Chính phủ Thụy Điển nhấn mạnh rằng người dân “tự chịu trách nhiệm” và cố gắng không áp đặt các quy định bắt buộc. Cho đến nay, ngoài việc cấm người dân đến thăm những người già trong các viện dưỡng lão và hủy bỏ các cuộc tụ tập và cuộc thi đấu thể thao lớn có hơn 50 người dự, chính phủ Thụy Điển chỉ kêu gọi mọi người thực hiện “giãn cách xã hội” trong cuộc sống hàng ngày. Các văn phòng, tiệm làm đầu, quán bar, phòng tập gym và thậm chí một số rạp chiếu phim vẫn hoạt động bình thường và những người vi phạm hầu như không chịu bất kỳ hình phạt nào. “Tôi rất vui vì chúng tôi đã không bị phong tỏa và cuộc sống vẫn tiếp tục”, Johan Mattsson, 44 tuổi nói với phóng viên tờ New York Times.
Tính đến cuối ngày 1/5, Vương quốc Thụy Điển 10,2 triệu dân “không phong tỏa, không cấm ra khỏi nhà, không đóng cửa trường học” đã có tổng cộng 21.520 người bị bệnh và 2.653 người chết vì COVID-19. Họ vẫn được coi là một ví dụ thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả mà không cần phong tỏa.
Ngược lại với Thụy Điển, các quốc gia Bắc Âu khác đã áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn nhiều. Đan Mạch đã đi đầu trong việc phong tỏa biên giới châu Âu và cấm tụ tập hơn 10 người từ ngày 11/3; cũng là một trong những quốc gia sớm nhất ở châu Âu đình chỉ các lớp học và đóng cửa cửa hàng. Na Uy cũng đã bước vào tình trạng khẩn cấp vào giữa tháng 3 và ban hành một số lệnh cấm; tình trạng khẩn cấp của Phần Lan sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là ngày 13/5.
Tuy nhiên, cả CNN và mạng trực tuyến VOX đều chỉ ra rằng mặc dù Thụy Điển dường như đã tránh được sự bùng phát của đại dịch cho đến nay, nhưng phân tích số liệu thống kê, có thể thấy sự khác biệt giữa hai cách phòng chống dịch bệnh ở các quốc gia Bắc Âu dường như được phản ánh rõ trong tỷ lệ tử vong bởi COVID-19. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (JHU), Thụy Điển có tỷ lệ trung bình 22 trường hợp tử vong do COVID-19 trên 100.000 người. Mặc dù tỷ lệ thấp do với Anh, Italy, Tây Ban Nha, nhưng cao hơn nhiều các quốc gia Bắc Âu có vị trí địa lý, văn hóa và xã hội tương tự: cao gấp 3 lần so với Đan Mạch, gấp 5 lần so với Na Uy và Phần Lan và thậm chí cao hơn cả Mỹ, nơi có dịch bệnh tồi tệ nhất trên thế giới.
Tại Cộng hòa Séc, nơi có dân số tương tự Thụy Điển, sau khi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 12/3, họ đã đưa ra các hạn chế đi lại, cấm các hoạt động quy mô lớn và đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu. Séc cũng là một trong rất ít quốc gia châu Âu yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang khi ra phố; tỷ lệ tử vong trung bình chỉ 2 người trên 100.000 người dân, tức bằng 1/10 của Thụy Điển.
Đài BBC từng phân tích, chính phủ Thụy Điển đặt “trách nhiệm cá nhân” làm cốt lõi của chính sách chống dịch, hy vọng các công dân sẽ có trách nhiệm với lợi ích công cộng và tuân thủ các quy tắc chống dịch và chính phủ sẽ có thể ngăn chặn dịch bệnh mà không cần áp dụng các biện pháp bắt buộc. Nhưng chính sách này cũng gây ra sự chỉ trích trong giới học thuật. 2.000 học giả, trong đó có ông Carl Heldin, Chủ tịch Quỹ Nobel, hôm 28/3 đã cùng nhau ký tên vào bức thư ngỏ kêu gọi chính phủ hành động ngay lập tức để thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc giữa các cá nhân, nhấn mạnh rằng “chúng ta không nên trở thành một ngoại lệ trong việc ngăn chặn đại dịch”.
Đối mặt với những nghi ngờ của bên ngoài, Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren nhấn mạnh, mặc dù Thụy Điển chưa hoàn toàn phong tỏa, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường. Chính quyền cũng tiếp tục đánh giá các biện pháp liên quan với sự giúp đỡ của các chuyên gia và cho rằng đánh giá hiệu quả của cách phòng chống dịch bệnh kiểu Thụy Điển vào lúc này là quá sớm.
Bộ trưởng Ngoại giao Ann Linde thừa nhận với The Guardian, số người chết cao như vậy là bất ngờ đối với chính phủ, nhưng bên ngoài có nhiều hiểu lầm về chính sách phòng chống dịch bệnh của Thụy Điển: “Mục tiêu của chính phủ và chúng tôi hầu như không có sự khác biệt: cứu mạng sống, ngăn chặn sự lây lan của virus, đảm bảo hệ thống y tế chịu được tải và giảm nhẹ ảnh hưởng đến công nghiệp và thương mại. Chúng tôi hy vọng thiết lập mối quan hệ tin cậy lâu dài và bền vững giữa công chúng và chính phu; chúng tôi luôn duy trì lập trường, nếu mọi người không tuân thủ các quy định liên quan, chính phủ đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các quy định ràng buộc cứng rắn hơn”. Bà Linde nói: “Chống dịch là một cuộc đua marathon chứ không phải là chạy cự ly ngắn!”.
Rải phân gà chống tụ tập đông người
Thành phố Lund ở Thụy Điển đã ngăn chặn người dân tụ tập tại Công viên Trung tâm vào ngày 30/4 để chúc mừng đêm Walpurgis bằng cách... đổ phân gà vào công viên. Theo worldjournal.com, ông Gustav Lundblad, Chủ tịch Ủy ban môi trường của Hội đồng địa phương, nói với nhật báo Sydsvenskan, thành phố Lund có khả năng trở thành một trung tâm truyền virus mới vào đêm cuối tháng Tư, vì vậy ông nghĩ đây là một đề xuất tốt.