Nhà văn Lê Minh Hà (Berlin, Đức):

Mong Hà Nội sống chậm lại một chút

TP - Lê Minh Hà đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn, tùy bút và tiểu thuyết đậm đặc chất Hà Nội. “Phố vẫn gió” là tiểu thuyết mới nhất của nhà văn. Một cuốn tiểu thuyết đặc quánh chất Hà Nội từ không gian, thời gian, con người đến con chữ. Chị nhớ về Hà Nội xưa và ưu tư…

Mong Hà Nội sống chậm lại một chút ảnh 1

Hà Nội trong ký ức của chị là gì? Khi chị đi xa, chị nhớ gì nhất về Hà Nội? Một bóng nắng, một mùi hương, một phong vị nào đó. Hay một kỷ niệm…? Xin chị hãy kể một chút.

Tôi nhớ những chàng trai Hà Nội. Những chàng trai mình yêu mà không dám tỏ tình và những chàng trai tỏ tình mình lại không dám nhận. Nỗi nhớ về họ, kì lạ lắm, gắn với những hàng cây. Tôi nhớ hàng cây sao đầu phố Lò Đúc, nơi gia đình tôi sống. Buổi chiều, nắng quái làm thân cây rực lên màu nâu đỏ đỏ lộng lẫy, trầm tĩnh.

Gặp lại hàng cây, tôi chỉ thao thiết về một ngày xưa vời vợi. Tán của cây giờ bị chặt để những ngôi nhà mọc cao lên. Cây ngắn ngủn, không còn vẻ lộng lẫy, ưu tư trong nắng quái chiều.

Nhiều thứ để nhớ lắm. Nhớ xôi xéo bọc lá sen, muốn ăn ngon thì phải vò, phải nắm... Nhớ kem và những đứa trẻ nhặt que đổi kem ở hàng kem Tràng Tiền... Nhớ hiệu sách Hà Nội - Huế - Sài Gòn, đối diện là phòng trưng bày tranh Ngô Quyền. Nhớ sự thanh tĩnh của Hà Nội... 

Mong Hà Nội sống chậm lại một chút ảnh 2 Nhà văn Lê Minh Hà
Hà Nội khi chị trở về (cảnh vật, đường phố, cây cối, các hồ… nay ra sao...)? Chị có nhận xét gì?

Hà Nội bây giờ rất to và rất nhiều vùng quê trong đó. Bất giác, tôi nhớ một Hà Nội được bao quanh bởi những làng hoa. Cách đây 20 năm, khi người ta mua đất ở đó tôi đã giật mình. Khi những làng hoa biến mất tôi chỉ biết lặng đi mà tiếc.

Đó thực sự là mất mát, đâu chỉ của riêng thế hệ mình, mà còn của nhiều thế hệ Hà Nội khác. Có thể tôi đi chưa đủ nhiều, nhưng Hà Nội là thành phố duy nhất tôi biết có làng hoa bao quanh.

Bây giờ về lại Hà Nội, đi đâu tôi cũng hỏi đường, dù tôi đã gắn bó và thân thuộc với nơi này hàng mấy chục năm. Tôi như người đến Hà Nội chứ không phải người trở về Hà Nội nữa. Thủ đô có nhất thiết phải to như thế này không?  

Hà Nội nhốn nháo quá, ồn ào quá... Hà Nội phát triển quá nhanh và con người không bắt kịp nhịp sống đô thị, không được chuẩn bị để sống nhịp sống đô thị. Trong thâm tâm, định nghĩa về nhịp sống đô thị của tôi nó khác, không như những gì đang diễn ra ở Hà Nội. Nội hàm của nó phải là hồn cốt khác với một tầng lớp người khác. Chỉ khi nào định hình được các giá trị trên thì Hà Nội mới thực sự là đô thị. Một đô thị văn minh. 

Chị có nhận xét gì về con người Hà Nội? Người Hà Nội xưa, Hà Nội nay. Hà Nội vốn là một thành phố mở, người các nơi đổ về và gần đây đổ về ngày càng nhiều. Chị nghĩ sao về bản sắc người Hà Nội?

Đọc báo mạng, thấy người ta nói người Hà Nội ghê quá. Bản sắc người Hà Nội thể hiện trong những điều đơn giản, bình dị nhất: cách ăn, cách uống, cách nói...

Phù phiếm, màu mè trong ứng xử không phải người Hà Nội. Người Hà Nội là ai? Người Hà Nội cũng là người ngoại tỉnh dạt về đây mưu sinh. Hãy cư xử với họ như với người Hà Nội một thời. Họ sẽ trở thành người Hà Nội. Nhiều đời trước, người tứ xứ cũng đặt chân đến kinh kì. Họ mang những cái riêng tới, các giá trị cọ xát, va đập nhau.

Quá trình đào thải giữ lại những gì cần giữ. Cái đáng giữ trở thành giá trị chung, giá trị hôm nay ta muốn. Tôi nghĩ, giá trị mới cũng cần một khoảng thời gian nhất định, có lẽ vài chục năm để định hình. Con người nơi khác, khi đặt chân đến đây, cần niềm tin để cất công xây dựng những giá trị ấy.

Mong Hà Nội sống chậm lại một chút ảnh 3 Đường Cổ Ngư. Ảnh: Hồng Vĩnh
Chị mong muốn gì về Hà Nội, dưới góc độ là nhà văn, để Hà Nội xứng đáng là Thủ đô Việt Nam, để Hà Nội giữ được vẻ đẹp của nó?

Tôi không mong Hà Nội trở lại ngày xưa vì ngày ấy con người không được sống. Còn bây giờ người Hà Nội được sống chưa thì chỉ người Hà Nội mới trả lời được.

Tôi là người đi xa, tôi không nói được. Tôi chỉ mong những cái của ngày hôm nay tiến nhanh, tiến mạnh, tiến đến đỉnh và nó được định hình lại để tạo ra những giá trị mới cho người Hà Nội bây giờ. Người Hà Nội bây giờ gốc gác sẽ là Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh...

Điều tôi mong nhất là Hà Nội đừng nhốn nháo quá, đừng loạn xạ quá, đừng bẩn quá, đừng ồn quá. Tôi mong sông Hồng đừng cạn, mong phố mới có cây, mong con người nhẹ nhàng. Mong Hà Nội sống chậm lại một chút.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.