Mối bận tâm về Trung Quốc trong NATO

(từ trái sang) Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ngày 4/12 ở Anh. (Ảnh: EPA)
(từ trái sang) Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ngày 4/12 ở Anh. (Ảnh: EPA)
TPO - Mỹ đã lái các đồng minh NATO ở châu Âu xác định Trung Quốc là một mối đe dọa chiến lược, lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm của liên minh quân sự này.

Nỗ lực của Washington đồng điệu với quan ngại ngày càng gia tăng của các nước ở Trung và Đông Âu, báo SCMP dẫn thông tin tiết lộ từ các nguồn tin ngoại giao. 

Tuy nhiên, một số lãnh đạo các nước châu Âu khác vẫn giữ Trung Quốc bên phía mình, ít nhất trong chừng mực nhất định, sau khi cuộc gặp thượng đỉnh của NATO ở Anh bế mạc hôm qua. 

Sức mạnh toàn cầu ngày càng lớn của Trung Quốc “mang lại cả cơ hội và thách thức”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói hôm 4/12 và dẫn ra chuyện Trung Quốc gia tăng xây dựng sức mạnh quân sự. 

Một nguồn tin ngoại giao giấu tên nói với SCMP rằng các nước nhỏ hơn ở châu Âu “ngày càng cảm thấy sức nóng từ sự hiện diện của Trung Quốc”. 

“Mỹ và các nước châu Âu nhỏ hơn phối hợp với nhau để đưa chủ đề Trung Quốc vào thượng đỉnh NATO”, nguồn tin tiết lộ. 

Trong tuyên bố đưa ra để bế mạc hội nghị, các lãnh đạo NATO nói: “Chúng tôi công nhận rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và các chính sách quốc tế tạo ra cả cơ hội và thách thức mà chúng ta cần cùng nhau giải quyết như một liên minh”. 

Dù Mỹ và ở chừng mực nào đó là cả Pháp đều quan ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, sự đồng thuận chung của NATO nhấn mạnh những đe dọa về an ninh mạng. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng Trung Quốc không nên bị xác định là kẻ thù theo nghĩa về quân sự, vì khái niệm này thường sử dụng cho những tổ chức khủng bố như IS hay al-Qaeda. Ông Macron cho rằng Trung Quốc “không nên là đối tượng của hành động phòng vệ tập thể của chúng ta...theo ý nghĩa về quân sự”. 

Bà Julie Smith, một cố vấn ninh quốc gia của ông Joe Biden khi ông còn là phó tổng thống Mỹ, nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc mà NATO cần bận tâm. 

“Các lãnh đạo NATO nên giao nhiệm vụ cho liên minh xử lý nhiều vấn đề nữa”, báo The Sunday Times ở London dẫn lời bà Smith. 

“Hàm ý của việc Trung Quốc gần đây mua lại các cảng ở châu Âu là gì? Liên minh nên lo ngại như thế nào về quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa Trung Quốc và Nga? Đầu tư lớn của Trung Quốc vào trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến NATO như thế nào về công nghệ?” bà Smith nói. 

Mỹ cũng tiếp tục thúc ép các nước châu Âu không để tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia phát triển mạng công nghệ di động 5G. 

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, người ký thỏa thuận trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai Con đường với Trung Quốc vào đầu năm nay, được Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ là người có quan điểm hoài nghi về Huawei. “Tôi thự sự nghĩ (Huawei) là một rủi ro an ninh, một rủi ro về an ninh”, ông Trump nói. 

“Tôi nói chuyện với Italy và họ có vẻ sẽ không tiếp tục với Huawei”, ông Trump nói khi đang đứng cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đang cưỡng lại dư luận trong nước về việc cần loại bỏ hoàn toàn tập đoàn Trung Quốc này. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng từ chối gạt bỏ Huawei, dù ông nhấn mạnh rằng không được thỏa hiệp vấn đề an ninh quốc gia trong nỗ lực phát triển mạng 5G. 

“Về Huawei và 5G, tôi không muốn đất nước này trở nên thù địch không cần thiết đối với đầu tư từ nước ngoài”, ông Johnson nói với báo giới. 

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG