Theo đó, bản tin cập nhật mới nhất sáng 7/8 từ Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị, theo diễn biến lâm sàng, có 9 ca đang nặng lên, 10 ca tiên lượng rất nặng, 3 ca tiên lượng tử vong (có thể tử vong bất cứ lúc nào, đều điều trị ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng).
Số ca phải chạy ECMO đã tăng lên 3 người. Người mới nhất phải dùng đến liệu pháp hỗ trợ hô hấp tiên tiến này là bệnh nhân 793 do tình trạng viêm phổi của bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu, 80% phổi bị tổn thương, nhiễm trùng chưa cải thiện. Bệnh nhân hiện được đánh giá là nguy kịch, tiên lượng rất nặng.
Bệnh nhân 793 là người đàn ông 58 tuổi, quê Bắc Giang, là một trong ba bệnh nhân đang điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bác sĩ Võ Đức Linh, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tổn thương phổi của bệnh nhân (BN) BN793 (nam, 58 tuổi, ở Bắc Giang) hiện rất nặng và phức tạp hơn trường hợp BN812 trước đây. Sau khoảng 2 tuần điều trị, tổn thương phổi của người bệnh vẫn đang diến biến nặng lên. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bội nhiễm thêm các vi khuẩn, nấm.
Theo các bác sĩ, tình trạng diễn biến xấu của bệnh nhân có thể do virus SARS-CoV-2 hoặc do người bệnh suy giảm miễn dịch, dễ nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm... Các bác sĩ đang nỗ lực tìm nguyên nhân chính để xử lý.
Hiện tại, bệnh nhân đã được dùng kháng sinh và kháng nấm bên cạnh việc duy trì thở máy, theo dõi sát tình trạng hô hấp, huyết động…
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực cho biết thêm, về tiên lượng, các bác sĩ chưa thể khẳng định điều gì với trường hợp này: “Bệnh nhân vừa được đặt ống thở máy, quan trọng nhất là trong những ngày tới có đáp ứng thở máy hay không. Song song với việc điều trị, các bác sĩ vẫn đang tiếp tục làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân để kịp thời khu trú”.
Thái Nguyên sản xuất bộ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2
Chiều 27/8, thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, sau gần 3 tháng nghiên cứu liên tục, các nhà khoa học của Đại học Khoa học và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã cho ra kết quả nghiên cứu bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ Realtime RT-PCR. Sau đó, nhóm đã sản xuất ra 20 bộ sinh phẩm, mỗi bộ gồm 50 test (tương ứng với tổng 1.000 test), giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh.
Bộ sinh phẩm đã được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) kiểm định. Kết quả cho thấy, độ nhạy và độ đặc hiệu đều đạt 100%, ngưỡng phát hiện từ 10 - 50 copies/phản ứng.