Mỗi năm có thêm hơn 100 cặp 'hôn nhân cận huyết'
5 năm trở lại đây, tại nhiều tỉnh miền núi, số cặp vợ chồng kết hôn cận huyết có xu hướng gia tăng. Ước tính trung bình mỗi năm nước ta có thêm ít nhất hơn 100 cặp vợ chồng kết hôn cận huyết.
Trong tổng số 18 cán bộ chủ chốt xã Bản Công, huyện vùng cao Trạm Tấu(Yên Bái) thì có tới 8 trường hợp có con cháu ruột tảo hôn và HNCH. |
Thông gia của chính mình
Hôn nhân cận huyết (HNCH) đã và đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều thôn bản vùng cao, nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ở một số dân tộc ít người như: Si La ở Điện Biên, Lai Châu; Lô Lô, Pu Péo ở Lào Cai; Rơ Mân, Brâu ở Kon Tum… cứ 100 trường hợp kết hôn thì có 10 trường hợp là HNCH, dẫn tới suy giảm rõ rệt về số lượng và chất lượng dân số.
Trong tổng số 18 cán bộ chủ chốt xã Bản Công, huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) thì có tới 8 trường hợp có con cháu ruột tảo hôn và HNCH. |
Bác sĩ Dương Minh Hiền – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Cao Bằng cho biết: “Tại Cao Bằng, tình trạng HNCH xảy ra nhiều nhất tại 3 huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thông Nông, trong đó dân tộc Dao chiếm 64%, Mông 61%, Tày 23%. Những dân tộc này có những tập tục, tập quán riêng, mà có trường hợp ông bác mới sinh con gái, bà cô (em gái) sang chơi mang cho vuông vải, phần để mừng cháu chào đời, phần cũng là “miếng trầu bỏ ngõ”, đánh dấu cô cháu gái tương lai sẽ trở thành nàng dâu của mình”
Trong năm 2012, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã thực hiện khảo sát tình trạng HNCH ở 44 xã của 9 huyện thuộc tỉnh Lào Cai và đã phát hiện 224 cặp kết hôn cận huyết. Bà Hoàng Thị Tráng – Trưởng ban Dân vận tỉnh Lào Cai đưa ra một thông tin “giật mình”, là có trường hợp một gia đình sinh được 2 con và cho cháu trai đi làm con nuôi. Nhưng khi lớn lên người con trai đó lại quay về và kết hôn với chính em gái của mình.
Những hệ lụy buồn
Huyện Kim Bôi (Hòa Bình), nơi có 90% dân số người Mường sinh sống đang là “điểm nóng” của tình trạng HNCH. Theo bác sĩ Bùi Văn Nghệ - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi, Hòa Bình), nguyên do là bởi người dân ở đây cứ thấy “ưng cái bụng” là nên vợ nên chồng, không qua xã đăng ký kết hôn, nên đã xảy ra nhiều hệ lụy, với tỷ lệ mang gen bệnh Thalassemia trên địa bàn là 27,7% (tương đương 1.200 người). “Toàn xã hiện có 10 em bị bệnh Thalassemia thì có 2 em đã tử vong, 8 em còn lại đang cần can thiệp truyền máu điều trị hàng tháng.
Câu chuyện về quan hệ kết hôn nội tộc của người Chứt ở bản Rào Tre, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng rất buồn. Cả bản có 32 hộ với 128 nhân khẩu, nên việc anh em họ tộc lấy nhau không là chuyện lạ, do quan niệm, phong tục tập quán và suy nghĩ của người Chứt còn thụ động. Hậu quả là người dân bị đau ốm khá phổ biến, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và tuổi thọ trung bình chỉ đạt gần 45 tuổi…
Theo Hòa Bình – Hoàng Thu
Dân Việt