Minh bạch khoáng sản: Nhà quản lý có thực mong muốn?

Minh bạch khoáng sản: Nhà quản lý có thực mong muốn?
TP - Nghiên cứu của tổ chức nước ngoài về tính khả thi của Việt Nam (VN) tham gia Sáng kiến Minh bạch ngành Công nghiệp Khai khoáng (EITI) sẽ được báo cáo hôm nay, 2/5, tại Hà Nội. Th.S Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn&Phát triển (CODE) trao đổi với Tiền Phong xung quanh sự kiện này.

> Thuốc đặc trị diệt tham nhũng
> Minh bạch khoáng sản

Là một trong số ít tổ chức xã hội dân sự tích cực thúc đẩy EITI ở VN, CODE có đánh giá gì về thuận lợi khi VN gia nhập EITI?

Như những nghiên cứu trước đây của chúng tôi cũng như trong báo cáo nghiên cứu lần này của tổ chức quốc tế Adam Smith International, về cơ bản quá trình tiếp cận và thúc đẩy thực thi EITI ở VN là thuận lợi do chúng ta đã có một khung thể chế, pháp lý khá đầy đủ để đảm bảo việc thực thi sáng kiến này. Nói cách khác, khi thực thi sáng kiến này, VN sẽ không phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều về thể chế và pháp luật hiện tại. Đây là lợi thế rất lớn.

Thế giới đã có 37 quốc gia tham gia EITI. Khi thực thi EITI, VN sẽ có ít nhiều lợi thế của người đi sau. Chúng ta có thể kế thừa kinh nghiệm của các nước đã thực thi EITI.

Bình Định, nơi tổ chức khai thác titan lớn nhất nước, được chọn là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm minh bạch các nguồn thu từ khai khoáng. Ảnh: QD
Bình Định, nơi tổ chức khai thác titan lớn nhất nước, được chọn là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm minh bạch các nguồn thu từ khai khoáng. Ảnh: QD.

Ông mong chờ gì hội thảo ngày 2/5 ở Hà Nội về báo cáo của Adam Smith International?

Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp VN tiệm cận đến EITI, góp phần giúp chúng ta quản lý và sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên khoáng sản và dầu khí của đất nước.

Trước đây, VN đã có các tiếp cận và nghiên cứu về khả năng thực thi sáng kiến này. Báo cáo nghiên cứu này một lần nữa khẳng định thông điệp rất cụ thể là VN nên tham gia EITI. Điều đó không chỉ vì lợi ích chung của VN mà còn vì vai trò, vị trí của VN trên trường quốc tế. Nó giúp VN tạo dựng lòng tin, uy tín đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Tham gia EITI còn giúp VN thực hiện hiệu quả hơn chương trình cải cách tài chính công cũng như phòng, chống tham nhũng mà VN đang nỗ lực thực hiện. Vì những ý nghĩa đó, báo cáo lần này đã đưa ra đề xuất lộ trình cụ thể cho VN tham gia sáng kiến EITI trong bốn năm.

Một số trở ngại nêu trong báo cáo của Adam Smith International, ông có chia sẻ không?

 “Trở thành thành viên EITI, nhất định VN sẽ có thêm công cụ hữu hiệu đảm bảo tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, được quản lý, sử dụng hiệu quả cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh”.  

Th.S Phạm Quang Tú

Tôi đồng ý với báo cáo của Adam Smith International cho rằng cản trở lớn nhất cho thực thi EITI ở VN là cam kết chính trị của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi sáng kiến này. Liệu các cơ quan quản lý nhà nước có thực sự mong muốn thực hiện các chủ trương, chính sách của chúng ta (ví dụ phòng chống tham nhũng, minh bạch và quản trị tốt) trên thực tế hay không? Cần nhận diện rằng EITI là một trong các công cụ giúp chúng ta đạt được điều đó.

Vậy Bộ Công Thương đăng cai hội nghị có nói lên điều gì không?

Có chứ. Các nghiên cứu và hội thảo trước đây phần lớn được thực hiện bởi các tổ chức ngoài nhà nước như Phòng Thương mại&Công nghiệp Việt Nam (VCCI), CODE, Trung tâm Con người&Thiên nhiên (PanNature).

Bộ Công Thương được Chính phủ giao tiếp cận sáng kiến này từ năm 2010. Từ đó đến nay, tiến trình tiếp cận với sáng kiến còn hơi chậm. Tuy nhiên, với việc đăng cai tổ chức hội thảo, Bộ Công Thương cho thấy họ đang thực hiện nhiệm vụ được giao. Điều đó cũng cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang quan tâm EITI. Tôi hy vọng, sau hội thảo, tiến trình VN tham gia EITI sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.

Cảm ơn ông.

Quốc Dũng
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.