Trong Đông y, hoa atisô dùng trong các trường hợp đau gan, đau dạ dày, ăn uống không tiêu, sản phụ ít sữa, tiểu đường thống phong, thấp khớp, suy nhược cơ thể… Lá atisô vị đắng, có tác dụng lợi tiểu và được dùng trong điều trị bệnh phù và thấp khớp. Lá tươi hoặc khô sắc có tác dụng nhuận trường và lọc máu nhẹ đối với trẻ em. Thân và rễ atisô thái mỏng, phơi khô, công dụng giống lá.
Hoa atisô: món ăn, vị thuốc.
Một số món ăn, bài thuốc từ hoa atisô
Hoa atisô hấp: Mua hoa về nhớ rửa cẩn thận từng cánh dưới vòi nước chảy cho sạch. Nếu không thích vị đắng ở những cánh hoa già gần cuống, nên tỉa bỏ bớt. Xếp hoa vào vỉ hấp, bên dưới thả vài lá đinh hương, vài lát chanh tươi và nguyệt quế vào nước sôi, đậy kín, hấp nhỏ lửa trong nửa tiếng cho hoa vừa chín tới. Khi ăn, tách từng cánh hoa, chấm phần cùi thịt trắng với bơ, xì dầu dầm ớt.
Phần tim hoa mềm ngọt còn lại có thể dùng nấu tiếp thành các món canh, súp với khoai tây, nêm thêm rau mùi thơm và rắc chút tiêu cay cho thơm.
Atisô hầm móng giò: Chọn hoa atisô non, rửa sạch, chẻ dọc làm tư hay làm sáu, nhặt bỏ hết nhụy hoa bên trong, cuống hoa xắt lát mỏng. Giò hoặc móng lợn rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, ướp ngấm với nước mắm, hành tím, hạt tiêu, rồi hầm đến hơi mềm thì cho bông atisô và cuống hoa vào tiếp tục hầm tới khi móng giò mềm rục, nêm nếm cho vừa miệng, múc ra bát rắc thêm hạt tiêu, rau mùi, ăn nóng.
Hoa atisô không nên để lâu ngày sẽ kém hương vị, cũng không nên dùng nồi bằng nhôm hay gang để hầm khiến hoa bị mất màu, gây đắng.
Nếu không có hoa atisô tươi có thể mua atisô đóng hộp và chế biến món atisô trộn lạnh. Gọt lấy phần lõi đế hoa, hoặc chọn phần gốc mềm ở chân các lá bắc của hoa atisô thái miếng vừa ăn, rửa sạch để ráo. Hành tím xắt lát mỏng. Khoai tây, cà rốt luộc chín, thái khối vuông nhỏ. Phi thơm dầu ô-liu với tỏi băm, xào thịt cua vừa chín tới. Trộn đều atisô, khoai tây, cà-rốt, hành tím, thịt cua, hành mùi với sốt, muối, tiêu, dùng ngay hoặc để vào tủ lạnh dùng dần, ăn kèm với salad hay bánh mì.
Bác sĩ Thanh Lan