'Món nghệ thuật' đem lại chút vui trong mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để cân bằng lại những căng thẳng, lo lắng và cả sợ hãi mà COVID-19 mang lại, giới trẻ đã chủ động tìm ra những “món nghệ thuật” có khả năng đem lại chút niềm vui.

Bài hát đám cưới thống lĩnh bảng xếp hạng

Ca khúc có cái tên đậm mùi gen Z (thế hệ Z, chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1995-2010) “Rồi tới luôn” đã vượt mốc 10 triệu lượt nghe chỉ trong tuần đầu phát hành, đứng vị trí 28 trên tab thịnh hành YouTube, đạt hơn 18 triệu lượt nghe/xem.

Trên Zing MP3, ca khúc này cũng đang tranh đua vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Zing Chart. Chỉ trong thời gian ngắn, “Rồi tới luôn” thu hút hàng loạt ca sĩ cover. Những bản phối có mặt trên YouTube hầu hết đều lọt vào danh sách thịnh hành. Trên mạng xã hội, nhiều clip nhảy múa trên nền nhạc “Rồi tới luôn” cũng nhận được sự yêu thích nồng nhiệt từ khán giả.

Sự phổ sóng của “Rồi tới luôn” có biên độ rộng đến mức rất nhiều 7X, 8X phải cất công tìm hiểu về Hồ Phi Nal - tác giả, kiêm ca sĩ, một nghệ sĩ độc lập được chú ý thời gian gần đây với hit “Cô đơn dành cho ai” (top 3 Bảng xếp hạng, hơn 28 triệu lượt nghe).

“Rồi tới luôn” có giai điệu vui tươi, ca từ ngộ nghĩnh và dễ nhớ: “Em ơi em ở đâu anh mang trầu cau qua anh rước dâu luôn. Mai đây ta sang giàu, quá xá to thịt kho rau muống. Thắm thiết sẽ mặn nồng. Yêu thương lắm mênh mông. Vậy thì còn chần chờ chi nữa”.

MV được ra mắt dưới dạng một bức ảnh cưới kèm lời bài hát, không thể đơn giản hơn. Vậy điều gì khiến ca khúc này nhanh chóng chiếm sóng như vậy?

Nhạc sĩ Viruss đã hòa âm “Rồi tới luôn” bằng piano nhận xét: “Nal có giọng hài nhưng duyên dáng. Ban đầu nghe bài này tôi kỳ vọng bình thường thôi, không ngờ nó rất vui, đáng yêu, cực kỳ duyên. “Rồi tới luôn” chính là một kiểu bài đám cưới xập xình dành riêng cho khán giả miền Tây - Nam bộ”.

Tác giả bài hát Hồ Phi Nal cho biết: trong giai đoạn dịch bệnh, anh muốn mang đến nguồn năng lượng tươi vui, trẻ trung. Nhạc sĩ Xuân Cầm cho rằng “Rồi tới luôn” là một ca khúc “độc lập mới mẻ, thú vị”. Trong khi nhà sản xuất âm nhạc Masew nhận xét bài hát “dễ gây nghiện”.

Khi “Rồi tới luôn” thống lĩnh bảng xếp hạng trong nhiều tuần liền, bản thân Nal cũng sốc. Anh cho biết: “Tôi viết “Rồi tới luôn” khá nhanh, rồi tự trình bày. Phần âm nhạc được sản xuất nhờ sự hỗ trợ của một vài người quen. Quá trình làm việc cũng khá đơn giản. Tôi nghĩ đây là bước đi khá mạo hiểm trong giai đoạn này, khả năng 5 ăn 5 thua. Vì thế, khi ca khúc được yêu thích, tôi khá bất ngờ. Có lẽ, mọi người đang cần điều gì đó vui tươi thực sự để giải phóng những năng lượng tiêu cực”.

“Hội mỹ nhân U80” khiến dân mạng xúc động tập thể

Thực ra bộ ảnh về những “mỹ nhân U80” có tên “Oh We Bloom - Và những đoá hoa vẫn luôn nở rộ” do một nhóm các tình nguyện viên ở TP Hồ Chí Minh thực hiện từ trước khi thành phố thực hiện giãn cách, nhưng thời gian gần đây nó được “đào” lại và chia sẻ rộng rãi.

Trong ảnh là các cụ bà ở nhà dưỡng lão Vinh Sơn (trực thuộc Tu Viện Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, Bình Thạnh, Sài Gòn được thành lập từ năm 1997. Đến nay, nhà dưỡng lão đang cưu mang hơn 60 cụ bà trên 70 tuổi), những người không có người thân, không nhà cửa, nhiều trường hợp không có cả chứng minh nhân dân.

