> Nắng nóng 41 độ C: Khốn khổ đủ đường
Phơi mình giữa nắng gắt, những nhân viên cứu hộ canh gác cho người tắm biển. Ảnh: Cát Hiền. |
Từ 4 giờ sáng đến 10 giờ trưa, biển luôn đông kín. Buổi chiều cao điểm từ 17 giờ đến 18g30, khắp các bãi biển không còn chỗ trống. Chưa kể rất nhiều người chọn cách tắm đêm để tránh nắng.
Khách đông, kéo theo sự vất vả của Đội cứu hộ (thuộc BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng). Đội có đến 17 tổ, chia ca làm từ 4g30 đến 18g30, ngoài ra còn có tổ tăng cường từ 19 đến 21g. Người tắm ngâm mình mát mẻ, còn các chàng trai cứu hộ áo vàng thì phơi nắng trên những chiếc thuyền thúng, canô đậu gần bên để dõi mắt canh chừng. Liên tục là những tiếng còi cảnh báo, ra hiệu cho từng người tắm trở vào nơi an toàn.
Theo ông Phan Uyên Minh, Trưởng phòng Quản lý và Khai thác du lịch biển (thuộc BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng), hiện mỗi ngày có hơn 40.000 khách đổ về tắm biển. Sắp tới BQL sẽ mở thêm vài bãi tắm để kéo giãn lượng khách. |
Mấy ngày nay, hàng chục trường hợp bị sóng cuốn, kiệt sức, đột quỵ… được cứu hộ kịp thời. Cứ hễ nghe tiếng la ới ngoài xa, hoặc phát hiện ai đó đang chới với chìm dần, lập tức nhân viên đội cứu hộ quăng phao, bơi ra ứng cứu.
Anh Phạm Bình Vũ Lâm, nhân viên cứu hộ tổ 9, cho biết: “Đa số người gặp nạn đều do không chấp hành sự hướng dẫn của chúng tôi, cứ cố tình tắm vào vùng nước xoáy, một số do say xỉn, kiệt sức”. Hầu như ngày nào cũng có vài ba trường hợp được cứu hộ đưa vào bờ. Nhưng từ đầu năm đến nay chưa xảy ra trường hợp nào chết đuối.
Đồng hành với đội cứu hộ là đội trật tự. Ngoài việc đảm bảo trật tự, mỹ quan cho bãi tắm, họ còn tìm kiếm người thất lạc. Riêng bãi biển Phạm Văn Đồng có đến 11 cụm loa, mỗi chiều, cứ 5-10 phút lại có thông báo tìm trẻ lạc trên loa một lần. Như ngày 19/5 mới đây, có đến 32 trường hợp trẻ bị lạc.
Quan sát người tắm biển từ trên chòi canh cứu hộ. Ảnh: Cát Hiền. |
Không ít cả gia đình tắm biển cùng nhau, nhưng lúc lên bờ thì chẳng thấy con đâu, vậy là bố mẹ vừa khóc vừa nháo nhác đi tìm. Nhận được tin báo, đội trật tự nhanh chóng xác minh nhận diện, thông báo lên loa, rồi khoanh khu vực, phân tán đi tìm, từ bãi giữ xe, đường về khách sạn, đến các địa điểm thuê phao, ẩm thực…
“Nhiều cháu lạc mẹ cứ đứng khóc miết, hỏi mẹ tên gì, không nhớ, con tên gì cũng không nhớ, vậy là chúng tôi đành dắt về trạm điều hành, thông báo tìm… mẹ cho cháu nhỏ”, một nhân viên tìm trẻ lạc kể. Với kinh nghiệm phán đoán trẻ lạc, thường nhanh nhất là mất năm phút, chậm nhất là nửa tiếng sau đã đưa được các cháu về với bố mẹ an toàn.
Những cánh thư tri ân
Anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng đội cứu hộ đưa chúng tôi xem những lá thư đặc biệt. Thư của các em nhỏ, cụ già, khách nước ngoài từng cận kề cái chết khi tắm biển, gửi lời tri ân đến anh em cứu hộ.
Thư của ông Nguyễn Hữu Hùng, 70 tuổi, giáo viên về hưu ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) kể, sáng Chủ nhật 23/12/2012, khi tắm ở bãi biển Phước Mỹ, ông bị sóng lớn kéo ra xa. Trong lúc nguy cấp, rất may được anh Nguyễn Nửa, nhân viên cứu hộ Tổ 9 đang trực đã nhảy xuống cứu vớt an toàn.
Hay trường hợp vợ chồng Nguyễn Vĩnh Tuấn bị sóng lôi ra xa bờ, trong lúc chới với được hai nhân viên cứu hộ Trần Văn Thành và Phạm Ba cứu thoát.
Trong đội cứu hộ, có những chàng trai mới 20 tuổi, và cũng có người thâm niên cứu hộ 14 năm trời (anh Hồ Xang, 55 tuổi), đã cứu không biết bao mạng người.
Mới đây, trên Vnexpress ngày 30/4, dư luận xôn xao cảm động với câu chuyện “Người mẹ tuyệt vọng tìm con lạc trên bãi biển” của chị Nguyễn Thị Hà - một khách du lịch đến tắm biển bị lạc mất con, nhưng chỉ 5 phút sau khi thông báo, nhân viên bảo vệ đã tìm thấy và đưa con về cho chị. T
ôi hỏi ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đội trưởng đội trật tự và du lịch biển, xem có nhớ tên người bảo vệ ấy là ai không, ông chỉ cười hiền: “Làm sao nhớ được, mỗi ngày nhân viên chúng tôi tìm cả chục đứa trẻ, cứ dẫn đến tận tay bố mẹ, hoặc về trạm điều hành xong là họ lại tiếp tục lao ra biển, chẳng ai đợi người thân tới để nói tên”.