Một ASEAN ngày càng gần gũi

Một ASEAN ngày càng gần gũi
TP - Trải qua chặng đường 45 năm ra đời và phát triển (8-8-1967), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với mục tiêu thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực giờ đây trở nên gần gũi với cuộc sống người dân hơn bao giờ hết.

> Hội nghị về phát triển hiệu quả năng lượng ở Đông Á

Sau 45 năm, những người sáng lập ASEAN chắc cũng khó hình dung giờ đây ASEAN đứng trước vận hội của Cộng đồng ASEAN toàn diện hình thành vào năm 2015.

Trước hết, Cộng đồng Chính trị - An ninh sẽ tiếp tục góp phần hiện thực hóa khát vọng về một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Không chỉ dừng lại các ý tưởng chung chung, ASEAN còn đảm nhiệm các sứ mệnh hết sức cụ thể nhưng quan trọng như vai trò trung gian hòa giải trong giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Campuchia và Thái Lan, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông (COC).

Sau sự cố tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 45 vừa qua tại Campuchia, đã có nghi ngại về những giá trị cốt lõi của Hiệp hội như phương cách tiệm tiến và đồng thuận.

Nguy cơ các nước trong ASEAN bị phân hóa, xé lẻ do những nhân tố bên ngoài chi phối dường như ngày càng hiển hiện. Tuy nhiên, sau những nỗ lực ngoại giao chung, ASEAN đã công bố bản nguyên tắc 6 điểm về biển Đông.

Đó là bằng chứng khẳng định ASEAN vẫn là một khối thống nhất, có tính thích nghi cao, đúng như cách ASEAN đã thông qua bản dự thảo COC quan trọng trước đó mà sẽ được đưa ra thảo luận với Trung Quốc vào tháng 9 tới.

Bên cạnh đó, với vai trò quy tụ tiếng nói của các nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương thông qua Diễn đàn khu vực (ARF), ASEAN cũng đang chứng minh mình là nhà trung gian thiết yếu về các vấn đề an ninh tại khu vực đang được cho là mang tính chiến lược với các cường quốc.

Cùng với các nỗ lực chính trị, Cộng đồng Kinh tế sẽ góp phần làm sâu sắc thêm những kết quả đã đạt được trong hơn 4 thập kỷ phát triển của ASEAN.

Từ chỗ bị đánh giá là khu vực xuất phát điểm thấp, phát triển kém bền vững, nhiều “bong bóng”, ASEAN đã biết cách phát huy nội lực, tranh thủ tương đối có hiệu quả sự hợp tác của các định chế tài chính quốc tế, kết nối với các nền kinh tế lớn ở Đông Bắc Á, mở rộng thị trường sang khối Âu-Mỹ.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khủng hoảng, ASEAN vẫn được dự đoán tăng trưởng 5,2% trong năm 2012, tiếp tục chứng tỏ sức phát triển năng động.

Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của Lào và Campuchia, cải cách mở cửa mạnh mẽ mới đây của Myanmar cũng như chương trình kết nối của cả khối, khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN ngày càng hẹp lại.

Cuối cùng, Cộng đồng Văn hóa đang hướng tới chăm lo con người ngày càng tốt hơn, cải thiện an sinh - phúc lợi, công bằng xã hội.

Các nước ASEAN đang dành nguồn lực đáng khích lệ cho phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, tăng cường bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, gìn giữ môi trường.

Với các biện pháp đồng bộ đó, việc ASEAN quyết tâm xây dựng một cộng đồng hài hòa trong một bản sắc chung đã có thêm cơ sở thành hiện thực.

Một khi mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân các quốc gia thành viên, ASEAN sẽ ngày càng trở nên gần gũi hơn trong ý thức tập thể của Đông Nam Á.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG