Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam:

Mộc bản Triều Nguyễn

Mộc bản Triều Nguyễn
TP - Mộc bản Triều Nguyễn vừa được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới cuối tháng Bảy vừa qua. Mộc bản chứa đựng nhiều thông tin liên quan đến chủ quyền biên giới, hải đảo Việt Nam, nên khai thác giá trị của nó hiện tại là cả vấn đề lớn.

Tiền Phong có cuộc trò chuyện cùng TS Vũ Thị Minh Hương - Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ (Bộ Nội vụ), trưởng ban điều phối Chương trình Ký ức Thế giới của Việt Nam.

Mộc bản Triều Nguyễn ảnh 1
Mộc bản Triều Nguyễn


Người Việt quý trọng chữ nghĩa, nhưng đến giờ chúng ta mới có di sản tư liệu thế giới đầu tiên. Xin bà cho biết lộ trình hồ sơ của Mộc bản Triều Nguyễn?

Chương trình Ký ức Thế giới được khởi xướng từ năm 1992, nhưng với Việt Nam, chương trình này ít được biết đến. Sau một thời gian khi thì do Cục Văn thư Lưu trữ, lúc lại là Viện Thông tin Khoa học Xã hội, rồi Bộ VH-TT (cũ) đảm trách hồ sơ Mộc bản Triều Nguyễn, đến năm 2005, Ủy ban UNESCO quốc gia Việt Nam đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức Thế giới của Việt Nam.

Mộc bản Triều Nguyễn ảnh 2
TS Vũ Thị Minh Hương - Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ, trưởng ban điều phối Chương trình Ký ức Thế giới của Việt Nam

Tuy nhiên, việc thành lập phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó Ủy ban UNESCO quốc gia Việt Nam ra quyết định thành lập ban điều phối Chương trình Ký ức Thế giới ngày 26/11/2006 - tiền thân của Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức Thế giới của Việt Nam sau này.

Từ khi ban điều phối ra đời, có nhiều hoạt động hiệu quả và tích cực hơn về những gì liên quan di sản tư liệu với những cuộc hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao hiểu biết về chương trình này, nhất là cho khối bảo tàng, lưu trữ và thư viện trong nước.

Năm 2007, tại cuộc hội thảo có sự hiện diện của chuyên gia từ UNESCO châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam trình lên hai hồ sơ: Mộc bản Triều Nguyễn và bộ sưu tập bưu ảnh Đông Dương hiện bảo quản tại Thư viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng hồ sơ Mộc bản Triều Nguyễn và các khối tư liệu bưu ảnh Đông Dương, các cơ quan tham gia đều phải khai vào mẫu hồ sơ rất chi tiết. Bản thân Cục Văn thư Lưu trữ đã chỉ đạo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 (đơn vị bảo quản khối tài liệu Mộc bản) kê khai tỷ mỷ về nội dung, chất liệu, thời gian, đặc biệt là tính độc đáo của vật mang tin. Tính độc đáo của Mộc bản Triều Nguyễn là chất liệu gỗ.

Chương trình Ký ức Thế giới đưa ra nhiều tiêu chí như thời gian, tác giả sản sinh ra tài liệu, vật mang tin, tầm ảnh hưởng của quốc gia. Đối với Mộc bản Triều Nguyễn, chúng tôi nhấn mạnh về tiêu chí vật mang tin.

Thứ hai, về mặt thời gian, Mộc bản là của triều Nguyễn, triều đại kéo dài từ 1802 đến 1945. Trong khoảng thời gian này, hiếm tài liệu còn lưu lại được ở Việt Nam. Mộc bản là bản khắc in ngược bằng chữ Hán - Nôm trên gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo, dùng để in ra thành sách, hiện còn 34.618 tấm phản ánh nội dung mọi lĩnh vực, chính trị xã hội, lịch sử, địa lý, quan hệ quốc tế, văn chương...

Riêng về pháp luật còn lại nhiều cuốn rất quý như Đại Nam Thực lục Chính biên, Đại Nam Thực lục Tiền biên, Hoàng Việt luật lệ,… Hội đồng Tư vấn Chương trình Ký ức Thế giới làm việc liên tục từ 28 đến 30/7 tại một địa điểm bí mật, không phải ở Paris. Ngày 30/7, Mộc bản Triều Nguyễn được công bố là một trong 35 di sản tư liệu thế giới năm 2009.

Danh hiệu này được công bố bao nhiêu năm một lần?

