Biết vậy, nhưng cũng chẳng ai hơi đâu lên án hay trách cứ chị em nếu họ có “đàn bà tính”. Vai trò, thiên chức, trách nhiệm phải tổ chức, cất đặt từng li từng tí, tỉ mẩn vun vén cho tổ ấm mặc định họ được quyền như vậy. Thành thử, một khi các ông phạm phải “vùng” tính cách ấy, nhiều hay ít đều không tránh khỏi cái bĩu môi ngán ngẩm, chê bai... tầm thường.
Mình em làm vợ được rồi!
“Trăm bữa cơm như một, nếu không chê món này, chồng cũng bảo món kia phải chế biến “vầy nè, vầy nè” mới ngon. Đàn ông sao lại quá quan tâm đến chuyện ăn uống. Cái tính hay chê của chồng khiến tôi phiền lắm. Đơn cử, một bữa nghe anh quát con: “Nó bẩn thỉu, con không được chơi với nó”. Hỏi, anh bảo con bé hàng xóm sang chơi, nhìn nó mũi dãi lòng thòng, đi chân đất dơ dáy nên không muốn con làm bạn. Tôi hỏi anh, vậy phải cho con chơi với người nào? Anh cao giọng: “Ít nhất phải người dạy cho con điều hay. Mình đã trầy trật chỉ bảo, con mới có thói quen mang dép, biết hỉ mũi, giữ quần áo sạch thì không thể để con chơi với bạn vệ sinh kém”.
Chưa hết, anh còn cực kỳ... nhiều chuyện. Có lần, anh đưa con ra ngõ chơi, lát sau quay vào, bảo: “Bà Tám ve chai, quanh năm lam lũ, vất vả, người gầy đét; hôm nay đi ăn cưới mặc cái váy sang trọng vẫn chẳng “cứu vớt” được; còn trông lạc điệu, kỳ kỳ sao đó”. Tôi chỉ biết... há mồm.
Cạnh nhà tôi là gia đình anh Thẩm sửa xe. Một trưa đang ngủ, chồng bị đánh thức bởi tiếng ồn. Bực mình, anh chạy sang mắng vốn, sau đó mang chuyện mách lên tổ dân phố. Vậy là hai nhà không ngó nhau. Tôi biết chồng quá đáng, muốn anh sang giảng hòa nhưng anh nhất định “tội gì phải hạ mình”. “Chiến tranh lạnh” kéo dài đã nửa năm, chưa biết bao giờ chấm dứt.
Người ngoài anh đã vậy, tôi thì khỏi nói. Quần áo vừa giặt xong, nếu không mang đi phơi liền bị anh nhăn nhó “để lâu nhàu đồ hết”; tôi quét nhà xong, thể nào anh cũng... quét lại. Bi kịch nhất, thi thoảng tôi dắt xe, anh sẽ... dòm dòm xem liệu bánh xe có giẫm lên đôi dép? Đàn bà quá phải không? Ngán ngẩm! Bao lần tôi nửa đùa nửa thật “ở nhà này, mình em làm vợ là được rồi”; nhưng tình hình vẫn chẳng khá hơn” - chị Ngọc Oanh, H.Củ Chi nói một hơi.
Bần hơn đàn bà!
“Còn tôi, hiện tại ý nghĩ muốn thoát khỏi ông chồng “bần hơn đàn bà” cứ lởn vởn trong đầu. Cuộc sống gia đình không đến nỗi, nhưng cách anh ứng xử với đồng tiền khiến tôi nghẹt thở.
Chồng tôi thích đi chợ, nấu ăn. Phải chăng, thường phải chi tiêu từng chút một biến anh thành kẻ chi li, tính toán đến bần tiện? Có lần anh sai con: “Ra bà Liên mua cho ba nửa ký cà chua, phải là bà Liên nha”. Khổ nỗi, cà chua thì mua đâu chẳng được; thằng nhỏ vừa về, anh lôi mấy quả cà ra càm ràm: “Con không nghe lời ba phải không?”. Anh bảo, cà chua bà Liên ngon nhất chợ, trái mọng, vừa chín tới. Xong anh tuyên bố: “Chợ Cầu Mé này anh lạ gì ai, người nào bán gì ngon anh nắm hết. Cũng chẳng ai lạ gì anh mà dám bán thứ tệ hại”. Chồng lạ gì ai thì tôi không biết, riêng khoản “ai lạ gì anh” thì tôi đã... mục sở thị.
