Mở rộng kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm

Măng đang được phơi khô ở xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) Ảnh: HL
Măng đang được phơi khô ở xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) Ảnh: HL
TP - Ông Trần Văn Tâm- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Việc đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thu giữ các sản phẩm măng tươi, khô trên địa bàn nhằm kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm này”.

> Mở rộng điều tra vụ sử dụng lưu huỳnh để bảo quản măng

Nhiều cách chế biến, sử dụng măng

Sáng 25-9, măng tươi (đã luộc hoặc chưa luộc) được bày bán nhiều ở chợ Bái Thượng, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân. Đây vẫn là sản phẩm rau củ được nhiều người tiêu dùng mua, sử dụng.

Mặc dù trước đó, ở khu vực phố Bái Thượng này có 2 cơ sở sản xuất măng khô bị cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ do sử dụng lưu huỳnh để chống mốc, ẩm.

Từ tháng 6 đến hết tháng 9 hằng năm là mùa khai thác măng chính. Dân ở các địa phương đi khai thác măng về, sử dụng nước suối luộc măng thì măng tươi sẽ có độ mềm, ngọt.

Măng tươi đã được luộc kỹ giữ được độ tươi ngon bằng cách ngâm vào nước và thay nước hằng ngày. Thời gian giữ được măng tươi từ 15 đến 20 ngày mà không cần bất kỳ chất bảo quản nào.

Măng tươi đã luộc qua hiện nay có giá bán tại chợ này là 10.000 đồng/kg. Thời gian khai thác măng trong năm không nhiều, chính vì vậy, lượng măng tươi khai thác được trên địa bàn chủ yếu phục vụ cho người dân địa phương hoặc các vùng lân cận.

Còn măng khô được sấy ở các cơ sở sản xuất ở đây chẳng mấy khi người dân sử dụng. Phần lớn sản phẩm này được các cơ sở sản xuất bán đi các vùng khác trong và ngoài tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Nhượng, thôn 16, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng đi khai thác măng. Chúng tôi thường luộc măng bằng củi lửa trong những nồi to ngay trên đồi, sau đó đem đi bán ngoài chợ dần. Măng giữ được độ tươi, ngon khoảng 15 ngày mà không cần phải sử dụng chất bảo quản gì. Cũng có điểm thu mua nhiều để vận chuyển đi khắp nơi, nhưng phần lớn người dân bán nhỏ lẻ tại các chợ gần nhà”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời điểm cuối vụ măng này, tại huyện miền núi cao Mường Lát (Thanh Hóa), việc khai thác, buôn bán, vận chuyển măng vẫn diễn ra với các mức giá cụ thể như: Măng tươi (chưa luộc): 2.500 đồng/kg, măng tươi (đã luộc): 3.500 đồng/kg; măng đã làm khô có giá từ 50.000-60.000 đồng/kg.

Sản phẩm mùa vụ của người nghèo?

Ông Lê Văn Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Lang Chánh cho hay: “Vào mùa khai thác măng rộ, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện cũng khai thác măng, mang về tự luộc, xé nhỏ, phơi khô bằng ánh nắng để ăn dần hoặc đem đi bán. Măng khai thác được có khi luộc lên để bán măng tươi, có khi được làm khô, có khi muối thành măng chua...”

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó có nhiều vùng có thể trồng, khai thác, tận thu măng, do đó, có nhiều hộ gia đình đi khai thác, thu gom, sản xuất măng tươi, măng khô, măng chua.

Việc thu gom, sản xuất măng chủ yếu mang tính chất mùa vụ, nhỏ lẻ. Vì vậy, việc quản lý, kiểm tra, giám sát các công đoạn chế biến, bảo quản, mua bán sản phẩm này đối với cơ quan chức năng không phải dễ dàng.

Ông Trần Văn Tâm - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Thanh Hóa cũng cho biết, chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng mở rộng việc kiểm tra việc sử dụng lưu huỳnh có trong măng trên địa bàn toàn tỉnh, để kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm từ sản phẩm này, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Ông Lê Văn Nghĩa- Đội trưởng Đội QLTT số 18, đóng tại huyện Quan Sơn cho hay: “Hơn 25 tấn măng sống vừa bị thu giữ đang được giữ tại bản Chanh, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn. Sau khi có kết quả về mẫu xét nghiệm, chúng tôi sẽ báo cáo với cơ quan chức năng để có hướng xử lý tang vật thu giữ”.

Như vậy, đến thời điểm này, tại Thanh Hóa đã có 3 cơ sở chế biến măng bị kiểm tra, thu giữ sản phẩm vì sử dụng lưu huỳnh để bảo quản. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong thì đây là những cơ sở thu gom lớn.

Trong khi đó, sản phẩm măng có mặt trên thị trường Thanh Hóa lại có xuất xứ nhiều từ các hộ dân khai thác, thu mua nhỏ lẻ tự luộc, phơi sấy thủ công.

Trả lời báo Tiền Phong, ông Hà Đình Ngư - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa nói: “Vì chưa hiểu biết nên người dân còn dùng lưu huỳnh (dạng Dioxit Lưu huỳnh) để sấy khô thực phẩm như cau khô, ngũ cốc bị ẩm mốc… có người còn dùng hỗn dịch lưu huỳnh để bôi diệt trừ rận, rệp cho các vật nuôi trong nhà.

Lưu huỳnh tồn tại ở dạng khoáng chất gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hô hấp …của con người. Vì vậy phải rất thận trọng khi tiếp xúc, chứ nếu là lưu huỳnh được đưa vào sản phẩm thực phẩm nhưng không rõ hàm lượng và thiếu sự kiểm soát thì rất nguy hiểm”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.