luôn khích lệ toàn dân (cả nam lẫn nữ) Huế mặc trang phục áo dài nghênh đón quý khách trong nước và quốc tế, tạo ra một hình ảnh đậm chất Huế.

Bây giờ, Huế đã từng bước sạch, đẹp, xanh, sáng hơn, để rồi được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen. Năm 2020 vừa qua, Huế tiếp tục đạt giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, với ghi nhận là một trong những thành phố có môi trường “đáng sống” nhất của Việt Nam.

Cuộc di dân lịch sử vùng Thượng thành Huế ghi đậm dấu ấn của “ông Thọ” - danh xưng thân mật mà người dân Huế dành cho ông. Trong cuộc đại di dân này, ông Thọ được xem là “thuyền trưởng”. Miệt mài từ 3 năm nay, khu vực Kinh thành Huế đã có hơn 500 hộ dân di dời đến phường Hương Sơ, TP Huế xây dựng nhà cửa an cư lâu dài. Sắp tới, thêm hàng nghìn hộ dân sẽ di dời khỏi Kinh thành Huế để trả lại diện mạo vốn có cho khu vực di sản thế giới. “Chúng tôi chờ đợi di dời khỏi Thượng thành đã hàng chục năm rồi. Nay nhờ có “ông Thọ”, người dân nghèo mới toại nguyện, có nhà cửa đàng hoàng và như được đổi đời”, cụ Hồ Văn Cư (83 tuổi) cảm kích.

Ông Thọ yêu cầu mọi cơ quan chức năng, đơn vị địa phương trên địa bàn phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, không né tránh, đùn đẩy, bất hợp tác. Tháng 6/2018, ngay khi vừa đảm nhận chức Chủ tịch, ông Thọ đề ra ngay các “chính sách” hỗ trợ báo chí.

Năm 2020, lần đầu tiên giải báo chí tại Thừa Thiên-Huế được mang tên mới là giải Hải Triều. Trước đó, ông Thọ là người dành nhiều tâm huyết để hình thành nên giải báo chí có những thay đổi về chất lượng cũng như cơ chế giải thưởng này. Ông cũng là người chỉ đạo xây dựng ứng dụng phản ánh hiện trường (Hue-S), để mọi người dân cùng “làm báo”, để những tắc trách trong xử lý các vấn đề tồn tại của xã hội được giải quyết rốt ráo, xác định rõ đầu mối để quy trách nhiệm triệt để. Cùng với Trung tâm Phục vụ hành chính công Thừa Thiên-Huế, “Hue-S” từng nhận giải thưởng Vietnam Digital Awards năm 2019…

Trải lòng

Trước việc những ngày qua nhiều người dân tiếc nuối và không ngần ngại bày tỏ mong muốn ông Thọ tiếp tục đảm đương cương vị đứng đầu chính quyền tỉnh, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ đã lên tiếng. Theo ông, căn cứ các quy định pháp luật, cũng như của Ban Tổ chức Trung ương, tất cả các cán bộ đủ điều kiện tái cử, ứng cử vào trong các chức vụ của Đảng, chính quyền phải đảm bảo nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chuẩn về độ tuổi. Bản thân ông không đảm bảo độ tuổi theo quy định để tham gia HĐND tỉnh TT-Huế khóa mới. Cụ thể, ông Phan Ngọc Thọ sinh ngày 18/6/1963. Căn cứ quy định hiện hành, ông thiếu khoảng 1,5 tháng về độ tuổi để đủ điều kiện tham gia HĐND tỉnh và tái cử chức Chủ tịch tỉnh.

Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, dù không tái cử chức Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng ông vẫn là Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế. Ở cương vị nào, ông cũng sẽ luôn cố gắng cống hiến, đóng góp, hướng tới những lợi ích chung. Ông vẫn tiếp tục đồng hành với khát vọng hiện thực hóa “Giấc mơ Huế”!

MỚI - NÓNG