'Món nghệ thuật' đem lại chút vui trong mùa dịch ảnh 1

Người mẫu U80 trong bộ ảnh mang tên “Oh We Bloom - Và những đóa hoa vẫn luôn nở rộ”

Lý giải về yêu thích của mình dành cho bộ ảnh, Mai Nguyễn (TPHCM) cho biết: “Mặc dù cuộc sống cô đơn, bệnh tật nhưng tất cả người mẫu trong ảnh đều “tỏa” ra niềm hạnh phúc rạng rỡ. Bản thân họ là minh chứng sống cho quan điểm: dù cho ta già đi, điều đọng lại là những ký ức và tinh thần của một thời tuổi trẻ”.

Nhiếp ảnh gia Nhi Ngờ, người trực tiếp thực hiện bộ ảnh chia sẻ: “Em cũng chỉ là một nhân tố rất nhỏ được đóng góp vào dự án, và cố gắng làm tốt nhất khả năng của mình. Trong buổi chụp em được cùng các anh chị trong ê-kip trò chuyện, nắm tay dìu các cụ vào chỗ chụp được sắp xếp sẵn, có cụ đau khớp gối nên tụi em sắp xếp để các cụ ngồi, mà các cụ không than vãn, thay vào là cười rất tươi nữa.”

Khán giả Trần Ngọc bình luận: “Tôi không biết khi tôi già đi (chưa nói đến nghèo túng và cô đơn) tôi có còn đủ dũng khí và sự lạc quan để cười vui như các cụ hay không, nhưng rõ ràng, nụ cười của các cụ đã khiến những ngày ảm đạm này sáng sủa hơn nhiều”.

Bất ngờ về những cuốn sách bán chạy nhất

Không phải là những cuốn self help với các thông điệp rực lửa kiểu “dậy sớm để thành công” như giai đoạn trước nữa. Danh sách bán chạy nhất trong mấy tuần gần đây chính là những câu chuyện về tình yêu thương với văn phong, hình ảnh giản dị, nhẹ nhàng.

Sau thành công của cuốn sách tô màu “Tô bình yên, vẽ hạnh phúc” – cuốn sách tạo nên cơn sốt trên các bảng xếp hạng sách bán chạy, tái bản từ khi chưa phát hành, họa sĩ Kulzsc lần nữa trở thành tác giả bán chạy với cuốn “Mình chỉ là người bình thường”, một kết hợp khá thú vị giữa tản văn và sách tô màu.

“Mình chỉ là người bình thường” thực ra chính là một dạng nhật ký của chính tác giả, trong đó mọi thứ đều đẹp đẽ, kể cả may mắn, hay khó khăn, cô đơn, hay những rung động thật khẽ…

Tiến sĩ lịch sử nghệ thuật Nguyễn Trọng Hiếu:

Đại dịch khiến tất cả chúng ta phải nhìn nhận lại các giá trị nền. Có những thứ trước đây ta cho là quan trọng thì bây giờ đã không còn quan trọng nữa. Khi sống chậm, ta có nhiều thời gian hơn để nhìn vào bản thân, và đôi khi bắt buộc phải làm hòa với những thứ mình đang có (chứ không phải sẽ có). Trong trường hợp ấy, những giá trị chân thực, giản dị, những thứ dễ chạm đến trái tim sẽ trở thành nội dung tìm kiếm của ta. Với nghệ thuật cũng vậy!

“Mình nghĩ đơn giản thế này, áp lực của cuộc sống đã quá nhiều, bạn đừng vô tình tạo áp lực cho bản thân, theo kiểu năm này phải làm được điều này, đến tuổi này phải đạt được cái này cái kia, phải thật nhanh chóng thành công… Thật ra, cuộc sống không ép buộc bạn. (…) Trên đời này, chỉ có một điều mình thấy cần phải làm, đó là sống thật hạnh phúc”, Kulzsc viết.

Cùng thể loại “cổ súy yêu thương” chính là “Cây cam ngọt của tôi”, đứng thứ tư danh sách bán chạy nhất trên Tiki. Cuốn sách kinh điển này chính là tác phẩm bán chạy nhất trong lịch sử văn học Brazil. Năm 1968, chỉ vài tháng sau khi được xuất bản, “Cây cam ngọt” đã bán được 217.000 bản, từng được chuyển thành phim hai lần.

Một độc giả chia sẻ cảm nhận của anh sau khi mua “Cây cam ngọt của tôi”: Tôi đặt sách ngay sau khi thấy lời giới thiệu: Cuốn sách khiến ta nhận ra vẻ đẹp thực sự của cuộc sống đến từ những điều giản dị và rằng cuộc đời thật khốn khổ nếu thiếu đi lòng yêu thương và niềm trắc ẩn”. Đó chính là những thứ tôi cần trong lúc này, một cái gì đó ấm áp, giản dị và khiến ta tin vào những điều tốt đẹp”.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.