Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đón Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 3/9. (Ảnh: AP) |
Tổng thống Putin được đón tiếp trọng thị ở Mông Cổ, với các cuộc gặp lãnh đạo nước này và ký nhiều thỏa thuận hợp tác.
Theo các nhà phân tích phương Tây, cái được lớn nhất đối với nhà lãnh đạo Nga sau chuyến thăm là ông không bị bắt giữ ở Mông Cổ.
Là một thành viên của ICC, Mông Cổ có nghĩa vụ bắt giữ Tổng thống Putin khi ông đặt chân đến đất nước của họ.
Từ tháng 3/2023, ông Putin bị ICC ban lệnh bắt giữ vì cáo buộc liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Điện Kremlin không công nhận lệnh bắt giữ của ICC, và Mông Cổ chọn cách phớt lờ nghĩa vụ phải bắt giữ nhà lãnh đạo Nga, bất chấp sức ép từ ICC, Ukraine và phương Tây.
Trong chuyến thăm, Tổng thống Putin và người đồng cấp Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh ký các thỏa thuận về cung cấp năng lượng và sản phẩm xăng dầu, xây dựng lại một nhà máy thủy điện và bảo vệ môi trường.
Phát biểu sau khi chuyến thăm kết thúc tốt đẹp, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những tổ chức như ICC không thể hạn chế các quan hệ của Nga với “số đông trên toàn cầu”.
“Toàn bộ câu chuyện với ICC là họ không thể và sẽ không thể hạn chế việc phát triển quan hệ của Nga với các quốc gia đối tác và những tiếp xúc quốc tế”, hãng thông tấn Tass dẫn lời ông Peskov phát biểu ngày 4/9.
Theo các nhà phân tích, một quốc gia dễ bị tổn thương về kinh tế như Mông Cổ rơi vào thế khó khi phải chọn giữa một bên là tuân thủ phán quyết của ICC và một bên là làm sâu sắc quan hệ với nước Nga hùng mạnh, khi Mông Cổ vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu và khí đốt Nga. Mông Cổ cũng là nơi mà đường ống dẫn khí đốt dự kiến từ Nga sang Trung Quốc.
Bị phương Tây trừng phạt nặng nề vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đang tìm cách làm suy yếu các định chế mà phương Tây thống trị. Chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Mông Cổ là một cách để đạt được điều đó, các nhà phân tích đánh giá.
Elena Davlikanova, nhà phân tích tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu, viết trong bài phân tích đăng đầu tuần này, rằng việc Mông Cổ chọn cách phớt lờ nghĩa vụ với ICC là “ví dụ rõ ràng nhất cho sự bất lực của phương Tây trước chủ nghĩa thực dụng Nga”.
Một phát ngôn viên của Chính phủ Mông Cổ nói với trang tin Politico rằng, việc nước này phụ thuộc vào Nga về năng lượng khiến Ulaanbaatar rơi vào thế khó.
“Mông Cổ nhập 95% sản phẩm xăng dầu và hơn 20% điện từ nước láng giềng. Nguồn cung cấp này đóng vai trò rất quan trọng để bảo đảm sự tồn tại và cuộc sống của người dân chúng tôi”, người phát ngôn cho biết.
Trong chuyến thăm này, ông Putin mời Tổng thống Mông Cổ dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Kazan của Nga vào cuối tháng 10, và ông Khurelsukh đã nhận lời, báo chí Nga đưa tin.
Đầu tuần này, Liên minh châu Âu cho biết đã chia sẻ quan ngại của họ với chính quyền Mông Cổ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng dù Mông Cổ ở thế khó khi bị kẹp giữa hai nước láng giềng lớn, nhưng “điều quan trọng là họ phải tiếp tục ủng hộ pháp quyền trên thế giới”.
Sam Greene, một giám đốc tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu, cho rằng lý do lớn nhất của chuyến thăm này là nhằm thể hiện việc Tổng thống Putin có thể đến cả những quốc gia thành viên của ICC.