Sở VHTT tỉnh TT-Huế nêu quan điểm, đình Đệ Cửu (về sau có tên đình Phú Vĩnh) là một công trình có giá trị văn hóa lịch sử, là kiến trúc cộng đồng, tâm linh của người dân. Đặc biệt, ngôi đình gắn liền với quá trình, lịch sử mở rộng đô thị Huế lần thứ nhất và lần thứ hai. Do vậy, đình cần được giữ nguyên trạng bao gồm đình, la thành, trụ biểu, nhà bia, bia đá… Các giá trị kiến trúc văn hóa nêu trên không được tháo dỡ, không hạ cốt nền, dựa trên các yếu tố gốc, nhằm huy động các nguồn kinh phí để kịp thời gia cố, bảo vệ. Trước mắt, cần có các giải pháp lợp mái để che chắn đình, hạn chế sự xuống cấp, hư hỏng.
Trong văn bản mới đây gửi lãnh đạo tỉnh TT-Huế và cơ quan chức năng, Sở VHTT còn đề nghị Ban QLDA tỉnh - chủ đầu tư khu dân cư Bàu Vá 4 - cần điều chỉnh lại quy hoạch, trong đó, dành diện tích đất theo thiết kế quy hoạch phân lô của 8 lô đất trong khu vực đình Đệ Cửu phục vụ mục đích tâm linh, bảo tồn công trình lịch sử văn hóa, bảo đảm hài hòa giữa quy hoạch dân cư và cảnh quan ngôi đình. Sở VHTT cho rằng, đình Đệ Cửu (Phú Vĩnh) tuy chưa nằm trong danh mục bảo vệ và công nhận di tích, nhưng bản thân nó đã có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cấu thành di tích. Do đó, Sở này đề nghị UBND thành phố Huế chỉ đạo Phòng VHTT TP Huế, UBND phường Phường Đúc phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh, ban ngành chức năng tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng đình làng Phú Vĩnh là di tích lịch sử cấp tỉnh nếu đáp ứng các tiêu chí xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.
Liên quan vụ đình làng thời nhà Nguyễn có nguy cơ bị triệt giải để phân lô đấu giá, Tiền Phong là tờ báo đầu tiên phát hiện, phản ánh sự việc, nêu quan điểm đề nghị bảo tồn ngôi đình cổ từ phía chính quyền thành phố Huế và giới nghiên cứu văn hóa xứ Huế, qua đó, được đông đảo dư luận, cũng như cơ quan chức năng đồng tình.
Các giá trị kiến trúc văn hóa nêu trên không được tháo dỡ, không hạ cốt nền, dựa trên các yếu tố gốc, kịp thời gia cố, bảo vệ. Trước mắt, cần có các giải pháp lợp mái để che chắn đình, hạn chế sự xuống cấp, hư hỏng.