Mong tổ chức Đoàn luôn là điểm tựa thân thuộc hỗ trợ các tài năng trẻ

TPO - Bày tỏ kỳ vọng trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, các nhà khoa học trẻ hiện đang công tác ở trong và ngoài nước cho rằng, tổ chức Đoàn cần quan tâm, hỗ trợ hơn nữa trong quá trình trao đổi, nghiên cứu khoa học và luôn là "điểm tựa" thân thuộc hỗ trợ các tài năng trẻ xa nhà. 

"Điểm tựa" thân thuộc hỗ trợ các tài năng trẻ xa nhà

Đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, thạc sĩ Đoàn Thị Hải Dương (sinh năm 1993, là nghiên cứu sinh Viện nghiên cứu Max Planck for Plant Breeding, Đức) mong muốn Đại hội sẽ có thêm các chính sách thu hút và bồi dưỡng nhân tài để củng cố, tiếp thêm động lực cống hiến cho bạn trẻ xa quê hương. Ngoài ra, việc tăng cường kết nối giữa các bạn du học sinh cũng là phương hướng quan trọng để tạo nên hệ sinh thái trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau.

Thạc sĩ Đoàn Thị Hải Dương

Hơn hết, cô kỳ vọng và tin tưởng trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 tới, tổ chức Đoàn sẽ tiếp tục là "điểm tựa" thân thuộc hỗ trợ các tài năng trẻ xa nhà trong việc thực hiện các mô hình hay, sáng tạo gắn với chuyển đổi số, giúp các bạn du học sinh yên tâm học tập, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm ở nước ngoài để sớm trở về cống hiến cho đất nước.

Riêng cá nhân Dương, cô vẫn thường theo dõi các phong trào, hoạt động Đoàn qua kênh phương tiện truyền thông trên mạng xã hội để có những góp ý kịp thời, sáng tạo.

Còn với TS. Lê Phạm Tuyên (SN 1990, hiện là trưởng nhóm nghiên cứu giải thuật, phòng nghiên cứu và phát triển, công ty AgileSoDA, Hàn Quốc), anh kỳ vọng Đoàn thanh niên vẫn sẽ là tổ chức đi đầu giúp gắn kết toàn thể các bạn thanh niên đang sinh sống, học tập trong và ngoài nước. Ngoài ra, tổ chức Đoàn cũng cần tiếp thu nhiều hơn nữa những thành tựu khoa học kỹ thuật, làm cầu nối cho việc chuyển giao công nghệ, dìu dắt cộng đồng thanh niên ở nước ngoài trong định hướng nghiên cứu và ngoài cuộc sống.

TS. Lê Phạm Tuyên (ở giữa) là một trong 10 nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022. Ảnh: Dương Triều

Tiến sĩ Lê Thị Phương (SN 1988, nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, bản thân mỗi bạn trẻ phải không ngừng phấn đấu trong học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện với tinh thần đổi mới, sáng tạo và cống hiến.

Tiếp đến, về mặt thái độ và đạo đức, người trẻ phải phát huy tinh thần năng động, tiên phong tìm hiểu cái hay, cái mới, nhưng vẫn phải tôn trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè thế giới.

TS. Lê Thị Phương sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới. Ảnh: NVCC

Nuôi dưỡng và cổ vũ nguồn lực khoa học công nghệ chất lượng cao

Trưởng thành từ công tác Đoàn, TS Chu Đức Hà (Bí thư Đoàn khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) góp ý kiến, Đại hội XII cần quan tâm nhiều hơn chính sách bồi dưỡng, cổ vũ nguồn lực khoa học công nghệ chất lượng cao phục vụ đất nước.

"Ngoài ra, cũng cần kết hợp giữa công tác Đoàn với nghiên cứu khoa học, giữa các đoàn viên, đoàn trường, tỉnh đoàn để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên, hình thành nên mạng lưới sinh viên nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực. Khi đó, các bạn có cơ hội học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình phát triển nghiên cứu của mình. Bởi sinh viên, đoàn viên các trường đại học chính là nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ chất lượng cao trong tương lai", TS Hà nói.

Vừa giảng dạy, nghiên cứu nhưng TS. Chu Đức Hà cũng làm tốt vai trò của một Bí thư Đoàn khoa trong việc kết nối các tài năng trẻ trong khoa với nhà trường, kết nối thầy cô với sinh viên thông qua các buổi seminar hay thảo luận trực tuyến với chuyên gia, diễn giả hàng đầu... Hoạt động này đã góp phần tạo dựng nên môi trường học thuật đa dạng, sinh động, mang tính thực tiễn cao, giúp sinh viên hứng thú, học hỏi được nhiều điều bổ ích.

TS. Chu Đức Hà - Bí thư Đoàn khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ở giữa) cũng đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý của Trung ương Đoàn như: Nhà giáo trẻ tiêu biểu, giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng 2022... Ảnh: NVCC

TS Lương Văn Thiện (SN 1992, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, Trường Đại học Phenikaa) mong Đại hội có thêm sáng kiến để tôn vinh những nhà khoa học trẻ tài năng, phát hiện "hạt giống mới" để bồi dưỡng, thúc đẩy tinh thần nghiên cứu ngay từ sớm.

"Hơn nữa, để theo đuổi niềm đam mê, các nhà khoa học trẻ còn gặp không ít khó khăn về phương tiện, thiết bị nghiên cứu, kinh phí... nên rất cần tổ chức Đoàn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp họ tập trung phát triển chuyên môn", giảng viên trẻ bày tỏ.

Mọi ý kiến, hiến kế của độc giả về Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 gửi về địa chỉ: email: tienphongbtk@gmail.com.