Mồi lửa mới

Mồi lửa mới
TP - Trong một bước đi được chờ đợi, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Nga bằng việc bãi bỏ đạo luật năm 1974, theo đó yêu cầu cho phép các mối quan hệ thương mại bình thường với Matxcơva chỉ dựa trên cơ sở thường niên.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cái quy chế thương mại được gắn mác “bình thường vĩnh viễn” này lại không đi kèm các điều khoản về áp đặt những biện pháp trừng phạt nhằm gia tăng sức ép với Nga trong vấn đề nhân quyền.

Sau khi Matxcơva chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), việc Washington chấm dứt các lệnh cấm vận thương mại từ thời Chiến tranh Lạnh được coi là bước đi tất yếu để đảm bảo các doanh nghiệp Mỹ được bình đẳng tham gia và cạnh tranh với các nước khác trên sân chơi mới này.

Các chuyên gia kinh tế dự báo lượng hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Nga có thể tăng gấp đôi trong vòng 5 năm một khi các biện pháp hạn chế thương mại được dỡ bỏ.

Cái lợi về kinh tế xem ra không phải bàn cãi. Theo lẽ thường, chính giới và doanh nghiệp hai nước sẽ hoan nghênh quyết định này và cùng hoan hỉ rằng quan hệ thương mại song phương giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh này sẽ bước sang một ngã rẽ mới hứa hẹn hơn.

Song, vẫn luôn có một chữ “nhưng” sau mỗi mệnh đề để bắt đầu một mệnh đề mới. Mệnh đề đó là những điều khoản áp đặt những biện pháp trừng phạt của Mỹ với Nga liên quan tới vấn đề dân chủ - nhân quyền, là một trong những vấn đề gai góc trong quan hệ của hai nước lớn này.

Theo Washington, Matxcơva cần xem xét lại tình trạng vi phạm nhân quyền có liên quan tới cái chết của luật sư người Nga Sergei Magnitsky.

Và để tăng thêm sức nặng cho những lý lẽ này, Mỹ thông qua PNRT kèm các lệnh trừng phạt những cá nhân liên quan tới cái chết của ông Magnitsky (cụ thể là phong tỏa tài sản và không cấp thị thực nhập cảnh).

Vậy là, một lần nữa, với sự song hành khá kỳ quặc này, tính hai mặt lâu nay trong chính sách đối ngoại của Mỹ lại lộ rõ. Vì thế, nó vấp phải sự phản đối của Nga.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ dự luật hỗn hợp này hoàn toàn không thân thiện, khiêu khích và là một hành động đơn phương, phương hại tới các quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Cái gọi là “bình thường vĩnh viễn” ấy cần phải được xem xét. Động thái nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai cường quốc hóa ra lại biến thành mồi lửa cho một mâu thuẫn mới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG