Chuyện tuổi già có gì vui
Đừng nghĩ chỉ tuổi trẻ mới mơ ước hoài bão. Ở tuổi gần đất xa trời, 17 trong số 33 nhân vật đến từ một viện dưỡng lão Hà Nội lần lượt nói về nỗi ước ao của họ. “Tôi muốn được có một chuyến du lịch nước ngoài”, bà Phạm Thị Thi, 74 tuổi, Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm nắn nót viết. Ông Nguyễn Văn Thanh, 66 tuổi ở Linh Đàm chỉ có một ước mơ có vợ con như bao người khác.
Mơ ước cũng là chủ đề đầu tiên khi người xem đến với triển lãm, để biết đến suy nghĩ của người cao tuổi từ những điều giản dị như “Được về quê đón một cái Tết cuối đời”, hay được có nhiều bạn bè tâm tình. Những người thực hiện kể, có cụ già không ai làm bạn đã đánh bạn với một con cún cưng tại trung tâm dưỡng lão.
Tâm sự tuổi già hé mở thế giới nội tâm với đủ cung bậc từ sợ hãi, cô đơn và trăn trở về quá khứ, hiện tại và phần nhiều đều hướng về con cái, gia đình của những người ở tuổi xưa nay hiếm.
Bà Lương Thị Thái, 79 tuổi ở Xuân La, Tây Hồ “thấy hoang mang, cô đơn và tủi thân lắm”. Góa chồng sớm, bà nuôi hai con trưởng thành nhưng 15 năm nay sống một mình vì con trai định cư ở nước ngoài, con gái lo phận làm dâu. Mấy năm trước mắc bệnh ung thu gan, con cháu cũng không thể ở bên chăm sóc. Cùng cảnh ngộ, bà Lương Thị Diệu, 70 tuổi ở Ba Đình mang tâm trạng đau xót vì phải nhìn đứa con trai sa ngã. “Mặc dù vậy nó là con, tôi vẫn thương vẫn nhớ. Có một ít tiền dưỡng già tôi sẽ để lại cho nó”, bà Diệu nói.
Cụ Hồ Tấn Thạch, 88 tuổi ở Gia Lâm xót xa vì con trai mất sớm, vợ mất mấy năm nay và cụ ở với con gái nhưng nhà cửa đi thuê, cuộc sống bấp bênh. Cảm giác không giúp được gì cho con giày vò cụ ông này.
Trong số 33 nhân vật được lựa chọn, có người nổi tiếng chia sẻ câu chuyện đời mình là NSND Trần Phương. Niềm tự hào của ông là các cháu “học cao hiểu rộng” cho nên nhiều khi thấy lúng túng khi ở bên cạnh con cháu. Ông chọn viện dưỡng lão như là Nơi cuộc sống mới bắt đầu. Chính viện dưỡng lão đã đưa ông gặp lại người bạn, diễn viên Tuệ Minh.
Không ngồi một chỗ chờ chăm sóc, các cụ tìm niềm vui ở những hoạt động đơn giản như nhặt đỗ, chuyền bóng, tô tượng. Có sức khỏe tốt như bà Đảm ở Thanh Hóa thì hăng hái trồng rau, nhổ cỏ. Họ tìm thấy niềm vui, sự rèn luyện thể chất và trí não trong những hoạt động như thế.
Vượt qua định kiến
Ông Nguyễn Văn Thanh kể, nhà bà Lai có điều kiện nên con cháu lưỡng lự không muốn để bà ở viện dưỡng lão. Chính bà là người thuyết phục con cái cho ở lại.
Đưa người già vào viện dưỡng lão là điều tất yếu ở nhiều nước phát triển, tuy nhiên lựa chọn này còn khá khó khăn với nhiều gia đình Việt Nam. Sợ mang tiếng bạc đãi bố mẹ, nhiều gia đình không dám bước qua định kiến ấy.
“Tôi có hai con trai nhưng tôi sẽ viết di chúc để sau này chúng nó khỏi mang tiếng là không nuôi bố mẹ”, bà Quản Thị Thu Nguyệt nói. Bà đang ở tuổi hưu, lo xa đến giai đoạn lẫn, sợ gây căng thẳng cho con cái nên sớm nghĩ tới giải pháp sẽ vào viện dưỡng lão.
Dịp này, Bảo tàng Phụ nữ cũng giới thiệu 25 bức ảnh trong chủ đề “Vẻ đẹp không tuổi” của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn. Nhân vật chính là những người phụ nữ lớn tuổi ở Việt Nam.