VN chắc còn nhiều tư liệu quý giá chưa được xây dựng hồ sơ và đệ trình.

Điều này thật đáng tiếc, vì chương trình này mở rất rộng, không chỉ các cơ quan mà cá nhân cũng có quyền làm hồ sơ và đề xuất.

Chúng tôi khuyến khích các cá nhân đến Cục Văn thư Lưu trữ nhận hồ sơ và mô tả di sản tư liệu mà mình có hoặc biết rõ.

Hội đồng Tư vấn Chương trình Ký ức Thế giới làm việc hai năm/lần. Nhưng, xen kẽ vào đó, các ủy ban di sản tư liệu của khu vực vẫn làm việc. Bởi thế, chúng tôi vẫn đệ trình hồ sơ 82 văn bia ở Quốc Tử Giám - Hà Nội lên ủy ban khu vực.

Ngày 30/9 tới, ủy ban này sẽ tiếp nhận hồ sơ và xem xét vào dịp cuối năm. Nếu thuận lợi, 82 văn bia sẽ được xem xét, sau đó công bố giữa năm 2010. Đó sẽ là món quà ý nghĩa cho dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thực ra, danh hiệu của khu vực không thể bằng danh hiệu thế giới. Nhưng như thế mới có cơ hội được công nhận vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long (danh hiệu của khu vực không thể bằng danh hiệu thế giới, nhưng có cơ hội đúng vào dịp đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long).

Hiện nay, chúng tôi đang giúp đỡ khu di tích Quốc Tử Giám hoàn thiện bộ hồ sơ này sau cuộc hội thảo tháng Bảy vừa qua.

Di sản tư liệu cần sự tỷ mẩn vì dính tới ký tự. Sự phức tạp khi làm hồ sơ Mộc bản Triều Nguyễn là gì?

Chúng tôi vừa nằm trong ban điều phối, lại đang lưu trữ Mộc bản. Phải khai đầy đủ hồ sơ theo mẫu mà UNESCO ban hành, không được bỏ sót tiêu chí nào.

Trên cơ sở đó, cần nhấn mạnh tiêu chí nào thì khai thật kỹ tiêu chí đó. Với tài liệu Hán Nôm, cần nhấn mạnh tiêu chí vật mang tin, thời gian, và nội dung. Đối với 82 văn bia Quốc Tử Giám, chúng ta cũng có thể bám vào những tiêu chí ấy, bởi những chữ Hán khắc trên đá là những giá trị rất tiêu biểu.

Trong khi khai hồ sơ, chúng ta cũng nên có những liên hệ so sánh. Chẳng hạn Hàn Quốc, Trung Quốc đều có mộc bản và bia đá. Vậy cái độc đáo của chúng ta là gì?

Quyền lợi của Mộc bản Triều Nguyễn sau khi được công nhận di sản tư liệu thế giới là gì, thưa bà?

Mộc bản sẽ được tăng cường bảo tồn bản gốc và sao lưu phục vụ việc khai thác quảng bá, in ấn. Cần nói thêm rằng, sau 1 - 2 năm, cơ quan quản lý của Việt Nam không có những biện pháp gìn giữ bảo tồn xứng đáng danh hiệu này thì Hội đồng Tư vấn của Chương trình Ký ức Thế giới có thể xem xét tước bỏ danh hiệu.

Lần đầu tiên Việt Nam gửi hồ sơ di sản tư liệu thế giới và được công nhận. Đó là niềm vui không của riêng chúng tôi. Chúng hỗ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu lịch sử đất nước cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Việc khai thác Mộc bản khi nó đã là di sản tư liệu thế giới, sẽ như thế nào?

Những tài liệu lưu trữ quốc gia không liên quan bí mật biên giới, hải đảo thì mọi người Việt Nam và người nước ngoài đều có thể tham quan, nghiên cứu.

Mộc bản Triều Nguyễn đã được in thành sách, số hóa nhưng chưa được đưa lên mạng Internet vì chưa phân loại xong cái nào là bí mật, cái nào không.

Thưa bà, trong số Mộc bản có những bản nói về Vạn lý Hoàng Sa. Số tài liệu này chắc được coi là bí mật?

Những tài liệu về Hoàng Sa không chỉ lưu dạng mộc bản mà còn ở dạng châu bản đang được bảo quản tại Cục Văn thư Lưu trữ. Tuy nhiên, muốn sao chụp tài liệu về Hoàng Sa phải được sự cho phép của Ban biên giới - Bộ Ngoại giao. 

MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.