Những thông tin tiêu cực bủa vây thị trường nửa cuối tháng 9 đã khiến hàng loạt cổ phiếu quay đầu giảm mạnh. Nhóm bất động sản - xây dựng là một trong những cổ phiếu ghi nhận áp lực bán mạnh mẽ, đẩy thị giá mất hàng chục phần trăm. Tuy nhiên giữa bối cảnh đó, một mã chứng khoán doanh nghiệp phát triển bất động sản trên sàn HNX bất ngờ thu hút sự chú ý với chuỗi phiên "tím lịm" trong gần 2 tuần giao dịch trở lại đây.
Cụ thể, kể từ mức đỉnh 12.700 đồng/cp (phiên 9/6), thị giá cổ phiếu CX8 của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Constrexim số 8 liên tục trượt dài trong khoảng hơn 2 tháng. Sau khi chạm vùng đáy giá 7 năm 4.300 đồng/cp, (mất gần 70% kể từ đỉnh), thị giá CX8 "lấy đà" tại tham chiếu 2 phiên và sau đó là chuỗi 8 phiên liên tục tăng kịch trần. Với việc giao dịch trên HNX cho phép biên độ dao động tới 10%, giá cổ phiếu CX8 dễ dàng tăng 105% chỉ sau gần 2 tuần giao dịch. Thanh khoản theo đó cũng được đẩy cao lên vài nghìn đơn vị/phiên.
Sau chuỗi tăng "nóng", Đầu tư và Xây lắp Constrexim số 8 cũng đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, giải trình về việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp. Lý do được công ty đưa ra là do cung cầu thị trường và do nhà đầu tư quyết định; công ty không tác động và can thiệp vào giá cổ phiếu.
Cổ phiếu tăng trần bất chấp đang có nguy cơ huỷ niêm yết tự nguyện
CX8 được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển bất động sản hiện, vốn điều lệ hiện đạt hơn 22 tỷ đồng. Cổ phiếu CX8 tăng trong bối cảnh không có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực hỗ trợ về giá. Thậm chí, ngày 28/9 vừa qua, Đầu tư và Xây lắp Constrexim số 8 vừa tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, trong đó có trình cổ đông thông qua việc huỷ niêm yết tự nguyện mã chứng khoán CX8. Động thái muốn huỷ niêm yết cổ phiếu CX8 đã được đem ra thảo luận và thi hành kể từ cuối tháng 7/2021, với lý do khi đó được đưa ra là để doanh nghiệp tập trung việc tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.
Cũng trong đại hội bất thường vừa qua, HĐQT CX8 cũng trình lên cổ đông phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ. Lượng cổ phiếu chào bán dự kiến là 1,8 triệu đơn vị (tương ứng tỷ lệ chào bán là 81,5%). Danh sách nhà đầu tư đăng ký tham gia đã được công bố, ghi nhận CTCP Incotrading Group đăng ký mua nhiều nhất, 700 nghìn cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu dự kiến 17,46% vốn điều lệ. Ngoài ra còn 3 nhà đầu tư chiến lược khác đăng ký mua cổ phần trong đợt chào bán này, trong đó có 1 tổ chức và 2 cá nhân.
Tình hình hoạt động kinh doanh của CX8 trong vài năm trở lại đây cũng không mấy khả quan. Mức lợi nhuận 3 năm gần nhất không tới 1 tỷ/năm, cao nhất là năm 2019 với 690 đồng LNST. Còn nếu xét theo quý, 14 quý gần đây nhất lợi nhuận của doanh nghiệp này không trên 700 triệu đồng, thậm chí còn quỹ lỗ vài trăm triệu.
Gần nhất, nửa đầu năm 2022, doanh thu CX8 đạt hơn 34 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn hơn 32 tỷ đã ăn mòn gần hết doanh thu, kết quả CX8 chỉ lãi hơn 56 triệu đồng sau 6 tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, BCTC soát xét bán niên 2022 ghi nhận nợ phải trả của doanh nghiệp đạt 84 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm và hiện đang gấp gần 3 lần quy mô vốn chủ sở hữu.