“Nếu Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tung ra lượng cổ phiếu lớn hơn nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể… vỡ trận”, ông Tiến khẳng định tại buổi họp báo chuyên đề về cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước chiều 23/12, do Bộ Tài chính tổ chức.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phiên đấu giá cổ phần Vinamilk thành công hay thất bại, ông Tiến cho rằng, phiên đấu giá đã thành công, khi bán được số lượng lớn theo mức giá đưa ra. Theo ông Tiến, nếu nói mức giá 144.000 đồng/cổ phiếu là cao thì chưa đúng, nếu cao sao nhà đầu tư nước ngoài họ vẫn mua vào? “Nếu bán lần này chưa hết, sang năm chúng ta bán tiếp”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, phiên đấu giá cổ phiếu hôm 12/12 của Vinamilk diễn ra vào thời điểm bất lợi, khi các nhà đầu tư thế giới chốt sổ sách để nghỉ lễ năm mới. Ngoài ra, khi gần tới ngày tổ chức đấu giá trong nước có một số ý kiến bất lợi về việc bán cổ phần của SCIC, nên có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Ông Tiến đơn cử, trước đây, khi Tập đoàn Than Khoáng sản bán trái phiếu ra nước ngoài, đúng ngày đấu giá thì xảy ra vụ Vinashin, các nhà đầu tư họ chạy hết, dù giá than thế giới thời điểm đó đang cao, lại được Chính phủ bảo lãnh.
Với quy mô thị trường tài chính trong nước hiện nay, năm 2017 ngoài cổ phiếu Vinamilk, còn thêm cổ phiếu của Sabeco, Habeco, tất cả đều rất lớn. Từ thương vụ bán cổ phiếu Vinamilk, Bộ Tài chính đã rút ra không ít kinh nghiệm, đặc biệt, trong công tác tuyên truyền phải thống nhất, tránh gây hoang mang cho nhà đầu tư.