Phật pháp thay đổi cuộc đời
Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và hạ tầng giao thông Intracom có lẽ không quá xa lạ đối với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, khi ông là một trong những “cá mập” nổi tiếng với những phát ngôn thẳng thắn và các thương vụ táo bạo trong chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam.
Nhưng ít ai biết, đằng sau hình ảnh một “cá mập” rắn rỏi, táo bạo đấy là một vị doanh nhân hướng thiện, khoan dung, lấy triết lý “từ bi, trí tuệ” của đạo Phật làm nền tảng trong kinh doanh và cuộc sống. Chỉ bằng một chén trà, ông đã xóa tan mọi cảm giác vội vã, bon chen mà chúng tôi vừa trải qua bên ngoài để mọi thứ trở nên an tĩnh khi ngồi đối diện ông.
Ông kể, thời trai trẻ, ông luôn phải xung đột với người khác để thể hiện chính mình, thể hiện cái tôi bản ngã. Năm 1985, ông tốt nghiệp đại học. Ngày mới ra trường về công tác tại công ty Sông Đà, có lần ông nói thẳng với chỉ huy công trường: “Nếu không giao em làm chỉ huy trưởng em sẽ bỏ việc luôn, em nhất quyết không làm nhân viên”. Cuối cùng chỉ huy phải bố trí công việc. Nhưng càng thể hiện, bản thân ông lại càng đau khổ.
Rồi một lần, cơ duyên đưa ông gặp Hòa thượng Thích Thanh Từ (Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử), được nghe thầy giảng, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Thanh Việt bắt đầu giác ngộ những triết lý của đạo Phật. Phật dạy con người ta sống từ tốn với chính bản thân mình. Từ đó, ông theo đạo Phật. Ông tự nhận xét rằng, từ khi giác ngộ, con người mình thay đổi hoàn toàn. Mọi việc trở nên đơn giản hơn và được suy xét một cách bình tâm, sáng suốt. Con người không còn vật lộn, đau khổ với những vọng tưởng.
Đạo Phật dạy người ta khi làm việc tốt nhưng đừng nhìn thấy mình đang làm việc tốt, đừng nhìn cái mình đang cho người khác mà phải nhìn cái ý nghĩa lớn hơn từ việc cho đi đấy. Đó là con đường để ta hòa quyện tâm mình với tâm Phật.
Kinh doanh cũng thế, kinh doanh là để hướng thiện, là được phục vụ. Khi ta hiểu được như thế là lúc ta làm kinh doanh nhưng không phải làm kinh doanh. Lúc đó, thương hiệu, sản phẩm của mình sẽ được cộng đồng người tiêu dùng khẳng định, pháp luật xem xét, chứ mình không cần phải phô trương.
Năm 2001, một người bạn thuyết phục ông về Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico). Năm 2002, ông tách ra thành lập công ty Đầu tư hạ tầng và Giao thông (Intracom). Sau 15 năm, dưới triết lý của Phật giáo mà ông lĩnh ngộ được, Nguyễn Thanh Việt dẫn dắt Intracom từ một công ty đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực thủy điện, bất động sản...đã trở thành một công ty đa ngành uy tín với hơn 1.000 nhân viên và doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm.
“Mỗi sản phẩm, từng ngôi nhà, tôi uôn căn dặn nhân viên làm ở đâu thì hết lòng gửi tâm ở đó. Nếu không gửi tâm mình vào đó thì làm sao sản phẩm tốt được”.
Sản phẩm của công ty không hướng đến những sản phẩm 5 sao, hạng sang mà tập trung phục vụ số đông người dân Việt Nam, phù hợp với thu nhập của họ, cũng như tiêu chí của công ty là làm sao hướng đến cộng đồng, phục vụ được nhiều người nhất.
Đó cũng chính là văn hóa mà Nguyễn Thanh Việt xây dựng cho Intracom “Từ bi - trí tuệ”. Con người không khinh ghét, không cạnh tranh thiếu lành mạnh mà che chở, tạo giá trị cho nhau để cùng đạt được mục đích ấm no, hạnh phúc.
“Nhiều người nghĩ cạnh tranh là phải khốc liệt, là tiêu diệt người này, lấn át người kia. Nhưng tôi cho rằng đó là tư tưởng hẹp hòi. Thị trường luôn có nhiều việc để làm mà không cần phải cạnh tranh. Khi bắt đầu một dự án phải phân tích kỹ, nếu thị trường đã bão hòa thì không nên nhảy vào, hãy làm những cái người khác chưa làm và hướng tới sự khác biệt.
Hạnh phúc là được phục vụ
Đạo Phật luôn đánh giá cao việc cống hiến cho cộng đồng, đem lại hạnh phúc cho người khác. Có lẽ vì thế, Nguyễn Thanh Việt luôn tâm niệm, một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải là một doanh nghiệp hướng đến tinh thần phục vụ, đặt lợi ích của đại số lên lợi ích của chính mình. Ông tâm sự: “Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi chính là được phục vụ cộng đồng”.
“Đầu tiên phải xem xét trách nhiệm của anh đối với môi trường như thế nào. Quốc gia, dân tộc anh có tham gia đóng góp gì không. Đơn vị liên quan tới mình, nhân viên của mình có được lợi gì không. Cuối cùng rồi mới đến mình”.
Nhưng ông cho rằng, điều quan trọng vẫn nằm ở nhận thức. Nhiều người nói đặt lợi ích chung lên lợi ích riêng nhưng lại hành động làm tổn hại đến xã hội.
Bên cạnh đó, có những người càng lên chức vị cao thì cách sống, tâm tính lại thay đổi. “Nếu tốt thì không nói, nhưng có những người không giữ được mình. Trong những trường hợp như thế thì không nên làm, vì nó không những có hại cho người khác mà còn có hại cho chính mình. Đạo Phật nói rồi, chức vụ và quyền lợi chỉ là cái áo bên ngoài, còn anh vẫn là anh”.
Đối với lãnh đạo, hay người khởi nghiệp, Chủ tịch Intracom cho rằng, điều quan trọng nhất là có tầm nhìn và sự bền chí. Trong kinh doanh, thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng học được gì từ thất bại đó mới là đáng quý.
Người làm kinh doanh cũng cần phải có năng khiếu và cơ duyên. Nếu hội tụ đầy đủ các yếu tố, nhưng chỉ cần thiếu một yếu tố thì cũng khó đi đến thành công. Ngoài ra, không thể thiếu sự may mắn và tỉnh táo. Thiên tài, năng khiếu chỉ chiếm 1%, còn 99% là may mắn, tỉnh táo, cần cù và các yếu tố khác.
“Mình không thể giúp đỡ người khác nếu như không có sức khỏe, tài chính, kiến thức và tư duy. Anh không thể nói linh tinh. Không cẩn thận lời khuyên của anh khiến người ta “chết yểu”. Vì vậy, lúc nào cũng phải tỉnh táo, không bao giờ được mê say. Tỉnh táo đến đâu thì hưởng đến đó”.
Ở cái tuổi 55, mái tóc đã bắt đầu điểm bạc, ông vẫn luôn trăn trở về sứ mệnh phục vụ và sự đóng góp cho xã hội. Ông cho biết, sắp tới Intracom sẽ mở rộng vào lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, năng lượng sạch... với tinh thần phục vụ và mang niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người nhất.
Xã hội ngày nay là xã hội thông thái, muốn phát triển thì phải học cách phục vụ thông thái. Intracom sẽ đầu tư vào những ngành dịch vụ, bởi cái gì phục vụ đời sống con người thì nó sẽ tồn tại cho đến bao giờ con người còn tồn tại. Chính vì thế, bệnh viện Phương Đông với tiêu chuẩn quốc tế ra đời tại khu vực ngoại thành Hà Nội là sản phẩm đánh dấu cho sự làm mới, chuyển mình của Intracom.
Công việc luôn bận rộn, nhưng đối với Nguyễn Thanh Việt, mọi thứ phải luôn chuyên tâm từ việc nhỏ đến việc lớn. “Khi anh uống trà thì anh phải biết anh uống trà, khi anh đi làm thì anh phải biết anh đi làm. Còn làm không đúng việc sẽ khiến đầu óc vọng tưởng”.