Hôm đó nhà có tiệc, cùng nhau đi chợ, thấy anh hùng hổ ngã giá mà tôi ái ngại vô cùng. “Cũng là dưa leo, sao hàng kia bán rẻ hơn của chị 500 đồng, bớt đi rồi tôi mua” - anh kỳ kèo. Người bán đáp: “Tôi biết tính anh mà, hàng tuyển anh mới ưng; bên đó rẻ nhưng anh vẫn bỏ sang tôi đó thôi”. Hay, mỗi lần có người đến giao nước, thu tiền điện, tiền rác... nếu đưa dư tiền, anh sẵn lòng chờ thối, dù chỉ một ngàn đồng; ai quên, anh níu tay vặn hỏi, quy kết họ... gian.
Riêng tôi, thi thoảng mua sắm vài thứ cho mình, như bộ váy dành ăn cưới mới đây, là gặp ngay cái nhíu mày khó chịu: “Sắp tới phải bóp miệng, bóp bụng may ra đủ ăn”. “Cơn nghẹt thở” khiến tôi tức nước, vỡ bờ, có ý nghĩ muốn thoát khỏi anh, thoát khỏi tính bần tiện này. Cậu em vào công tác, vợ chồng tôi đến khách sạn thăm em. Tại đó, tôi “lạt miệng”, mở bịch snack của khách sạn ra ăn, anh thấy vậy, nhăn mặt: “Coi giá đi, của khách sạn mà”. Tôi chưa hết bẽ mặt thì bị nghe phán tiếp: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng là tính luôn những trường hợp như vậy đấy!”. Không còn khả năng chịu đựng, tôi xin phép ra ngoài rồi đón taxi về” - chị Bích Vân, Q.Tân Phú kết thúc bài ca thán chồng trong tiếng thở dài.
Sao mới đáng mặt đàn ông?
Các ông chồng có hiểu cho nỗi chán nản chất chứa của các bà? Ai sống nổi nếu các ông “đàn bà tính” quá mức? Họa hoằn lắm, chị em chỉ có thể khép hờ mắt cho qua; hoặc tập thích nghi, sống chung với lũ. Nhưng, kiểu gì thì cuộc chung sống cũng dẫn đến bi kịch bởi những tính cách ấy như “vòng kim cô” trên đầu mỗi ngày một siết chặt; khi mà nó diễn ra hàng ngày, va chạm trong mọi sinh hoạt.
Tuy vậy, nói đi cũng phải nói lại, thời cuộc đã khiến chồng vợ ít nhiều “đổi vai” nhau. Đàn ông đi chợ, ngã giá hay giữ sổ thu chi là chuyện bình thường; nhất là khi xu hướng mới đòi hỏi người đàn ông hiện đại vừa có chỗ đứng trong xã hội mà vẫn chu đáo, biết lo toan, chăm sóc, thu vén cho gia đình. Nhiều ông còn cảm thấy hạnh phúc bởi được thể hiện tình thương yêu vợ con, ở sự lo toan vụn vặt, chi tiết, biết tiết kiệm, dành dụm từng đồng. Tội gì không để họ hạnh phúc? Lẽ đó, phụ nữ, nên chăng bớt bận tâm, xét nét đến những tiểu tiết của chồng - bởi sự xét nét đó cũng một cách tự thân chị em gián tiếp phô bày “đàn bà tính”.
Sau cùng, chẳng ông nào muốn mang những đặc tính mà “phe kia” còn muốn chối bỏ. Hai bên phải hiểu rằng, mọi sự đều có ngưỡng; mà, vợ chồng bao giờ chẳng canh lề, giữ lối cho nhau. Dưới đôi mắt tỉ mẩn, nhạy cảm có sẵn, các bà hãy là người góp ý, khuyên nhắc, động viên chồng trở về đúng vị thế, tư cách nếu thấy ông sa đà. Ngược lại, các ông tự kiểm kê, rà soát, xem ngó chính mình sao cho không chệch ray... tay đàn ông chính hiệu!
Đừng để “đàn bà tính” - chẳng riêng gì các ông - ở thế không cứu chữa được, ngôi nhà như có hai bà vợ; sớm muộn cũng mất vui.