Nhạc thiếu nhi:

Mờ nhạt, thiếu tác phẩm hay

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lĩnh vực sáng tác và biểu diễn nhạc thiếu nhi những năm qua rất mờ nhạt. Tác phẩm mới không nhiều, thiếu sức lan toả và hầu như khó cạnh tranh với những lựa chọn giải trí khác. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, các nghệ sĩ, nhà sản xuất cần nhìn nhận nhạc thiếu nhi là một thị trường giàu tiềm năng để toàn tâm toàn ý sáng tác và làm sản phẩm có chất lượng.

Thiếu người nghe, ít sáng tác

Lâu nay nhạc thiếu nhi vắng bóng những sáng tác thực sự để lại dấu ấn như thời của Tia nắng hạt mưa (nhạc sĩ Khánh Vinh), Trái đất này là của chúng mình (nhạc sĩ Trương Quang Lục) hay Con cò bé bé (nhạc sĩ Lê Xuân Thọ), Cô và mẹ (nhạc sĩ Phạm Tuyên)… Trẻ em ngày nay cũng ít nghe, ít thuộc những ca khúc đúng với lứa tuổi. Nhiều nhạc sĩ không mấy mặn mà viết nhạc trong lĩnh vực này vì dàn dựng tốn kém, trong khi lợi nhuận thu về không đáng là bao.

Mờ nhạt, thiếu tác phẩm hay ảnh 1

Các sáng tác mới cho thiếu nhi chưa có cơ hội lan tỏa

Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải định kỳ hằng năm cho các sáng tác thiếu nhi, nhưng nơi tổ chức dàn dựng và phát sóng không có. Ca khúc dành cho trẻ em hiếm hoi xuất hiện trong các cuộc thi, chương trình giải trí như Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Thần tượng âm nhạc nhí… song hầu hết các chương trình này đã tạm dừng phát sóng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, âm nhạc thiếu nhi ít được quan tâm. Vì vậy, các chương trình nhạc thiếu nhi ít xuất hiện trên sóng giờ vàng. “Các sân chơi, các nền tảng, chương trình dành cho thiếu nhi không còn nhiều như ngày xưa nữa. Không được chú trọng kéo theo nhạc sĩ không có động lực sáng tạo. Các nhạc sĩ sáng tác nhạc thiếu nhi mới cũng không có phương tiện, sân chơi để quảng bá”, nam nhạc sĩ nêu.

Ca sĩ Khôi Minh (nhà báo Nguyễn Mạnh Hà, báo Tiền Phong) - người khởi xướng nhóm nhạc Dragon Plus chuyên hát những ca khúc thiếu nhi - nhận định, thị trường âm nhạc thiếu nhi đang thu hẹp dần. Thể loại nhạc này phải chia sẻ thị phần với nhạc nước ngoài, nhạc người lớn.

“Trẻ em tiếp xúc với tiếng Anh, mạng Internet từ sớm. Sự lớn mạnh của thị trường nhạc người lớn dẫn đến thị trường nhạc thiếu nhi hẹp dần. Sự biến chuyển này mang tính chất tự nhiên, tự phát, ít có sự can thiệp của các cơ quan văn hóa”, ca sĩ Khôi Minh nói.

“Các cơ quan quản lý cần khuyến khích các đài truyền hình dành khung giờ vàng cho âm nhạc thiếu nhi. Như vậy, nhạc thiếu nhi Việt Nam mới phát triển được…”.Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Trên thị trường vẫn có nhiều nhạc sĩ tự quảng bá nhạc cho thiếu nhi của mình như Nguyễn Văn Chung. Tuy nhiên, họ phải tự tìm thị trường và tự tìm cách quảng bá âm nhạc. “Nhiều bài hát thiếu nhi trong cuộc thi sáng tác được viết với kỹ thuật, ca từ mang tính học thuật rất khó chạm tới tâm hồn trẻ nhỏ, bởi các em rất ngây thơ, trong sáng, non nớt. Các em cần một ca khúc đơn giản có tiết tấu vui tươi như Baby Shark”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phân tích.

Tìm vị trí xứng đáng

Tác phẩm âm nhạc cho thiếu nhi cần phải được quan tâm trong sáng tác và biểu diễn, cả về nội dung lẫn hình thức, nhằm thu hút và có ý nghĩa bồi đắp tâm hồn, nhân cách trẻ thơ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, những nội dung gần gũi với trẻ sẽ dễ dàng chạm đến các em hơn.

“Những bài hát thiếu nhi nên viết về thế giới xung quanh qua đôi mắt của trẻ em với ca từ là ngôn ngữ của một đứa trẻ, nhưng với trái tim của một người lớn biết phân định đúng sai, biết yêu thương biết bao dung. Như vậy mới hướng một đứa trẻ đến lối sống tích cực”, nam nhạc sĩ phân tích. Để nhạc thiếu nhi tìm lại chỗ đứng như trước, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, cần thay đổi nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của nhạc thiếu nhi, từ đó có những thay đổi thực chất.

Mờ nhạt, thiếu tác phẩm hay ảnh 2

Sân chơi cho thiếu nhi đã ít, tìm nơi quảng bá, biểu diễn âm nhạc thiếu nhi càng khó khăn

“Cha mẹ nên có trách nhiệm định hướng cho con về kênh, chương trình âm nhạc thiếu nhi phù hợp. Nhà trường có thể mỗi ngày sẽ bật nhạc cho các con nghe, thậm chí là tập nhảy theo nhạc. Các cơ quan quản lý cần khuyến khích các đài truyền hình dành khung giờ vàng cho âm nhạc thiếu nhi. Như vậy, nhạc thiếu nhi Việt Nam mới phát triển được”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đề xuất.

Việc giáo dục âm nhạc cho thiếu nhi cần được quan tâm hơn cả. Các nghệ sĩ, nhà sản xuất cần nhìn nhận nhạc thiếu nhi là một thị trường giàu tiềm năng để toàn tâm toàn ý sáng tác và làm sản phẩm có chất lượng. “Nhà trường và các bậc phụ huynh quan tâm đến việc giáo dục âm nhạc cho thiếu nhi giúp cho con em mình tiếp xúc từ sớm với những cái hay cái đẹp trong âm nhạc của Việt Nam và thế giới. Từ đó, các em hiểu rằng đâu là những giá trị, bản sắc riêng có của người Việt đóng góp vào kho tàng âm nhạc thế giới cần giữ gìn”, ca sĩ Khôi Minh nêu.

Việc xây dựng một kênh truyền hình chuyên biệt dành riêng cho thiếu nhi cũng là điều cần thiết. Đây là cơ sở để những sáng tác cho thiếu nhi được trả lại vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc. Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ quan trọng là phát triển âm nhạc thiếu nhi. Bên cạnh khuyến khích và vận động hội viên sáng tác, cổ vũ các lực lượng trong xã hội tham gia phát triển mảng âm nhạc này, Hội sẽ khôi phục Ban Âm nhạc thiếu nhi, tổ chức giải thưởng âm nhạc thiếu nhi, tổ chức các liên hoan, festival âm nhạc thiếu nhi, tạo sân chơi cho các nhạc sĩ đưa sáng tác mới đến với công chúng, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc nhỏ tuổi….

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.