Mộng vùng biên Ia Mơr

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại công trình Thủy lợi Ia Mơr được đầu tư hơn 3 nghìn tỷ đồng vẫn còn "ngủ yên" khiến cả chục nghìn héc-ta đất canh tác dưới hạ du khô khốc, nứt nẻ. Chỉ khi có vùng tưới, mảnh đất vùng biên giới Ia Mơr mới thêm xanh, phát triển. Nhiều ngư dân đã đến lòng hồ thuỷ lợi này - nơi có nguồn thủy sản trù phú để mưu sinh nhưng việc khai thác còn đơn lẻ, thô sơ.

Làm đại công trình rồi... để đó?

Nhắc đến biên giới xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) là nói tới một vùng nắng hạn, đất đai cằn cỗi. Đường vào hiểm trở, trơn lầy nên trong tâm trí mọi người nơi đây dường như là vùng tách biệt. Nhất là trời mưa, đất đỏ bám vào bánh xe càng gây ám ảnh với bất kỳ ai, còn trời nắng gió thổi đất cát mù mịt tấp vào mặt. Những điều ấy sá chi với sự vất vả của người dân nơi đây. Họ phải đội nắng, phồng tay dằn cuốc đất cứng bong bong. Thổ nhưỡng như vậy trong khi phương thức canh tác, sản xuất của người đồng bào còn lạc hậu. Đại công trình Thủy lợi Ia Mơr hơn 3 nghìn tỷ đồng đã được làm từ gần 20 năm trước rồi, đến năm 2017 thì chặn dòng, tích nước nhằm phục vụ tưới tiêu cho ít nhất 14 nghìn héc-ta đất canh tác ở Gia Lai và Đắk Lắk. Vậy mà đến nay "người khổng lồ" vẫn chưa làm nên cơm cháo gì. Giờ đây, hệ thống kênh chính đã hoàn thành trên 95% khối lượng nhưng đang gặp vướng mắc trong việc triển khai vùng tưới tại Gia Lai do phần lớn diện tích vùng tưới nằm trên đất rừng. Thực tế, nơi đây còn rừng nữa đâu mà mất. Chỉ có sự khô khốc, cây cối "bon sai" ngoắt ngoẻo. Việc này cũng được một nguyên lãnh đạo tỉnh Gia Lai khẳng định với phóng viên Tiền Phong rằng: "Tôi đã rất nhiều lần cùng đoàn công tác đi khảo sát vùng Ia Mơr. Mang tiếng là đất lâm nghiệp nhưng đã bị quét sạch từ khi chuyển đổi 50 nghìn héc-ta rừng sang trồng cao su rồi. Rừng chỉ còn trên giấy mà thôi".

Mộng vùng biên Ia Mơr ảnh 1

Nguồn thủy sản ở lòng hồ Thủy lợi Ia Mơr trù phú

Người dân vẫn mỏi mòn chờ vùng tưới trong khi đất đai dưới chân thủy lợi nứt nẻ, cây cối hoang tàn vì thiếu nước. Cũng bởi vậy mà Gia Lai có kế hoạch trình Bộ NN&PTNT thẩm định để trình Thủ tướng báo cáo Quốc hội xin chuyển mục đích sử dụng 4,7 nghìn héc-ta rừng nghèo thuộc địa bàn xã Ia Mơr. Đến nay việc này vẫn chưa đâu vào đâu.

Dù gì thủy lợi cũng đã làm, đất chỉ còn "rừng trên giấy" nên phải có vùng tưới. Hơn cả là dân tình vẫn "khát" dưới công trình thủy lợi. Nếu khai thác tốt, vùng tưới sẽ là thủ phủ về phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Ngô Ngọc Tiến chia sẻ, nguồn thủy sản dồi dào từ công trình Thủy lợi Ia Mơr sẽ có thêm nghề mới cho nhân dân, tạo công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, sắp tới cũng rất mong các cấp thẩm quyền có hướng phát triển ngành nghề nuôi, trồng, đánh bắt thủy sản, quản lý, khai thác hợp lý, khoa học vật bảo vệ môi trường, chánh đánh bắt tận diệt...

Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, ông Ngô Ngọc Tiến cho biết, địa phương có 635 hộ dân với 2.675 khẩu. Theo ông Tiến, một số tuyến kênh đã đưa nước vào một số diện tích để nhân dân sản xuất lúa nước nhưng với diện tích nhỏ nên chưa phát huy hết tính năng công suất thiết kế của công trình thủy lợi, trong khi dự kiến vùng tưới là rừng nghèo, cây rừng thưa thớt... “Nhân dân mong muốn chuyển đổi để phát triển kinh tế và tránh lãng phí nguồn đầu tư của nhà nước. Hiện tỉnh lộ 665 chuẩn bị hoàn thành, giao thông thuận tiện là thời cơ tốt cho Ia Mơr phát triển, đặc biệt là chuyển đổi được vùng tưới thì Ia Mơr sẽ là vùng biên trù phú và có thể là vựa lúa lớn thứ 2 của tỉnh Gia Lai, nhân dân yên tâm sản xuất phát triển kinh tế, giữ vững vùng biên giới”, ông Tiến chia sẻ.

Cả gia đình anh Ksor Thia (35 tuổi, làng Krong, xã Ia Mơr) chỉ trông chờ vào 2 héc-ta lúa nước. Để trang trải cuộc sống, sau khi kết thúc vài tháng trồng lúa, nửa năm còn lại anh Thia cùng vợ tìm việc để làm thuê. Những năm trước trời không mưa, ruộng đồng nứt nẻ, lúa vừa lên được quá gang tay thì úa vàng. “Đồng lúa nhà mình gần ngay Thuỷ lợi Ia Mơr mà cũng chưa có nước về. Có năm hạn nặng, xót của vợ mình phải gánh từng thùng nước tưới cho lúa. Dân mình sẽ vui lắm nếu có nước vào ruộng thường xuyên để làm lúa 2 vụ”, anh Thia bùi ngùi.

Mộng vùng biên Ia Mơr ảnh 2

Anh Nguyễn Văn Ninh cùng vợ đánh cá

Nguồn thủy sản vô tận

Diện tích mặt nước của Thủy lợi Ia Mơr ước tính hơn 2,8 nghìn ha. Tiềm năng này là cơ hội để khai thác, nuôi thuỷ sản mà hiếm nơi có được. Dẫu thế, quanh hồ chứa của Thuỷ lợi Ia Mơr chỉ thưa thớt gần chục hộ dân. Họ đa phần là những người dân ở rải rác khắp nơi, từ các tỉnh Nam bộ, Bắc Trung bộ và người địa phương dựng xóm chài nhỏ bên lòng hồ.

Cách đây chừng 6 năm, khi nghe đứa cháu gọi điện báo tin ở lòng hồ Thủy lợi Ia Mơr nhiều cá vô cùng, cả gia đình ông Bình khăn gói chuyển từ Tây Ninh lên vùng đất này. Để mưu sinh, ông Bình cùng vợ dựng căn lều tạm bợ, thưng bạt sát mép hồ.

“Đói nghèo nên đầu gối phải bò tha hương lên đây. Dân sông nước nên giờ cũng tạm ổn. Ban ngày vợ chồng ngồi vá lưới, đêm xuống giong thuyền đánh cá. Được cái chính quyền cũng rất tạo điều kiện cho chúng tôi sinh sống, luôn cảnh báo để bắt cá an toàn”, ông Bình bộc bạch.

Gió lặng, nhóm ngư dân lục tục ra bến, người ôm những bọc lưới, người xếp những chồng lờ đặt lên thuyền. Sau đó, thuyền rẽ nước hướng về một hòn đảo giữa hồ. Tại đó, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ninh (quê Bình Phước) đang cặm cụi thả lưới. Anh Ninh kể, cả hai đã mưu sinh ở đây gần 10 năm. Chiều xuống hai vợ chồng cùng nhau ra thả lưới, giữa đêm giong thuyền ra kiểm tra, gỡ cá cho đến 6 giờ sáng. Lúc này vào bờ các tiểu thương đã chờ sẵn ở bến để mua cá.

“Đen thì một lần thả lưới vậy kiếm được 200 nghìn, hôm may thì cả triệu đồng. Ở hồ này chủ yếu là rô phi, cá trê, cá lăng, cá cơm... Cá lăng là đặc sản, có con nặng hơn 10 ký, nhưng thỉnh thoảng mới bắt được, còn nhiều nhất là cá cơm”, anh Ninh rủ rỉ.

Để khai thác nguồn nước thiên nhiên, nhiều hộ dân xóm chài đã liên kết với nhau để nuôi cá trong hồ thủy lợi Ia Mơr. Trong đó có anh Lê Văn Dô cùng anh Phạm Văn Quân (quê Thanh Hóa), Trần Thành Phát (quê Cao Bằng) đầu tư nuôi cá trê trong lồng bè. Cả ba người mượn nhà bè của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 để thử nghiệm nuôi cá trê. Lứa cá đầu tiên đã được nuôi thành công, chóng lớn và đã được các anh bán có lãi.

MỚI - NÓNG