Mong muốn hành động làm sạch rác sẽ lan toả đến cộng đồng

TPO - Sáng 20/8, gần 150 học sinh và giáo viên, nhân viên các trường học tại quận Ba Đình (Hà Nội) đến dự chương trình Hội nghị tập huấn phân loại rác thải đầu nguồn, do Báo Tiền Phong phối hợp với Phòng GD&ĐT quận Ba Đình tổ chức. Học sinh mong muốn, khi các em nhặt rác, phân loại rác sẽ lan toả được việc làm có ý nghĩa đó tới cộng đồng.

Các em học sinh hào hứng chụp ảnh check in và tham gia trò chơi tại chương trình. Kiến thức về bảo vệ môi trường nói chung và phân loại rác đầu nguồn nói riêng được các chuyên gia diễn giải nhiều hình thức, trong đó có thông qua dạng tổ chức trò chơi khiến học sinh hào hứng.

Mong muốn hành động làm sạch rác sẽ lan toả đến cộng đồng ảnh 1
Các em học sinh hào hứng chụp ảnh check in khi tham gia chương trình.

Ban tổ chức chuẩn bị sẵn các tài liệu, sổ tay hướng dẫn phân loại rác để các em cập nhật thông tin trước khi chương trình diễn ra.

Mong muốn hành động làm sạch rác sẽ lan toả đến cộng đồng ảnh 2

"Chúng mình rất vui khi được đi tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường nhé", một học sinh nói.

Em Bùi Duy Hải, học sinh lớp 7A6, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình chia sẻ, tham gia chương trình tập huấn, được nghe các thầy cô, chuyên gia nói chuyện giúp em và các bạn hiểu sâu hơn về tầm quan trọng, sự cần thiết, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường cũng như cách thức thực hiện sao cho đúng.

“Ở trường, thầy cô cũng dạy, học sinh phải có ý thức giữ gìn môi trường sạch, đẹp, không vứt rác bừa bãi đồng thời khi đi ra nơi công cộng, thấy rác cũng có thể nhặt vứt vào đúng nơi quy định. Hành động đó không chỉ làm sạch môi trường sống mà còn có thể lan toả tới những người xung quanh. Thực tế môi trường sống chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều rác. Em hi vọng, hành động học sinh nhặt rác, làm sạch môi trường sống sẽ lan toả tới cộng đồng”, Duy Hải nói.

Mong muốn hành động làm sạch rác sẽ lan toả đến cộng đồng ảnh 3

Kiến thức về bảo vệ môi trường nói chung và phân loại rác đầu nguồn nói riêng được các chuyên gia diễn giải nhiều hình thức, trong đó có thông qua dạng tổ chức trò chơi khiến các em rất hào hứng.

Cô Trần Thị Thanh Loan, giáo viên Trường mầm non Hoạ Mi chia sẻ, nhà trường giáo dục tình yêu thiên nhiên, biết bảo vệ môi trường sống ngay từ bậc mầm non. Ngoài giới thiệu, hướng dẫn những kiến thức cơ bản, dễ hiểu, dạy cho trẻ không vứt rác bừa bãi, biết yêu cây xanh, tái chế đồ vật nhà trường còn phát động phong trào thu gom pin đã qua sử dụng. Ở một góc cố định, trường đặt thùng thu pin để trẻ gom pin từ nhà đến thả vào thay vì vứt ra môi trường. Nhà trường liên hệ với đơn vị xử lí đến thu gom hàng tháng.

Mong muốn hành động làm sạch rác sẽ lan toả đến cộng đồng ảnh 4

Căng thẳng, hồi hộp chờ đáp án ở phần chơi trò chơi.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, trong các năm học, đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên và nhân viên nhà trường về chủ đề bảo vệ môi trường, tích cực phối hợp với các trường đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình giảng dạy, bao gồm các bài học, dự án và hoạt động ngoại khóa liên quan đến bảo vệ môi trường.

Nhiều chiến dịch và cuộc thi về bảo vệ môi trường đã được các nhà trường trong Quận Ba Đình tổ chức như thi đua phân loại rác, thiết kế tranh ảnh tuyên truyền hoặc viết bài luận về môi trường. Một số trường học thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như dọn dẹp môi trường, trồng cây, tham quan các cơ sở xử lý rác thải.

Mong muốn hành động làm sạch rác sẽ lan toả đến cộng đồng ảnh 5

Cô trò vỡ oà cảm xúc vì đã trả lời đúng đáp án của Ban tổ chức.

Mong muốn hành động làm sạch rác sẽ lan toả đến cộng đồng ảnh 6

Và đây là khi cô trò chúng mình nhận thưởng.

Mong muốn hành động làm sạch rác sẽ lan toả đến cộng đồng ảnh 7

Học sinh các trường chụp ảnh lưu niệm với thầy cô tại buổi tập huấn.

Tại Thành phố Hà Nội, địa phương đã thực hiện dự án phân loại rác tại nguồn (3R) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ từ năm 2006. Dự án được triển khai thí điểm trên tại 4 phường nội thành (phường: Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công và Láng Hạ). Từ năm 2006 đến hết năm 2009, có 18.000 gia đình được tập huấn cách phân loại rác tại nguồn.

Mong muốn hành động làm sạch rác sẽ lan toả đến cộng đồng ảnh 8

Nhiều chiến dịch và cuộc thi về bảo vệ môi trường đã được các nhà trường trong Quận Ba Đình tổ chức thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại rác trên địa bàn Hà Nội không được duy trì. Nguyên nhân là chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm...

Trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Ước tính, số rác thải của TP. Hà Nội tăng thêm khoảng 5% mỗi năm, dự tính đến năm 2030, mỗi ngày Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại.

Muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý. Phân loại tại nguồn sẽ cho rác thải một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.

Nhận thấy rõ yêu cầu bức thiết về bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã dành 6 điều quy định rõ ràng về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rác sinh hoạt.

Tin liên quan