> Người Ý hâm mộ thời trang Việt Nam
> Quà tặng nước Ý, có gì?
Cuộc phối hợp điện ảnh- thời trang- âm nhạc khép lại Tuần văn hóa Ý- Việt thật ấn tượng. Chị là người yêu điện ảnh và điện ảnh Ý nói riêng?
Ý là quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh lâu đời và cùng với Pháp- như là trụ cột cho ngành công nghiệp điện ảnh châu Âu. Sự hình thành những phong cách đặc trưng trong đời sống được phản ánh qua những bộ phim kinh điển của Ý đã tạo ra những phong cách thời trang mang tính khuynh hướng bất diệt! Tôi thích điện ảnh nói chung và say đắm văn minh Ý - cái nôi của nền văn minh châu Âu, đã để lại cho nhân loại nhiều biểu tượng về văn hóa, kiến trúc, những vở opera kinh điển, hội họa, điêu khắc, và thời trang.
Chị có thể nói rõ hơn về 5 phong cách trường tồn thể hiện qua bộ sưu tập lần này?
Trong kho tàng điện ảnh Ý, tôi chọn những bộ phim đã làm cho thế giới rung động. Và 5 bộ phim tôi chọn cũng là 5 phong cách thời trang mà cho đến bây giờ, vẫn là đích đến của mỗi thời đại.
Các bạn có nhìn thấy rằng bây giờ có quá nhiều người mặc quần nhiều túi hộp với gam màu của quân đội (phim The Batlle of Algiers); chất liệu thô mộc với gam màu tự nhiên và phong cách tự do (phim1900); trường phái thanh lịch bán cổ điển (phim The Leopard); những chiếc áo choàng poncho cho mùa thu đông (phim La Strada); phong cách quyến rũ, nữ tính của thập niên 60 (phim La Dolce Vita).
Ý tưởng đưa những nghệ nhân người H’Mông từ Lạng Sơn về trình diễn trong màn lụa và thổ cẩm Việt- khiến đêm diễn thật sự độc đáo, hấp dẫn. Nhưng nếu không phải là họ trình diễn trên nền của những trang phục chất liệu thổ cẩm, và trên nền (màn hình) mô tả cuộc sống của đồng bào dân tộc phía Bắc, biết đâu có người khắt khe liên tưởng cái gì đó như màu sắc “du lịch” ở đây (kiểu như những bộ phim đoạt giải quốc tế của Trương Nghệ Mưu)?
Đúng là như thế. Sự thuyết phục ở đây chính là những con người H’Mông (nguyên bản); và những làn điệu núi rừng ấy lại kết hợp với ngón đàn “hầu đồng” của Phó An My, đã chinh phục người xem vì vẻ đẹp hoang sơ mà chân thật. Kỹ thuật của nghệ nhân cũng như pianist đều đạt đến độ tinh tế, hơn nữa họ đã có sự đồng cảm trong từng cung bậc của giai điệu.
Trong đêm diễn, hoa hậu Thùy Dung được thể hiện những trang phục thật gợi cảm khiến khán giả trầm trồ. Chị ưu ái?
Tôi không thể ưu ái một ai đó để biến những sáng tạo của mình thành một loại giải trí tầm thường. Với tôi, Thùy Dung là hoa hậu có hình thể chuẩn mực nhất trong tất cả các hoa hậu từ trước đến nay.
Vừa qua chị có cuộc tư vấn toàn diện cho trang phục của MC, phát thanh viên truyền hình. Theo chị, “vấn đề nhất” trong ăn mặc của các MC và phát thanh viên truyền hình hiện nay là gì? Ví dụ, chỉ một chiếc áo dài để lên hình hàng ngày của phát thanh viên VTV thôi mà sao khó đẹp?
Vấn đề của MC truyền hình hiện nay chính là PHONG CÁCH chuẩn mực dành cho MC. Một chiếc áo dài đẹp thôi chưa đủ vì áo dài dành cho MC là một loại trang phục mang tính đặc thù của một công việc thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Vì vậy, áo dài cho MC cần phải có đủ yếu tố: Thanh lịch, trang nhã, đơn giản mà vẫn rất hiện đại.
Đêm 22-10 vừa qua ở khán phòng KS Daewoo Hà Nội, Minh Hạnh một lần nữa gây ngạc nhiên. Vẫn là “phù thủy màu”, phối những màu sắc tưởng như không thể, với nhau. Và ngạc nhiên, trước tiên vì những trang phục này hiện diện trên nền của những bộ phim Ý mà chỉ nghe tên- tên phim, đạo diễn, diễn viên đã đầy tràn xúc cảm. Trái với sự im lặng bao trùm khi tiếng đàn piano của Phó An My cất lên, khán phòng trở nên náo nhiệt, khán giả ồ lên thích thú khi những đồng bào H’Mông diện sặc sỡ, lần lượt tiến ra sân khấu với khèn bè, khèn môi... điểm tô cho bước đi của dàn người mẫu sáng giá. Thổ cẩm, lụa Việt Nam lại một lần nữa lạ hóa trong sưu tập không phải Ý mà Việt - hiện đại, quyến rũ. 3F (Food - thức ăn, Football - bóng đá, Fashion - thời trang) khép lại trong đêm, với rượu vang và những món ăn Ý đơn giản, đặc trưng- khiến Tuần văn hóa Ý - Việt lưu dấu ấn hơn, trong so sánh với một số cuộc giao lưu văn hóa gần đây. |