Mỗi cuộc nhậu là một trận chiến

Mỗi cuộc nhậu là một trận chiến
TP - Rượu bia quá đà có thể gây xích mích, bất hòa, làm tổn thương tình cảm với người thân, bạn bè. Rượu bia quá đà có thể gây bệnh, thay đổi tâm tính, tiêu tốn tiền bạc, băng hoại đạo đức.

> Rượu bia gây bệnh hiểm nghèo như thế nào?

Rượu bia quá đà có thể cướp đi mạng sống người vô tội. Rượu ở ta có mặt mọi lúc, mọi nơi, chia vui cũng như giải sầu. Uống thế nào là đủ, là vui?

Tham gia nhiều cuộc nhậu nhưng tôi vẫn chưa thể quen được cái cách uống rượu của đám bạn: Khó từ chối, uống say bí tỉ, uống chết bỏ, đứ đừ thì mới thôi.

Nâng chén lên “một, hai, ba… uống”, không cạn là bị nói khích, nói đểu, nào “khinh người”, “kém nhiệt tình, “mặc váy”… Đang giờ làm việc bị gọi đi uống, từ chối là đám bạn lại bảo “mỗi mình mày bận à”.

Thế là 5 phút gọi một lần, thay nhau gọi, nhắn tin cho phải đến mới thôi. Đến chậm thì “vào ba” (uống ba chén rượu hoặc ba cốc bia nhập mâm), nếu về sớm thì “ra bảy” (bảy chén rượu hoặc bảy cốc bia trước khi rời mâm). Tôi vô cùng kinh hãi, trận nào về đầu cũng đau như búa bổ, nôn ọe, khạc nhổ ầm cả nhà, mai đi làm người rã rời.

Uống thì thi nhau uống, ép nhau uống, say thì càn quấy, gây mất trật tự, ít nhất là trong quán. Ra về thì phi xe ầm ầm, khăng khăng không đi taixi, không cho ai cầm lái. Cứ mỗi lần đi uống rượu với tụi nó là lo ngay ngáy, ngộ nhỡ có chuyện gì như ngộ độc, gió máy, va chạm trên đường.

Đến chậm thì “vào ba” (uống 3 chén rượu hoặc 3 cốc bia nhập mâm), về sớm thì “ra bảy” (7 chén rượu hoặc 7 cốc bia trước khi rời khỏi mâm). Tôi vô cùng kinh hãi, trận nào về đầu cũng đau như búa bổ, nôn ọe, khạc nhổ ầm cả nhà, mai đi làm người rã rời...

Gọi điện cho từng đứa rồi mới yên tâm đi ngủ. Có lần uống không nổi đã nói lý với chúng nó: “Uống là tự nguyện, uống cho vui, xả stress, đừng ép nhau, mệt lắm”. Chúng nó quật thẳng mặt: "Uống là hết mình. Thằng nào không uống thì về. Không phải dạy đời”.

Rất nhiều lần ngồi ở quán bia mà tôi nghĩ đang ngồi đâu đó ở “chiến trận”, đầu căng như dây đàn. Mấy thằng bạn mình thì say sưa chém gió, không coi ai ra gì. Mấy người ngồi mâm bên cạnh thì khó chịu ra mặt. Cảm tưởng có cái gì đó thiếu kiểm soát là cốc bay, chén bay, ẩu đả ngay. Kinh khủng. Thế mà vẫn phải ngồi, thi thoảng can gián kiểu “nói nhỏ thôi”, “uống ít thôi”, “về được rồi”… đều bị bỏ ngoài tai hết. Dứt được cuộc rượu mà về thì tôi cũng “thân tàn ma dại”.

Cứ có điện thoại reo vào cuối giờ làm, hay ngày nghỉ là lo lắm. Lo vì từ chối được cũng mệt mỏi. Mẹ thì khi nào cũng lo “Uống bia rượu đừng có nói móc nói máy con nhé, đánh nhau như chơi đấy”.

Có những người bình thường hiền lành, chuẩn rượu vào trở thành con người khác, khó tính, hung hăng, càn quấy, bệ rạc không nhận ra nữa.

Cứ mỗi lần chủ động đi uống rượu, tôi vẫn thường gọi vài người bạn hợp tính, ngồi nhâm nhi, nói chuyện công việc và sở thích. Uống vừa đủ, nói vừa đủ rồi về ăn cơm, hoặc đi ngủ. Tôi thích thế. Mình uống cho vui, chứ không uống lấy được, như chúng nó trêu nhau “uống để có cái mà nôn”. Chả hiểu uống thế để làm gì nữa.

Uống rượu vô tội vạ và uống cho say, cho chết đứ đừ như ở ta thì thật là không hiểu nổi. Cứ giỗ chạp, lễ Tết nhà nào cũng lo ngay ngáy nếu có một vài nam nhân mê tửu. Có nhiều người vợ, người mẹ cứ nghe đánh nhau, tai nạn là hồn bay lên ngọn cây vì nhà có người nghiện rượu suốt ngày la cà. Rượu thực sự đang làm ảnh hưởng cuộc sống của con người một cách khủng khiếp mà không phải lúc nào cũng đo đếm được.

Tết sắp đến, ra đường cứ thấy mấy anh đỏ mặt là tránh cho lành. Sợ nhất mấy tay Chí Phèo.

ANH DŨNG
Hà Nội

Mời tham gia Diễn đàn BIA RƯỢU: THUỐC BỔ - THUỐC ĐỘC

Rượu bia quá đà có thể xích mích, gây bất hòa, làm mất tình cảm tốt đẹp với người thân, bạn bè.

Rượu bia quá đà có thể gây bệnh, thay đổi tâm tính, làm thiệt hại kinh tế, băng hoại đạo đức. Rượu bia quá đà có thể cướp đi mạng sống người khác, của chính mình.

Rượu ở nước ta có mặt mọi lúc, mọi nơi, chia vui cũng như giải sầu. Uống thế nào là đủ, thế nào là vui? Cách nào quản lý bia rượu, tránh sử dụng tràn lan như hiện nay? Cách nào để thay đổi thói quen uống bia rượu “vô tội vạ” của người Việt?...

Hãy cùng chúng tôi thảo luận, góp thêm tiếng nói để thay đổi tình trạng này, đặc biệt là thêm lời cảnh tỉnh khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Bài tham gia Diễn đàn Bia rượu – Thuốc bổ - Thuốc độc, gửi về thư điện tử Thegioitre@tienphong.vn hoặc Ban Thanh niên 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Tiền Phong

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG