Tuy nhiên, những ai nghĩ rằng VĐV lớn tuổi sẽ thua kém thành tích người trẻ ắt sẽ phải nghĩ lại nếu chứng kiến những chân chạy khỏe không kém thanh niên tuổi đôi mươi trong ngày 25/3 tới đây.Anh Trịnh Nam Hải, một VĐV thuộc nhóm tuổi trên 40 hiện sinh sống ở Hà Nội đăng ký tham dự nội dung marathon nam, là một trong những trường hợp điển hình như thế.
Tìm động lực chạy bộ hàng ngày
“Trước đây tôi cũng có tham gia các hoạt động thể dục thể thao như đá bóng, cầu lông. Tuy nhiên, các môn thể thao này đòi hỏi về các điều kiện như phải có người chơi cùng, thời gian cố định nên tôi quyết định chọn một môn đơn giản, có thời gian linh hoạt. Và chạy bộ là môn thích hợp với tôi nhất lúc bấy giờ”, anh Hải bộc bạch về lý do mình đến với chạy bộ.
Cách đây 3 năm trong một chuyến du lịch xuyên Việt cùng gia đình, anh Hải chợt nhận ra sức khỏe của bản thân đang xuống dốc rất nhanh. Ngay sau khi về, anh bắt đầu tập chạy.
Cứ chạy mãi chỉ được loanh quanh vài kilomet nhàm chán, anh Hải không chắc mình có thể duy trì chạy bộ được mãi. Một ngày nào đó chẳng sớm thì muộn sẽ bỏ chạy mất.
Trăn trở với ý nghĩ mình còn tiếp tục chạy được bao lâu, anh Hải đã thử tìm kiếm “Cách tạo động lực chạy bộ hàng ngày” trên Google và vô tình tìm thấy nhóm Hội những người thích chạy đường dài (LDR) trên mạng xã hội Facebook vào năm 2015.
“Tôi đã đọc tất cả các bài viết chia sẻ ở nhóm LDR và nhận ra rằng chạy bộ hóa ra còn rất nhiều điều để mình khám phá, tìm hiểu. Tôi rất ngưỡng mộ các bạn chạy ở đó. Tất cả đều truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều”, anh chia sẻ.
Sau một thời gian tập luyện, sức khỏe của anh Hải dần cải thiện thấy rõ. Quãng đường anh chạy được ngày càng xa hơn và nhanh hơn. Đến nay, anh Hải đã tham gia khoảng một chục giải marathon và bán marathon ở khắp miền Bắc.
Giải marathon đầu đời của anh tại Long Biên (Hà Nội) khiến anh Hải không thể nào quên. “Lần đầu tiên tôi biết được sự khắc nghiệt của cự ly marathon như thế nào. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết nếm mùi chuột rút là gì. Sau 20km đầu tiên với pace trung bình cỡ 4:50 (tốc độ 4 phút 50 giây / 1km - PV), tôi bắt đầu bị chuột rút. Có những lúc tôi phải nằm lăn ra đường. Cho đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu điều gì có thể giúp tôi vượt qua 20km còn lại với tình trạng chuột rút ngày một tăng”.
Hướng đến kỷ lục cá nhân
Là lãnh đạo của một công ty sản xuất của Nhật tại Việt Nam, anh Hải không dư dả thời gian để tập luyện. Để giảm tối đa ảnh hưởng đến gia đình và công việc, VĐV sinh năm 1972 này đã cố gắng thu xếp dậy sớm để chạy.
Tại Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong năm 2018, anh Hải đăng ký tham gia cự ly marathon vì với anh, nó đủ dài để thử thách ý chí của người chạy. Viễn cảnh được so giày với các VĐV hàng đầu quốc gia như Long Marathon (tên nhà cựu VĐQG Nguyễn Văn Long trên Facebook) hay Vũ Văn Sơn (Ninh Bình), Thế Anh, Trịnh Quốc Lượng (Quân Đội) và nhiều VĐV sừng sỏ khác...khiến anh Hải cảm thấy hào hứng.
“Được chạy cùng các Elite (VĐV đỉnh cao) của Việt Nam ở giải chạy việt dã lâu đời nhất Việt Nam là điều rất đặc biệt. Tôi đã theo dõi thông tin của giải chạy này ngay từ năm 2017. Khi có thông tin chính thức của giải năm 2018 tôi liền đăng ký ngay”, anh nói.
“Tôi không đặt mục tiêu cụ thể nào, nếu đẹp trời có thể tiệm cận thành tích cá nhân tại giải chạy tôi đã từng tham gia ở Trung Quốc (3h17’15”). Vượt qua mốc thời gian này rất khó. Tôi mạnh dạn đặt mục tiêu 3h30’ cho lần này”. Để dễ hình dung, mục tiêu 3 giờ 30 phút xấp xỉ thành tích hạng 3 nữ (VĐV Lê Thị Thoa) môn marathon tại giải điền kinh VĐQG 2017 và anh Hải hoàn toàn có thể hướng đến giải Nhất nhóm tuổi trên 40.
Trước khi lên đường đi Buôn Ma Thuột, anh nhắn nhủ: “Cá nhân tôi rất vui vì là một VĐV của giải việt dã lâu đời nhất Việt Nam. Tôi sẽ thi đấu nỗ lực để mọi người thấy được vẻ đẹp của marathon, qua đó có thể một phần nào đó truyền cảm hứng cho mọi người, để lôi kéo nhiều người hơn nữa tham gia các hoạt động thể thao nói chung, chạy bộ nói riêng”.