Mơ về một Tây Nguyên xanh mãi

Nhiều cánh rừng tự nhiên ở Đắk Nông bị tàn phá lấy đất sản xuất.
Nhiều cánh rừng tự nhiên ở Đắk Nông bị tàn phá lấy đất sản xuất.
TP - Rừng Tây Nguyên- “Lá phổi xanh” đặc biệt quý giá xưa nay đã góp phần điều hòa nguồn nước, cân bằng sinh thái và môi trường không chỉ trên cao nguyên mà còn cho các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và toàn bộ vùng hạ lưu sông Mê Kông. Thực trạng rừng Tây Nguyên bị tàn phá, nhanh chóng suy giảm, khiến việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp quản lý rừng bền vững trở nên cấp bách hơn bao giờ hết!

Kỳ I - Thực trạng đau lòng

Số liệu từ Tổng cục Thống kê và tổng hợp từ Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy: Năm 1975 dân số Tây Nguyên khoảng 1,2 triệu người, 18 dân tộc. Tới nay, Tây Nguyên đã có đến 5,6 triệu người, gần như đủ cả 64 dân tộc anh em, là khu vực có tỉ lệ tăng dân số cơ học cao nhất cả nước.

Sức ép

Tuyệt đại đa số dân di cư tự do (DCTD) lên Tây Nguyên suốt nhiều thập kỷ qua là nông dân nghèo, cần đất canh tác. Vậy nên, riêng phần diện tích rừng tự nhiên biến thành nương rẫy lên con số khổng lồ. Đây là lý do cơ bản nhất, trong các nguyên nhân làm mất rừng tự nhiên. Cái vòng đói nghèo luẩn quẩn ở những vùng dân DCTD thiếu đất canh tác, ít học, con đông dẫn đến tiếp tục phá rừng.

Hồi âm qua email cho Tiền Phong về hiện trạng rừng trên phạm vi quốc gia của ông Nguyễn Quốc Trị- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp kiêm Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cho thấy: so với cả nước, rừng Tây Nguyên suy giảm nhanh hơn hẳn cả về số lượng lẫn chất lượng. 

Theo quyết định công bố hiện trạng rừng đến ngày 31/12/2016 của Bộ NN&PTNT, ký ngày 16/5/2017, thì Tây Nguyên, có tổng diện tích có rừng 2.558.646 ha, giảm 3.170 ha so với năm 2015. Trong đó: Rừng tự nhiên 2.234.441 ha, chiếm 87,33%, giảm 11.473ha; Rừng trồng: 324.204 ha, chiếm 12,67%, tăng 8.304 ha so với năm 2015; Độ che phủ rừng đạt 46,01%, giảm 0,07% so với năm 2015.

Ai từng gắn bó với rừng đều hiểu: rừng tự nhiên vốn đa dạng, phong phú các giống loài động thực vật, có giá trị cân bằng sinh học, điều hòa khí hậu và môi trường hơn hẳn so với rừng trồng nghèo nàn đơn điệu. Vì rừng trồng có chu kỳ thu hoạch nhanh, các loại cây như tràm hoa vàng, keo tai tượng chỉ vài ba năm cắm xuống đã có thể chặt, bán.

Nhằm ngăn chặn tốc độ đẩy lùi rừng tự nhiên, gần 20 năm qua nhiều mô hình giao khoán quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) cho cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân… được triển khai trên khắp địa bàn Tây Nguyên. Nhưng thực tế phũ phàng ai cũng thấy, là đa số các mô hình QLBVR này đều lần lượt thất bại. Nếu không vì chính những người được giao QLBVR lại đi phá rừng để lấy đất canh tác hoặc bán đất, bán gỗ, thì cũng vì họ bất lực trước đủ loại thủ đoạn phá rừng tinh vi khác nhau.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tổng diện tích rừng, đất rừng các tỉnh Tây Nguyên đã giao quản lý, sử dụng tới nay lên đến gần 2,9 triệu hécta, chiếm hơn 87,8% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Trong đó, giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 1,2 triệu hécta (chiếm 40%), giao cho các tổ chức là 1,24 triệu hecta (chiếm 37,3%) và giao cho các UBND xã gần 368.000ha (chiếm 20,7%).

Riêng tại Đắk Lắk, tỉnh giao khoán gần 36.056 ha rừng, đất rừng cho 5.026 gia đình, cộng đồng quản lý và bảo vệ. Qua kiểm tra, thấy hơn 10.610 ha rừng trong số này đã bị phá, bị lấn chiếm trái phép. 

Hỏi chuyện các hộ nhận khoán QLBVR nhưng lại để rừng bị phá nát, hầu như ai cũng nói khi họ được giao, thì nơi này đã là rừng nghèo sau khai thác cạn kiệt, không còn trữ lượng gỗ. Yêu cầu dân nghèo không có nguồn thu nhập ổn định phải ôm bụng đói để bảo vệ, chờ rừng tái sinh, là điều không thể !

Mơ về một Tây Nguyên xanh mãi ảnh 1 Rừng tự nhiên bị chặt phá ở huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai.

Nhận rừng để... cưa cây, bán đất!

Theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, người nhận khoán rừng được hưởng lợi toàn bộ sản phẩm trên diện tích rừng được giao, ngoài ra còn được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo chính sách khuyến lâm, khuyến nông, hỗ trợ lương thực, cấp năm triệu đồng làm nhà ở, năm triệu đồng để khai hoang diện tích đất sản xuất nông nghiệp, 400 nghìn đồng xây dựng bể nước sinh hoạt, cùng nhiều chính sách ưu đãi khác.

Lợi dụng chính sách này, không ít nơi trên Tây Nguyên đã giao hàng chục hécta rừng và đất rừng cho... cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện để họ thuê người khai hoang, bán gỗ, canh tác, sử dụng. Nhiều cán bộ nhận đất rừng rồi bán lại, thu lợi cá nhân.

Trên đoạn đường khoảng 9 km từ trạm bảo vệ rừng đầu tiên của xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (trực thuộc Công ty TNHH Gia Nghĩa), càng đi sâu vào tiểu khu 1691, chúng tôi càng thấy nhiều cây gỗ mới bị cưa xẻ ngổn ngang. Còn tại tiểu khu 1684, tự bao giờ rừng đã bị cạo gọt nham nhở để trồng bơ, tiêu, cà phê… Đi càng sâu vào lâm phần QLBVR của xí nghiệp, chúng tôi gặp càng nhiều hộ dân làm rẫy trên đất nhận khoán trồng rừng.

Chị Phạm Thị Hường từ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng mới đến lập nghiệp tại xã Quảng Thành từ năm 2015. Chưa có hộ khẩu tại đây, gia đình chị Hường vẫn được xí nghiệp cấp cho hơn 1 ha đất rừng với giá nhận khoán 2 triệu đồng để trồng rừng theo Chương trình 135. Thực tế, chị đã trồng muồng xen tiêu và cà phê. Những vạt rừng cạnh rẫy nhà chị Hường đã bị chặt phá để trồng nhiều loại cây khác.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, việc giao khoán trồng rừng theo Nghị định 135 ở Cty TNHH Gia Nghĩa chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa ưu tiên giải quyết đất cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong 90 hộ nhận khoán, có 21 hộ không có hộ khẩu thường trú như đã khai nhưng vẫn được giao khoán hơn 83 ha đất rừng. Thậm chí, công ty còn giao khoán hơn 204 ha đất có nguồn gốc từ phá rừng trái phép cho 67 hộ dân khác, dù chưa xử lý xong, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Mơ về một Tây Nguyên xanh mãi ảnh 2 Rừng giao khoán cho Cty TNHH Gia Nghĩa bị dân phá để lấy đất sản xuất.

Cao su, thủy điện ép chết rừng tự nhiên

Theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2009- 2020, Tây Nguyên trồng mới 100.000 ha cao su. Chạy theo mối lợi trước mắt, nhiều địa phương khoanh cả rừng giàu vào diện “rừng nghèo” để được phép chuyển sang trồng cao su. Chỉ đến cuối năm 2016, diện tích cao su toàn vùng đã lên tới hơn 180.000 ha.

Năm 2011, một chủ doanh nghiệp (DN) quê ở Tây Ninh tiết lộ với Tiền Phong chuyện nhờ quan hệ tốt, ông được cấp tới gần 2.000 ha rừng và đất rừng tại huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk) để thực hiện dự án trồng cao su. Nhằm lách khỏi quy định chuyển đổi mục đích sử dụng quá 500 ha rừng phải trình qua Quốc hội theo Nghị quyết 49/2010, có sếp đã bày ông cách huy động cả con cháu, dâu rể trong gia đình lập 4 công ty khác nhau để triển khai dự án.

Những chiêu bài lách luật tương tự được triệt để vận dụng trong giai đoạn này làm bốc hơi nhiều vạn hecta rừng tự nhiên Tây Nguyên, để lại phía sau bạt ngàn rừng cao su non mới trồng.

Một thực trạng đau lòng khi nhiều cánh rừng khộp rất quý giá về đa dạng sinh học lại bị hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai cho phép DN ủi phá để trồng cao su. Kết quả, những mảng rừng một mùa rụng lá, đổi màu, tạo phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp bị xóa sổ. Còn cây cao su trồng đi, dặm lại vẫn chẳng lớn nổi vì không phù hợp thổ nhưỡng nơi này. Rừng hết, vốn DN cũng teo!

Mười năm qua, Tây Nguyên đã chuyển đổi hơn 80.000 ha đất rừng các loại để xây dựng khoảng 50 công trình thủy điện. Nhiều DN dù không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật nhưng vẫn trình dự án thủy điện nhằm mục đích khai thác khoáng sản, lâm sản. Một số dự án vận hành thành công thì không chịu trồng phục nguyên quỹ rừng thay thế hoặc chây ì chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Sau khi có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch phát triển cao su tại Tây Nguyên vào năm 2009, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án trồng rừng, cải tạo, trồng cao su…trên đất lâm nghiệp với diện tích hơn 215.720 ha. Một tỉ lệ lớn rừng tự nhiên vì thế cũng đã không còn. Một số cá nhân và “nhóm lợi ích” giàu lên, còn thiệt hại thì cộng đồng xã hội
cùng chịu…

(Còn nữa)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Kiêm Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Quốc Trị nhận định: Hiện tượng lượng mưa thiếu hụt từ 30-50% so với trung bình nhiều năm; hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn dưới 30-40% so với dung tích thiết kế; mực nước ngầm giảm sâu từ 3-4m khiến hơn 100.000 hộ dân thiếu nước, diện tích cây trồng bị hạn trên 170.000 ha trong năm 2016, có nguyên nhân từ rừng Tây Nguyên đã suy giảm cả về diện tích và chất lượng.

MỚI - NÓNG