Mô hình còn rối, xã hội hóa cần thí điểm

Mô hình còn rối, xã hội hóa cần thí điểm
TP - Thảo luận về dự án Luật Giám định Tư pháp (GĐTP) sáng 21-11, ĐBQH cho rằng, mô hình tổ chức này đang có những bất cập cần được tổ chức thống nhất; đồng thời phải làm rõ cơ chế giải quyết khi có tranh chấp kết quả giám định. Về việc xã hội hóa công tác này có ý kiến cho rằng cần làm thí điểm trước.

> Giám định tư pháp không xã hội hóa tràn lan

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Thị Nga cho rằng, mô hình tổ chức GĐTP công lập hiện nay và phương án của dự thảo Luật đều chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và của cải cách tư pháp.

Bất cập lớn nhất và Dự thảo luật chưa giải quyết được là phân định thẩm quyền của các tổ chức giám định. Hiện chúng ta có 3 tổ chức GĐPY ở trung ương, 63 tổ chức ở địa phương, 50 đội pháp y của Công an các tỉnh nên dẫn đến tranh chấp về thẩm quyền. Tất cả các tổ chức đều đánh đồng như nhau cả ở trung ương, địa phương. Từ đó, có thể dẫn đến tùy tiện, chủ quan trong việc quyết định trưng cầu giám định.

ĐB Nga cho rằng phải tổ chức lại các tổ chức này theo hướng tập trung đầu tư cho Viện pháp y quốc gia, Viện khoa học kỹ thuật hình sự, Viện pháp y tâm thần để thực sự trở thành những tổ chức giám định đầu ngành.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đề nghị có cơ chế bảo đảm sự vô tư, trong sáng của người giám định. Người giám định gian dối thì không ai có thể khắc phục được. Vì vậy, cần phải có cơ chế tăng cường khiếu nại, tố cáo, kiểm sát việc giám định. Giải quyết vấn đề này sẽ giảm thiểu được sự xung đột của các kết luận giám định giữa bản kết luận giám định cấp trên với cấp dưới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG